Thị trường chứng khoán 3/4: Dầu khí, dệt may bứt phá, EIB thỏa thuận hơn 1.000 tỉ đồng, VN-Index vẫn giảm điểm
Kết phiên, VN-Index giảm 1,35 điểm (0,14%) xuống 984,46 điểm; HNX-Index giảm 0,17% xuống 107,3 điểm; UPCoM-Index giảm 0,81% còn 56,64 điểm.
Diễn biến thị trường chứng khoán 3/4. Nguồn: Vietstock Finance
Toàn thị trường ghi nhận 297 mã tăng, 330 mã giảm và 167 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 278 triệu đơn vị, tương ứng 5.348 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 88 triệu đơn vị, tương ứng 1.741 tỉ đồng.
Đáng chú ý, EIB được thỏa thuận toàn phiên hơn 59,6 triệu cp tại mức giá 17.950 đồng/cp, tương ứng 1.071 tỉ đồng.
Lực cầu tích cực trở lại vào phiên chiều giúp các chỉ số phục hồi nhưng vẫn giằng co dưới mốc tham chiếu. Một số mã bất động sản giữ sắc xanh như PDR, NVL, HQC, DXG.
Trong khi đó, nhóm dầu khí kết phiên vẫn giữ sự tích cực, ngoài OIL, PET, POW giá tham chiếu. Cổ phiếu PVD dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với hơn 6,3 triệu đơn vị. Nhóm dệt may ghi nhận STK tăng trần, TCM và TNG tăng ít nhất 3,2%. Các nhóm ngành khác vẫn trong tình trạng phân hóa.
Diễn biến thị trường chứng khoán châu Á phiên 3/4. Nguồn: CNBC
Trong một diễn biến khác, các thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trước kì vọng vào tình hình thương mại Mỹ - Trung. Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,24% lên 3.216,3 điểm và Shenzen Composite tăng 0,824% lên 1.772,09 điểm.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 1,19%. Cổ phiếu của Tencent tăng 3,44% và chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 7 năm ngoái.
Tính đến 13h50, VN-Index giảm 4,06 điểm (0,41%) xuống 981,75 điểm; HNX-Index giảm 0,4% còn 107,05 điểm; UPCoM-Index giảm 0,81% còn 56,64 điểm. Bước sang phiên chiều, lực bán tiếp tục tăng mạnh và các cổ phiếu như VIC, VNM, VCB, BVH vẫn tạo sức ép lên chỉ số VN-Index. Ở một diễn biến khác, cổ phiếu YEG tăng kịch trần lên 109.900 đồng/cp. Cổ phiếu QCG giảm 2,9%, HPG giảm nhẹ. Nhóm điện ghi nhận PC1, PPC phục hồi với mức tăng trên 1%.
Ảnh minh họa: Hedgeye
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 1,74 điểm (0,18%) về mức 984,07 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 0,02% còn 107,46 điểm; UPCoM-Index giảm 0,53% xuống 56,8 điểm.
Độ rộng thị trường tiêu cực với 303 mã giảm, 227 mã tăng và 151 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 151 triệu đơn vị, tương ứng 2.791 tỉ đồng. Đáng chú ý, EIB được thỏa thuận 23,5 triệu cổ phiếu tại mức giá trần 17.950 đồng/cp, tương ứng 422 tỉ đồng.
Cổ phiếu BID tăng 1,7% lên 35.400 đồng/cp trở thành trụ đỡ tích cực nhất đối với VN-Index. Một số mã ngân hàng cũng giao dịch khá tích cực như TPB, LPB, STB, MBB. Các nhóm ngành khác vẫn duy trì diễn biến phân hóa. Dòng cổ phiếu "họ P" gồm PVX, PVS, PVD, PVO đều tăng ít nhất 2,2%. Ngoài ra, PLX và GAS tăng dưới 1%.
Các mã chứng khoán chỉ ghi nhận VDS tăng 0,5% hay NKG có sắc xanh hiếm hoi của nhóm thép. Không khả quan hơn, hầu hết các cổ phiếu thủy sản đều chìm trong sắc đỏ.
Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng hơn 30 tỉ đồng trên HOSE trong phiên rung lắc mạnh của VN-Index. Các mã bị bán ròng chủ yếu gồm HDB (43 tỉ đồng), VJC (12 tỉ đồng).
Tính đến 10h45, VN-Index giảm 1,16 điểm xuống 984,65 điểm; HNX-Index giảm 0,12% còn 107,36 điểm; UPCoM-Index giảm 0,52% xuống 56,81 điểm.
Thị trường vẫn duy trì diễn biến rung lắc mạnh, cổ phiếu VNM, VIC, VCB, BVH, CTG tiếp tục tạo áp lực lên VN-Index. Ngược lại, nhóm dầu khí giao dịch sôi động với GAS đóng góp 0,19 điểm và PLX 0,12 điểm cho chỉ số; thanh khoản của PVS đạt hơn 5,6 triệu đơn vị, cao hơn mức trung bình 10 phiên (3 triệu đơn vị).
Trong khi đó, PVD dẫn đầu thanh khoản HOSE với 4 triệu đơn vị. Tuy giao dịch sôi động nhưng các mã họ dầu khí vẫn chịu áp lực phân hóa khi PVX và PXS tăng trần nhưng OIL, BSR, POW giảm nhẹ. Các nhóm ngành còn lại cũng trong diễn biến tương tự.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 0,87 điểm xuống 984,94 điểm; HNX-Index giảm 0,17% còn 107,3 điểm; UPCoM-Index giảm 0,45% còn 56,84 điểm.
Nhóm bluechips phân hóa mạnh khiến thị trường chứng khoán giằng co trong sắc đỏ đầu phiên sáng. VN-Index được hỗ trợ bởi nhóm dầu khí (GAS, PLX), SAB, EIB, NVL nhưng VIC, VHM, VRE, VNM và một số cổ phiếu ngân hàng (BID, CTG, VPB) gây tác động bất lợi.
Nhóm bất động sản, chứng khoán, thép, thủy sản... ghi nhận sắc đỏ chiếm ưu thế. Trong khi đó, một số mã vẫn tăng trần hoặc gần giá trần như TGG, FRT, VHG, YEG.
Phố Wall ngày 2/4 chứng kiến sự giảm điểm của chỉ số Dow Jones sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó, vượt ngưỡng 26.000 điểm. Cụ thể, Dow Jones giảm 79,29 điểm xuống còn 26.179 điểm. Chỉ số S&P 500 kết phiên ở 2.867 điểm, chỉ tăng chút ít so với giá mở cửa. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,25% lên 7.848,69 điểm.