|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (26/3): SHB tăng trần với khối lượng đột biến, HNX-Index đảo chiều tăng, VN-Index hồi về sát tham chiếu

15:00 | 26/03/2021
Chia sẻ
Lực bán gia tăng khiến VN-Index giảm mạnh hơn về cuối phiên sáng. Sắc đỏ chiếm ưu thế trong rổ VN30 có 26 mã giảm giá. Tuy nhiên, sự khởi sắc của nhóm VN30 phiên chiều giúp chỉ số hồi phục trở lại.

Kết phiên, VN-Index giảm 0,89 điểm (0,08%) xuống 1.162,21 điểm, HNX-Index tăng 1,41% lên 270,96 điểm, UPCoM-Index giảm 0,66% xuống 79,85 điểm.

Thị trường hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch buổi chiều. Đáng chú ý là vệc HNX đảo chiều tăng điểm nhờ giao dịch khởi sắc của SHB, SHS, PVS, VCS, HHC. Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu SHB tăng kịch trần lên 19.500 đồng/cp. Khối lượng giao dịch cổ phiếu SHB tăng đột biến lên gần 80 triệu đơn vị.

Trên sàn HOSE, FLC và HPG là hai mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với 52,5 triệu đơn vị và 28,1 triệu cp. Đóng cửa phiên giao dịch, mã FLC tăng 5,7% lên 11.050 đồng/cp.

Trở lại diễn biến của thị trường chung, mặc dù chỉ số hồi phục về gần mốc tham chiếu nhưng số mã giảm giá vẫn chiếm ưu thế với 339 mã trên sàn HOSE, trong khi 122 mã tăng và 47 mã đứng giá tham chiếu. Sàn HNX giao dịch cân bằng với số mã tăng và giảm giá ngang nhau là 102 cổ phiếu.

Về thanh khoản, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 20.274 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 14.194 tỷ đồng.

Tính đến 13h35, VN-Index giảm 5,44 điểm (0,47%) xuống 1.157,66 điểm, HNX-Index giảm 0,16% xuống 266,78 điểm, UPCoM-Index giảm 1,37% xuống 79,27 điểm.

Thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục cuối phiên sáng. Số mã tăng giá trong nhóm VN30 tăng lên là 7 cổ phiếu gồm HPG, VIC, VJC, STB, HDB, MWG và VPB.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 14,64 điểm (1,26%) xuống 1.148,46 điểm, HNX-Index giảm 0,7% xuống 265,31 điểm, UPCoM-Index giảm 2,02% xuống 78,76 điểm.

Sau khi giảm sâu và mất hơn 25 điểm, VN-Index có nhịp hồi phục khi loạt mã vốn hóa lớn như VHM, GVR, GAS, VNM, VPB và BID thu hẹp đà giảm. 

Tâm lý giao dịch kém tích cực bao trùm thị trường đẩy số mã giảm giá trên cả hai sàn và thị trường lên mức cao. Đóng cửa phiên sáng, sàn HOSE có 407 mã giảm giá, áp đảo 58 mã tăng giá. Tương tự, sàn HNX và thị trường UPCoM có 171 và 209 mã giảm.

Thanh khoản thị trường được đẩy lên mức cao. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 767,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 15.351 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE phiên sáng nay đạt 11.929 tỷ đồng.

Tính đến 11h05, VN-Index giảm 25,2 điểm (2,17%) xuống 1.137,9 điểm.

Lực bán mạnh xuất hiện ở hầu hết các cổ phiếu. Theo ghi nhận, sàn HOSE có 429 mã giảm giá, áp đảo so với 43 mã tăng giá.

Tính đến 10h30, VN-Index giảm 4,93 điểm (0,42%) xuống 1.158,17 điểm, HNX-Index giảm 0,71% xuống 265,31 điểm, UPCoM-Index giảm 0,83% xuống 79,7 điểm.

Sự khởi sắc của các mã vốn hóa lớn như VIC, HPG, SSB, BCM không đủ để giữ sắc xanh của VN-Index. Sắc đỏ tràn ngập nhóm VN30, gia tăng áp lực giảm lên thị trường. Ghi nhận thời điểm hiện tại, nhóm VN30 có 22 mã giảm giá, áp đảo với 6 mã tăng giá và 1 mã đứng tham chiếu.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 3,22 điểm (0,28%) xuống 1.159,88 điểm, HNX-Index giảm 0,68% xuống 265,36 điểm, UPCoM-Index giảm 0,53% xuống 79,95 điểm.

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc, đóng vai trò nâng đỡ chỉ số. Phiên giao dịch hôm qua, xuất hiện giao dịch thoả thuận gần 7,5 triệu mã này với tổng giá trị 812 tỷ đồng. Ngược chiều với VIC, VHM và VRE lại giảm giá nhẹ.

Tâm điểm của dòng tiền trong thời gian giao dịch đầu phiên là mã FLC của Tập đoàn FLC khi cổ phiếu này tiếp tục có phiên tăng kịch trần lên mức giá 11.150 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu này đột biến với hơn 15,5 triệu đơn vị.

Diễn biến theo các nhóm ngành, cổ phiếu thép giao dịch phân hóa sáng nay. Các cổ phiếu HPG, NKG và HSG tăng giá, trong đó HPG dẫn đầu với tỷ lệ 2,1%, giao dịch quanh mốc 45.950 đồng/cp. 

Mới đây, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát thông qua nghị quyết về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 để trình đại hội cổ đông thường niên sắp tới đây.

Theo nghị quyết này, kế hoạch doanh thu dự kiến là 120.000 tỷ đồng, tăng trưởng 31,5% so với thực hiện năm 2020. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 18.000 tỷ đồng, tăng 33,2%. Hội đồng quản trị cũng đề xuất trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 35%, trong đó có 30% là bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và III/2021. 

Đi ngược thị trường chung, cổ phiếu nhóm dầu khí đồng loạt giảm với tỷ lệ mất giá trên 1% như BSR, OIL, PVB, PVO, PVC, PGC.

Hoàng Linh