|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán kỳ vọng từ chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ

18:00 | 01/07/2023
Chia sẻ
Giới phân tích nhận định, sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về tài khóa lẫn tiền tệ và thị trường chứng khoán thường có những phản ứng sớm với các thông tin trên.

Sau 4 tuần liên tiếp tăng điểm, VN-Index trong tuần cuối cùng tháng 6 và cũng là phiên cuối cùng của quý II/2023 đã chịu áp lực điều chỉnh, nhà đầu tư chốt lãi ở vùng giá quanh kháng cự mạnh 1.140 điểm. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ và thị trường chứng khoán thường có những phản ứng sớm với các thông tin trên.

Nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán tương quan cao với VN-Index

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận những thông tin trong tuần qua như: Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); tăng trưởng GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, không như kỳ vọng, rất khó có thể đạt được mức tăng trưởng mục tiêu đã đề ra là 6% - 6,5%.

Theo ông Khiếu Trọng Huy, chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đạt 4,14% so với cùng kỳ năm trước, giúp GDP nửa đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù GDP trong quý II đã tăng cao hơn so với quý I (3,32%) nhưng vẫn đang rất thấp so với cùng kỳ các năm trước, GDP 2 quý đầu năm chỉ cao hơn năm 2020 (1,74%) trong khi thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2013-2022 (trên 5,5%).

Do đó, BVSC cho rằng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ trong các tháng tới đây, cả về tài khóa lẫn tiền tệ, để tiếp tục thúc đẩy cho tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm 2023, trong bối cảnh rủi ro lạm phát không còn (lạm phát 6 tháng đầu năm đạt 3,29%) và tỷ giá diễn biến ổn định.

“Với kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm và chính sách hỗ trợ sẽ được đưa ra giúp các khu vực của nền kinh tế tăng trưởng tích cực hơn, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ ở trong khoảng 5-5,5%”, ông Huy nhận định.

Về diễn biến thị trường tuần 26-30/6, sau nhiều phiên biến động giằng co quanh vùng giá 1.130 -1.140 điểm trong 3 phiên đầu tuần, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh với độ rộng tiêu cực; trong đó, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có tương quan cao với VN-Index, hầu hết chịu áp lực điều chỉnh mạnh với thanh khoản gia tăng như VIX giảm 11,48%, WSS giảm 8,97%, BVS giảm 7,11%, FTS giảm 7,04%, BSI giảm 5,65%... .

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tương tự với đa số chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản đột biến khá tiêu cực, nhiều mã chịu áp lực bán mạnh hơn khi tổ chức đại hội cổ đông không thành công. Theo đó, QCG giảm 24,15%, LGL giảm 15,21%, TDC giảm 12,07%, CEO giảm 9,16%, NHA giảm 8,37%, DIG giảm 7,68%... .

Trong khi đó, các cổ phiếu khu công nghiệp lại có diễn biến phân hóa, nhưng khá tích cực trước những kỳ vọng gia tăng thu hút FDI, mở rộng hoạt động kinh doanh với nhiều mã tăng giá tốt như SIP tăng 5,78%, IDV tăng 3,48%, D2D tăng 3,06%, GVR tăng 2,11%, KBC tăng 1,21%... . Ở chiều ngược lại, các mã chịu áp lực điều chỉnh như VGC giảm 4,05%, DTD giảm 3,88%, LHG giảm 2,92%... .

Nhiều mã cổ phiếu nhóm ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh, với thanh khoản dưới mức trung bình như BVB giảm 6,09%, VAB giảm 4,82%, MSB giảm 3,08%, TPB giảm 2,70%... 

VN-Index kết thúc tháng 6 và quý II/2023 ở mức 1.120,18 điểm, giảm nhẹ 0,81% so với tuần trước. Tháng 6/2023 VN-Index vẫn tăng khá mạnh 4,19% so với tháng 5 và tăng 5,22% trong quý II, mức tăng khá tốt với thanh khoản cải thiện sau giai đoạn tích lũy kéo dài. Tuy nhiên VN-Index đóng cửa cuối tháng vẫn chưa thể vượt lên trên vùng giá cao nhất đầu năm tương ứng 1.125 điểm.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 82.816,54 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8%; khối lượng giao dịch giảm nhẹ 1,2% so với tuần trước, thể hiện mức độ phân hóa mạnh và áp lực chốt lãi ngắn hạn, bán khá mạnh ở nhóm mã có tính chất đầu cơ, vốn hóa trung bình nhỏ. Thanh khoản HNX giảm 16,07% với 8.245,25 tỷ đồng được giao dịch.

Nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ trọng giao dịch, bán ròng tuần thứ hai liên tiếp trên HOSE với 340,53 tỷ đồng, trong khi  mua ròng trên HNX là 161,79 tỷ đồng.

SHS cho biết, về tình hình vĩ mô, những số liệu của quý II mới công bố trong tuần qua cho thấy đà tăng trưởng đang suy giảm, xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ, tín dụng tăng thấp. Mặc dù đây là hệ quả của những khó khăn đã được nhận diện và Chính phủ cũng đã và đang tích cực đưa ra các giải pháp như thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản…, nhưng cần thêm thời gian để các giải pháp nói trên phát huy tác dụng thực tế.

“Nhìn chung, thị trường chứng khoán thường sẽ có những phản ứng sớm nên chúng tôi kỳ vọng việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được”, chuyên gia từ SHS nhìn nhận.

Theo nhà phân tích Phạm Bình Phương tới từ Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), trước khi giảm, VN-Index cũng đã có chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp, diễn biến này có thể giúp chỉ số sớm cân bằng trong ngắn hạn sau 2 phiên giảm điểm. Vùng 1.120 hiện gần mốc MA (đường trung bình động) 200 tuần, đây có thể là ngưỡng hỗ trợ cho chỉ số trong những phiên đầu tuần sau.

Theo ông Trần Xuân Bách – Chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường của BVSC, trong xu hướng tăng trung hạn, các nhịp điều chỉnh ngắn của thị trường là cần thiết để giúp các nhóm cổ phiếu tích lũy tạo nền giá mới và hấp thụ các yếu tố chưa tích cực về triển vọng lợi nhuận quý II.

Như vậy, dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng các chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn đi lên trong nửa đầu năm nay. Điều này khá tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới.

Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh nhất trong 40 năm

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng đi lên trong phiên 30/6, với chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh nhất trong bất kỳ nửa đầu năm nào trong 40 năm qua.

Chỉ số Dow Jones tăng 0,84% lên 34.407,6 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,23% lên 4.450,38 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,45% lên 13.787,92 điểm.

Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 2,35%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,2% và chỉ số Dow Jones tăng 2,02%.

Trong quý II, chỉ số S&P 500 tăng 8,3%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,8% và chỉ số Dow Jones tăng 3,4%.

Đặc biệt, chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh nhất trong nửa đầu của bất kỳ năm nào trong 40 năm qua, với mức tăng hơn 31%.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều trong phiên 30/6. Trong phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,1% xuống 33.189,04 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,1% xuống 18.916,43 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,6% lên 3.202,06 điểm.

Thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Wellington, Mumbai và Bangkok tăng điểm. Thị trường Manila giảm điểm và thị trường Singapore đi ngang.

Các nhà đầu tư ở Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) tỏ ra thận trọng sau khi số liệu mới về nền kinh tế Trung Quốc cho thấy tăng trưởng tiếp tục chậm lại, với hoạt động sản xuất giảm tháng thứ ba liên tiếp, trong khi tăng trưởng trong ngành dịch vụ và xây dựng cũng chậm lại.

Văn Giáp