|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 9/9: Dòng tiền e ngại mặc dù VN-Index hồi phục mạnh về sát mốc 890 điểm

15:00 | 09/09/2020
Chia sẻ
Ghi nhận trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu nhóm nông nghiệp, phân bón, vận tải tăng giá mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản trên sàn HOSE tiếp tục sụt giảm trong phiên hôm nay.

Kết phiên, VN-Index giảm 0,82 điểm (0,09%) xuống 889,32 điểm, HNX-Index tăng 0,9% lên 125,93 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03% lên 58,84 điểm.

Thị trường tăng mạnh về cuối phiên chiều, đã có thời điểm sắc xanh đã trở lại với VN-Index. Trên sàn HNX, đà tăng giá của ACB và SHB thúc đẩy đà của chỉ số. Ba cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất đà tăng của thị trường là BCM, GVR và VHM. Chiều ngược lại thì VCB, TCB, CTG tác động lớn nhất đến đà giảm của VN-Index.

Đáng chú ý hơn, số mã tăng giá tăng mạnh về cuối phiên, áp đảo với số mã giảm giá. Theo đó sàn HOSE có đến 202 mã tăng giá trong khi có 185 mã giảm giá và 74 mã đứng giá tham chiếu. Tương tự, sàn HNX có 82 mã tăng giá trong khi 61 mã giảm giá.

Diễn biến theo ngành, nhóm ngân hàng, thực phẩm, bảo hiểm, dược phẩm chìm trong sắc đỏ phiên hôm nay là tác nhân gây giảm điểm của thị trường. Chiều ngược lại, các cổ phiếu nông nghiệp, khu công nghiệp, hóa chất, bán lẻ, vận tại lại diễn biến khởi sắc.

Về thanh khoản của thị trường, tổng khối lượng giao dịch phiên hôm nay đạt 391,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 6.950 tỉ đồng, giảm so với phiên hôm qua. Thanh khoản trên sàn HOSE giảm xuống còn 5.985 tỉ đồng.

Tính đến 13h40, VN-Index giảm 7,24 điểm (0,81%) xuống 882,9 điểm, HNX-Index giảm 0,37% xuống 124,34 điểm, UPCoM-Index giảm 0,48% xuống 58,54 điểm.

Số mã tăng giá trên sàn HOSE tiếp tục tăng lên 120 mã. Tuy nhiên, áp lực giảm từ nhóm cổ phiếu trụ khiến chỉ số giảm sâu hơn so với thời điểm tạm dừng phiên sáng. 

Theo ghi nhận trong phiên chiều, một số cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực như QCG, AGG, HAR, HDC.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 5,54 điểm (0,62%) xuống 884,6 điểm, HNX-Index giảm 0,46% xuống 124,23 điểm, UPCoM-Index giảm 0,44% xuống 58,56 điểm.

Thị trường có phần hồi phục về cuối phiên sáng và chỉ số thu hẹp đà giảm. Các mã tác động lớn nhất đến đà giảm của thị trường là VNM, VCB, VHM. Trên đà hồi phục của thị trường, số mã giảm giá ít hơn về cuối phiên. Tuy nhiên, nhóm VN30 vẫn trong trạng thái tiêu cực với toàn bộ các mã giảm điểm, gia tăng áp lực lên thị trường chung.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những nhóm cổ phiếu ngược dòng như nông nghiệp, phân bón. Một số mã trong ngành phân bón tăng giá trong phiên sáng nay như DPM, DCM, BFC.

Các mã trong nhóm logistic, khu công nghiệp cũng giao dịch khởi sắc với các cổ phiếu tăng giá như GMD, DS3, VSC, HAH, SAC.

Về thanh khoản của thị trường, tổng khối lượng giao dịch trong phiên sáng nay trên HOSE đạt hơn 156,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.941 tỉ đồng. So với phiên giao dịch hôm qua, thanh khoản của thị trường tiếp tục sụt giảm.

Tính đến 10h40, VN-Index giảm 7,73 điểm (0,87%) xuống 882,41 điểm, HNX-Index giảm 0,63% xuống 124,01 điểm, UPCoM-Index giảm 0,75% xuống 58,36 điểm.

Sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường khi có đến 289 cổ phiếu giảm giá trên sàn HOSE. Tại nhóm vốn hóa lớn, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều giảm điểm trong phiên sáng nay, ngoại trừ mà BVB ngược chiều tăng giá. 

Cổ phiếu nhóm nông nghiệp tiếp tục thu hút dòng tiền trên thị trường và giữ trạng thái tích cực.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 5,08 điểm (0,57%) xuống 885,06 điểm, HNX-Index giảm 0,61% xuống 124,04 điểm, UPCoM-Index giảm 0,7% xuống 58,41 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong sắc đỏ do tâm lí nhà đầu tư có phần tiêu cực khi thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sâu đêm qua. Sắc đỏ bao trùm trong nhóm VN30 với 29 mã giảm giá và 1 mã đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu "họ Vingroup" và ngân hàng giảm sâu tác động tiêu cực đến chỉ số. Các mã khiến VN-Index giảm sâu là BID, VCB, VNM, VHM, TCB và GAS. Chiều ngược lại, GVR, PAN, GTN tăng giá kìm hãm đà giảm của thị trường.

Ghi nhận trong phiên sáng, cổ phiếu nông nghiệp tăng mạnh thu hút dòng tiền trên thị trường. Hai cổ phiếu "bầu Đức" là HNG và HAG tăng giá lần lượt 2,4% và 5%. Cổ phiếu PAN tăng kịch trần lên 23.200 đồng/cp. Nhóm thủy sản diễn biến phân hóa với các mã tăng giá là MPC, FMC, IDI.

Trở lại diễn biến thị trường chứng khoán quốc tế, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 8/9 tiếp tục chứng kiến cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, khiến cho chỉ số Nasdaq Composite rơi vào cùng điều chỉnh và chỉ số S&P 500 có chuỗi ba phiên giảm mạnh nhất nhiều tháng trở lại đây.

Theo CNBC, chỉ số Nasdaq Composite sụt 4,1% và kết phiên ở 10.848 điểm, đánh mất mốc 11.000 điểm mà chỉ số này đạt được một tháng trước. Sau ba phiên sa sút liên tiếp, Nasdaq đã giảm tổng cộng 10% và rơi vào vùng điều chỉnh.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 632 điểm, tương đương 2,3%, và đóng cửa ở 27.501 điểm, đánh mất mốc 28.000 mới giành lại được hồi cuối tháng 8.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,3% xuống còn 3.332 điểm. Trong ba phiên gần đây, chỉ số đại diện thị trường này đã mất gần 7%, ghi nhận chuỗi ba phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 6/2020.

Hoàng Linh