Thị trường chứng khoán 4/5: Áp lực bán cuối phiên, VN-Index mất gần 7 điểm
Kết phiên, VN-Index giảm 6,64 điểm (0,86%) xuống 762,47 điểm; HNX-Index giảm 1,05% xuống 105,72 điểm; UPCoM-Index giảm 0,59% xuống 51,91 điểm.
Xem thêm: Thị trường chứng khoán 5/5
Về cuối phiên, áp lực bán diễn ra mạnh hơn khiến thị trường mở rộng đà giảm. Sắc đỏ chi phối tại nhiều nhóm ngành với 439 mã giảm giá, trong đó riêng nhóm VN30 có 22 mã giảm. Đáng chú ý, cổ phiếu POW giảm kịch sàn xuống 9.820 đồng/cp; cổ phiếu ROS cũng giảm sát giá sàn.
Nhóm bán lẻ, đồ uống với SAB, VNM, MWG, PNJ đều giảm sâu giữa lo ngại nhu cầu tiêu dùng giảm sút sau dịch COVID-19. Các mã hàng không HVN, ACV, AST, SAS, VJC cũng chìm trong sắc đỏ dù các hãng hàng không đã khai trở lại nhiều đường bay.
Trong khi đó, hai cổ phiếu "họ Vingroup" VHM, VRE và các mã ngân hàng HDB, TCB, CTG, EIB giao dịch khởi sắc nhưng không đủ hỗ trợ thị trường tăng điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ổn định ở mức 341,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.523 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đóng góp 1.018 tỉ đồng.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 3,54 điểm (0,46%) xuống 765,57 điểm; HNX-Index giảm 1,04% xuống 105,73 điểm; UPCoM-Index giảm 0,73% xuống 51,84 điểm.
Thị trường tiếp tục diễn biến lình xình trong phiên chiều. Các cổ phiếu POW, MWG, SAB, VPB, HPG, VJC tạo áp lực giảm điểm lên các chỉ số, trong khi HDB, TCB, VHM, VRE, GAS, CTG vẫn đóng vai trò nâng đỡ thị trường.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 1 điểm (0,13%) xuống 768,11 điểm; HNX-Index giảm 0,54% xuống 106,26 điểm; UPCoM-Index giảm 0,25% xuống 52,09 điểm.
Phiên giao dịch buổi sáng diễn biễn ảm đạm với tâm lí thận trọng của giới đầu tư sau kì nghỉ lễ, các chỉ số đều giảm điểm tuy nhiên mức độ không đáng kể. Vào giữa phiên sáng, các cổ phiếu HDB, CTG, VHM, BID giao dịch khởi sắc, tuy vậy chưa đủ thúc đẩy chỉ số tăng điểm, trong khi đó các mã VNM, GVR, VCB, NVL tác động tiêu cực lên thị trường.
Sự phân hóa diễn ra tại hầu hết nhóm cổ phiếu từ ngân hàng, bất động sản, dầu khí đến chứng khoán, thép, dệt may, cảng biển, khu công nghiệp. Cổ phiếu "họ FLC" chịu áp lực bán mạnh sau kết quả kinh doanh quí I kém sắc. Hết phiên sáng, cổ phiếu AMD giảm sàn, nhiều mã cũng giảm cận sàn như HAI, FLC, ROS, ART.
Độ rộng thị trường ghi nhận 348 mã giảm giá, 217 mã tăng giá và 144 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức trung bình với khối lượng giao dịch đạt 203,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.379 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 349 tỉ đồng.
Tính đến 10h50, VN-Index giảm 0,69 điểm (0,09%) xuống 768,42 điểm; HNX-Index giảm 0,6% xuống 106,2 điểm; UPCoM-Index giảm 0,08% xuống 52,18 điểm.
Sau những phút áp lực đầu phiên, thị trường dần hồi phục trở lại, thậm chí có thời điểm VN-Index và VN30-Index đã lấy lại sắc xanh. Các cổ phiếu ngân hàng là động lực chính thúc đẩy thị trường hồi phục với CTG, BID, HDB, TCB bật tăng, trong khi VCB cũng hồi về giá tham chiếu.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 2,74 điểm (0,36%) xuống 766,37 điểm; HNX-Index giảm 0,8% xuống 105,99 điểm; UPCoM-Index giảm 0,04% xuống 52,19 điểm.
Sau kì nghỉ lễ, thị trường chứng khoán diễn biến ảm đạm với tâm lí thận trọng của nhà đầu tư đón chờ những thông tin mới. VN-Index giảm nhẹ trước tác động từ các mã vốn hóa lớn VCB, VNM, SAB, MSN; hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng giao dịch trong sắc đỏ.
Toàn thị trường hiện có 576 mã được khớp lệnh, trong đó 184 mã tăng giá, 284 mã giảm giá và 108 mã đứng giá tham chiếu. Riêng nhóm VN30 chứng kiến 20 mã giảm, cổ phiếu POW có thời điểm giảm xuống dưới mệnh giá. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu SBT, GAS, HDB, PLX, PNJ vẫn giữ được sắc xanh.
Nhóm ngân hàng ghi nhận các mã vốn hóa lớn VCB, BID, CTG, EIB giảm nhẹ, trong khi HDB, TCB, KLB, VBB vẫn ghi nhận xu hướng tích cực. Các nhóm chứng khoán, thép, bất động sản, thủy sản, dệt may cũng đều chứng kiến sự phân hóa.
Mặt khác, nhóm dầu khí diễn biến khởi sắc bất chấp giá dầu quay đầu giảm 7% trong phiên đầu tuần. Cổ phiếu PXS tăng 6% lên 3.700 đồng/cp; theo sau là các mã PVD, GAS, PVS, PVC.
Cổ phiếu "họ FLC" chịu áp lực bán mạnh đầu phiên sau khi Tập đoàn FLC công bố lỗ gần 1.900 tỉ đồng trong quí I, hiện đã hồi phục trở lại nhưng vẫn giao dịch dưới giá tham chiếu. Riêng cổ phiếu GAB tăng 1,5% lên 148.600 đồng/cp.
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần trước cũng chìm trong sắc đỏ sau khi thông báo kết quả kinh doanh gây thất vọng. Nguy cơ căng thẳng Mỹ - Trung leo thang cũng ảnh hưởng tới tâm lí nhà đầu tư.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 622 điểm, tương đương 2,6%, và đóng cửa ở 23.724 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 2,8% và 3,2%.