Thị trường chứng khoán (27/8): Hồi phục trên diện rộng, VN-Index tăng hơn 12 điểm với thanh khoản cải thiện
Đóng cửa, VN-Index tăng 12,08 điểm (0,93%) lên 1.313,2 điểm, HNX-Index tăng 1,94 điểm (0,58%) lên 338,79 điểm, UPCoM-Index tăng 0,63% lên 92,13 điểm.
Tiếp đà hồi phục đầu phiên chiều, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch khởi sắc hơn trong thời gian còn lại của phiên chiều. Tâm lý giao dịch tích cực cộng hưởng với xu thế chủ động hơn của dòng tiền giúp VN-Index đóng cửa cao nhất ngày, được kéo gần 30 điểm so với vùng giá thấp nhất trong phiên.
Dòng tiền không còn co cụm mà lan tỏa rộng khắp với tâm điểm hút tiền tiếp tục là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 628 mã tăng, trong khi có 328 mã giảm và 210 mã đứng giá tham chiếu.
Không thể phủ nhận cú lội ngược dòng ngoạn mục của nhóm bất động sản trong phiên hôm nay khi nhóm này góp hơn 3 điểm cho đà tăng của VN-Index, dù trước đó là một trong những lực cản lớn nhất. Kế đến, sắc xanh của nhóm hóa chất, chứng khoán, xây dựng & vật liệu... cũng góp công cho một phiên cuối tuần đầy cảm xúc.
Mặt khác, nhóm ngân hàng cũng hồi phục với sắc xanh trở lại ở các mã EIB, EVF, VCB, STB, VPB, KLB, MSB, NVB và BID. Riêng LPB chỉnh sâu nhất với tỷ lệ mất giá 4,2%, đóng cửa tại 21.800 đồng/cp. Các mã còn lại điều chỉnh giảm từ 0,2 - 1,8%.
Đồng thuận với xu hướng tăng của chỉ số, thanh khoản phiên hôm nay cũng ghi nhận cải thiện với tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 949 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 26.272 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 20.200 tỷ đồng.
Tính đến 13h40, VN-Index tăng 4,88 điểm (0,38%) lên 1.306 điểm, VN30-Index tăng 0,14% lên 1.414,44 điểm.
40 phút đầu phiên chiều chứng kiến đà hồi phục mạnh mẽ của nhiều nhóm ngành, bao gồm bất động sản, hóa chất, chứng khoán, xây dựng & vật liệu... Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng chững lại đà giảm từ đó củng cố thêm cho sắc xanh của chỉ số.
Tuy nhiên động lực tăng điểm chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tại nhóm vốn hóa lớn, các mã ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số là GVR, VCB, MSN, VIC và POW.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 1,58 điểm (0,12%) còn 1.299,54 điểm, HNX-Index giảm 0,38% còn 335,57 điểm, UPCoM-Index giảm 0,12% còn 91,44 điểm.
Đà hồi phục của nhóm vốn hóa lớn cùng kèm thanh khoản cải thiện giúp VN-Index hồi sát mốc tham chiếu. Bên cạnh đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục là tâm điểm hút tiền khi tâm lý giao dịch thận trọng dần được gỡ bỏ.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 438 mã giảm, 378 mã tăng và 103 mã đứng giá tham chiếu. Toàn thị trường có 512 triệu đơn vị cổ phiếu được mua bán, tương đương tổng giá trị giao dịch 13.896 tỷ đồng, tăng 21% so với phiên sáng hôm qua. Trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt trên 11.100 tỷ đồng.
Theo quan sát, VCB bất ngờ trở thành cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của VN-Index với mức tăng 1%. Theo sau là POW (5,3%), MSN (0,7%), MWG (1,4%) và GAS (0,6%). Ngược lại, sắc đỏ của VHM, CTG, HPG, TCB và MBB khiến thị trường chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng tham chiếu.
Liên quan đến giao dịch của NĐT nước ngoài, khối ngoại tiếp đà bán ròng trong phiên sang nay nhưng quy mô rút vốn đã thu hẹp còn gần 83 tỷ đồng. Trong đó, các mã nằm trong Top bán ròng gồm KDH (25,3 tỷ đồng), GMD (24 tỷ đồng), PNJ (23,9 tỷ đồng), HPG (23,6 tỷ đồng)... Chiều ngược lại, dòng tiền nước ngoài tiếp tục chảy vào nhóm ngân hàng với một số mã được mua ròng như STB, CTG, MBB, VCB...
Tính đến 10h45, VN-Index giảm 9,2 điểm (0,71%) còn 1.291,92 điểm, VN30-Index giảm 0,96% còn 1.398,84 điểm.
VN-Index đi ngang với biên độ hẹp với lực đỡ đến từ nhóm dược phẩm, bán lẻ... Trong khi đó, nhóm ngân hàng vẫn là lực cản lớn nhất thị trường với mức đóng góp giảm hơn 6 điểm cho VN-Index.
Tính đến 9h45, VN-Index giảm 10,3 điểm (0,79%) còn 1.290,82 điểm, HNX-Index giảm 0,81% còn 334,14 điểm, UPCoM-Index giảm 0,79% còn 90,82 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong tâm lý tiêu cực với việc VN-Index tiếp tục đánh rơi hơn 8 điểm sau phiên ATO. Lực cầu yếu ớt cùng với áp lực giảm điểm tập trung ở nhóm ngân hàng khiến chỉ số chưa tìm được điểm cân bằng.
Tại nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, CTG tiếp tục giảm hơn 3%. Việc giá cổ phiếu liên tục lao dốc trong ba phiên gần đây khiến nhà đầu tư mua mã này lỗ nặng. Ngoài ra, các mã chỉnh sâu trong nhóm còn có LPB (giảm 3,3%), HDB (3,2%), VIB (3%), VBB (2,9%)...
Dòng tiền vẫn đang co cụm trong một số ngành như chứng khoán, bán lẻ, dầu khí, dược phẩm, vận tải... nhằm tìm kiếm các cơ hội trong ngắn hạn. Dù vậy, áp lực bán mạnh tại nhóm ngân hàng, bất động sản, hóa chất, kim loại khiến tâm lý giao dịch vẫn khá giằng co.
Các mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index gồm MSN, MWG, GEX, REE, PNJ... trong khi đó CTG, VIC, VHM, VCB và TCB đang là những lực cản lớn nhất của thị trường.
Trở lại với diễn biến trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 26/8 giảm điểm sau 5 phiên tăng liên tục trong bối cảnh nhà đầu tư chờ phát biểu quan trọng của quan chức Fed tại hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 192 điểm, tương đương 0,54%, và kết phiên ở 35.213 điểm. S&P 500 giảm 0,58% còn 4.470 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,64% còn 14.946 điểm.
Trước đó vào phiên 25/8, cả S&P 500 và Nasdaq đều đóng cửa trên đỉnh lịch sử, S&P 500 lần đầu tiên vượt mốc 4.500 điểm.