Dòng tiền thông minh 27/8: Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ hút tiền, cổ phiếu VN30 chịu áp lực bán lớn
VN-Index mở gap tăng điểm đầu phiên trước khi suy yếu và đảo chiều giảm điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên. Vùng kháng cự gần quanh 1.310 - 1.315 tiếp tục tạo áp lực cho đà hồi phục của chỉ số và một lần nữa VN-Index lại quay xuống dưới đường MA100.
Đóng cửa, VN-Index mất 8,43 điểm, tương đương 0,64% và dừng tại mức 1.301,12 điểm. VN30-Index chỉnh sâu hơn với tỷ lệ mất giá là 1,12% còn 1.412,45 điểm.
Dòng tiền đầu tư suy yếu khi chỉ có 8/19 nhóm ngành tăng điểm so với phiên trước. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, ngân hàng trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, bất động sản.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 17,648 tỷ đồng, giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 22.252 tỷ đồng, tăng 7,8% so với phiên liền trước.
Như vậy có thể thấy thị trường vẫn đang trong quá trình test cung với thanh khoản thấp. Bất chấp thị trường đang gặp khó ở nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản,… dòng tiền vẫn hoạt động sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu cảng biển và hóa chất.
Trong phiên VN-Index chịu áp lực điều chỉnh, khối tự doanh có phiên bán ròng thứ ba liên tiếp, cùng với khối ngoại là hai bên rút vốn khỏi thị trường. Ngược lại, giao dịch của tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò nâng đỡ, với tổng giá trị mua ròng gần 650 tỷ đồng.
Tự doanh tiếp đà bán ròng hơn 240 tỷ đồng
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, họ mua vào hơn 89 tỷ trong khi bán ra tới 332 tỷ đồng, theo đó ghi nhận giá trị rút ròng hơn 243 tỷ đồng.
Cụ thể, khối tự doanh tập trung giải ngân vào cổ phiếu nhóm dầu khí và y tế. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm CTG, AGG, KBC, BWE, VCI. Với lực cầu có phần yếu thế, giá trị vào ròng của các mã trên chưa tới 10 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, dòng tiền tự doanh rút ròng mạnh nhất khỏi cổ phiếu nhóm các doanh nghiệp địa ốc. Top các mã bị nhóm này bán ròng gồm E1VFVN30 (23,3 tỷ đồng), HPG (22,7 tỷ đồng), TCB (20,9 tỷ đồng), VIC (20,6 tỷ đồng) và VPB (18,2 tỷ đồng).
Tổ chức trong nước chuyển vị thế mua ròng, gom hơn 700 tỷ đồng nhóm BĐS
Giao dịch trái chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 415,2 tỷ đồng. Trong đó, họ gom ròng 577 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 9/18 ngành với lực xả mạnh nhất đặt tại nhóm ngân hàng. Top10 cổ phiếu bị nhóm này bán ròng có SSB, TCB, VGC, VPB, VIC, ACB, VNM, HDB, NVL, FPT.
Trong khi đó, ngành bất động sản được các tổ chức trong nước mua ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 716,8 tỷ đồng. Top các mã được họ mua ròng có VHM, SSI, CTG, AGG, NKG, GAS, MSN, MSB, DCM, OCB.
NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng
Về phía NĐT cá nhân, họ mua ròng 230,7 tỷ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh là 124,4 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, các cá nhân trong nước mua ròng 13/18 ngành, chủ yếu rót tiền vào cổ phiếu ngành ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm HPG, VPB, CTG, VIC, TCB, GMD, SSB, MSN, VGC, NVL.
Trong khi đó, họ bán ròng 5/18 ngành còn lại với lực bán chủ yếu là nhóm bất động sản, hóa chất. Top cổ phiếu bị bán ròng có VHM, SSI, DHC, VNM, AGG, KBC, DCM, GIL, NKG.
Khối ngoại chưa dừng xả cổ phiếu BĐS
Sau hai phiên mua ròng nhẹ, NĐT nước ngoài đảo chiều bán ròng 374,7 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 458,1 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch theo nhóm ngành, khối ngoại chưa dừng xả cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Đây cũng là nhóm chịu áp lực bán lớn nhất của NĐT ngoại. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VHM, CTG, HPG, GMD, MSN, VPB, GAS, HSG, DIG.
Như vậy, khối ngoại đã bán ròng VHM phiên thứ hai liên tiếp, làm giảm tổng giá trị mua ròng trong tháng về 668 tỷ đồng. Trong nhóm ba cổ phiếu họ Vingroup chỉ có VRE được nhóm này chuyển vị thế mua ròng, VIC tiếp tục nằm trong danh sách các mã bị bán ròng.
Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài đặt tại nhóm thực phẩm & đồ uống, xây dựng & vật liệu. Top mua ròng khớp lệnh của NĐT nước ngoài gồm các mã: VNM, MBB, E1VFVN30, DHC, SAB, KBC, STB, GIL, VCB, SSI.
Theo quan sát, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI được khối ngoại mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp cho dù giá điều chỉnh. Tính từ đầu tháng nước ngoài vẫn bán ròng 707 tỷ đồng SSI.