|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (5/9): VN-Index giảm hơn 3 điểm, nhóm thép tăng trần với thanh khoản đột biến

15:06 | 05/09/2022
Chia sẻ

Thị trường chứng khoán mở cửa xanh nhẹ sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Sắc xanh chủ yếu được duy trì nhờ lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn.

 Diễn biến các chỉ số thị trường. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,16 điểm (0,25%) còn 1.277,35 điểm, HNX-Index tăng 0,89 điểm (0,31%) lên 292,82 điểm, UPCoM-Index giảm 0,67 điểm (0,72%) về 91,78 điểm.

VN-Index tạm dừng chân ở mốc 1.277,35 điểm với thanh khoản có phần nhỉnh hơn so với phiên giao dịch trước. Phiên sáng chỉ có 2 ngành là thép và phân đạm cho thấy sự tăng điểm do hưởng lợi từ thông tin vĩ mô thế giới nhưng tới phiên chiều sự chú ý đã đổ dồn về phía cổ phiếu thép khi đa số đều tăng mạnh và nhiều mã kịch trần. Ngoài 2 dòng này thì thị trường hôm nay không có dòng nào thật sự nổi bật.

Thị trường nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, mốc 1.285 - 1.290 là nhạy cảm và không dễ dàng vượt qua, cộng thêm với sự điều chỉnh đến từ thị trường chứng khoán thế giới trong mấy phiên vừa qua góp phần cản trở đà tăng của VN-Index. Một điểm cần lưu ý khác, đây là tuần thứ 9 VN-Index tăng điểm liên tiếp nên những pha điều chỉnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

 Thống kê thanh khoản và diễn biến của VN-Index. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 1,47 điểm (0,11%) về 1.279,04 điểm, VN30-Index giảm 2,46 điểm (0,19%) xuống 1.298,98 điểm.

Áp lực bán tiếp tục duy trì sang phiên chiều với chuyển động kém sắc của nhóm vốn hóa lớn. Theo quan sát, cổ phiếu dầu khí đồng loạt hồi phục trong phiên chiều sau tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Reuters rằng OPEC+ có thể sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong cuộc họp diễn ra vào ngày 5/9 để chặn đà sụt giảm gần đây của giá “vàng đen” trong bối cảnh nỗi lo suy thoái kinh tế.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 2,44 điểm (0,19%) về 1.278,07 điểm, HNX-Index tăng 1,11 điểm (0,38%) đạt 293,03 điểm, UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (0,77%) về 91,73 điểm.

 Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 5/9. (Nguồn: VNDirect).

Áp lực bán dâng cao sau khi VN-Index chạm mốc 1.285 điểm khiến chỉ số bất ngờ chuyển đỏ về cuối phiên sáng.
Rổ VN30 ghi nhận sắc đỏ áp đảo với 22 mã giảm/8 mã tăng. Trong đó VCB là tác nhân chính kéo giảm chỉ số khi lấy đi gần 1,6 điểm của VN-Index. Kế đó, cổ phiếu của nhiều nhà băng như BID, VPB, SSB, TCB, HDB,... cũng là các lực cản chính của thị trường.

Cổ phiêu VPB là một trong các mã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường phiên sáng ngày 5/9. (Ảnh: Thu Thảo).

Thanh khoản phiên đầu tuần cải thiện tốt hơn trước nghỉ lễ, dòng tiện tập trung ở những nhóm ngành liên quan đến hàng hóa như cao su, thép, hóa chất. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 7.662 tỷ đồng, tương đương hơn 309,7 triệu cổ phiếu được mua bán. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh tăng gần 18% lên 5.944 tỷ đồng.

Tính đến 10h30, VN-Index tăng 5,12 điểm (0,41%) lên 1.285,63 điểm, VN30-Index tăng 3,72 điểm (0,29%) đạt 1.305,16 điểm.

Cán cân giao dịch tương đối cân bằng về giữa phiên sáng với 210 mã tăng/212 mã giảm. Cổ phiếu nhóm thép và đạm thu hút dòng tiền do hưởng lợi từ các thông tin trên thị trường thế giới, còn lại các dòng khác không có nhiều biến động.

Tại nhóm thép, cổ phiếu VGS dẫn đầu chiều tăng với tỷ lệ 5,7%, theo sau là NKG (+4,7%), HSG (+4,3%), TLH (+4%), TVN (+3,5%), POM (+3,2%), SMC (+2,4%), HPG (+2,4%), HMC (+2,1%),...

Tính đến 9h40, VN-Index tăng 1,02 điểm (0,08%) lên 1.281,53 điểm, HNX-Index tăng 0,83 điểm (0,28%) lên 292,75 điểm, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (0,23%) về 92,23 điểm.

Thị trường chứng khoán mở cửa xanh nhẹ sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Sắc xanh chủ yếu được duy trì nhờ lực kéo từ nhóm vốn hóa lớn. Theo quan sát, một số cổ phiếu trọng số lớn trong rổ VN30 đang giao dịch khá tích cực như HPG, VIC, KDH, trong khi áp lực điều chỉnh đang được ghi nhận ở một số mã như HDB, SAB, VJC, MWG, BID, VIB, VCB,...

Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản đang dẫn đầu chiều tăng với mức đóng góp gần 1,6 điểm cho VN-Index. Kế đến sắc xanh từ nhóm thép, hóa chất, sản xuất thực phẩm, điện,... vẫn đang nỗ lực củng cố cho thị trường chung. Chiều ngược lại nhóm ngân hàng tiếp tục điều chỉnh với xu hướng phân hóa đang chi phối.

Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 2/9 khởi đầu tích cực trong buổi sáng nhưng đảo chiều đi xuống vào buổi chiều. Báo cáo việc làm tháng 8 khả quan không thể xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về khả năng Fed mạnh tay chắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc tăng 370 điểm trong buổi sáng 2/9 nhưng kết thúc buổi chiều mất 338 điểm, tương đương 1,07%, và đóng cửa ở 31.318 điểm.

Chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,07% xuống còn 3.924 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 1,3% còn gần 11.631 điểm. 

Thu Thảo

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.