|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (23/2): VN-Index tăng gần 3 điểm, cổ phiếu dầu khí bứt phá

15:00 | 23/02/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong sắc đỏ, nhưng VN-Index hồi phục ngay sau đó và tiến về mốc tham chiếu. Đóng cửa phiên, VN-Index tăng gần 3 điểm. Cổ phiếu nhóm dầu khí tăng giá mạnh sau thông tin về giá dầu thế giới đêm qua.

Kết phiên, VN-Index tăng 2,6 điểm (0,22%) lên 1.177,64 điểm, HNX-Index tăng 0,34% lên 238,78 điểm, UPCoM-Index giảm 0,13% xuống 76,47 điểm.

Thị trường liên tục có những nhịp tăng giảm đan xen, VN-Index lình xình quanh mốc tham chiếu. Có thời điểm trong phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số tăng hơn 7 điểm và vượt mốc 1.180 điểm. Tuy nhiên, lực bán gia tăng sau đó đẩy VN-Index lùi về mốc tham chiếu.

Theo ghi nhận, các mã tác động tích cực nhất đến đà tăng của thị trường phiên hôm nay có GVR, TCB, GAS, MBB, HVN. Chiều ngược lại, SAB, MSN, VCB, VHM, VPB, VNM đóng cửa dưới mốc tham chiếu, kìm hãm đà tăng điểm của thị trường chung.

Nhóm dầu khí mặc dù thu hẹp đà tăng nhưng vẫn giữ trạng thái tích cực cho đến cuối phiên sáng. Các cổ phiếu đóng cửa với mức tăng giá trên 2% có PVS, BSR, OIL, PVC, PVB. Ngược lại, mã PLX đóng cửa trong sắc đỏ, giảm nhẹ 0,7% xuống còn 56.800 đồng/cp.

Cổ phiếu nhóm hàng không cũng bứt phá trong phiên hôm nay. Các cổ phiếu CIA, HVN, VJC tăng giá trên 1%. Mã HVN của Vietnam Airlines tăng giá 4%, đóng cửa ở 28.600 đồng/cp.

Nhóm bất động sản giao dịch phân hóa trong phiên hôm nay với các cổ phiếu giảm giá như FLC, HQC, ITA, DXG, PDR, KDH, VPI, CII, HDC, TDH. Chiều ngược lại, một số mã vốn hóa trung bình và lớn diễn biến tích cực như CEO, TCH, VRE, VIC, ASM, TIG, DIG, SCR, NLG, DRH và QCG.

Thanh khoản phiên hôm nay ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 780,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 18.387 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 14.300 tỷ đồng.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 0,33 điểm (0,03%) xuống 1.174,71 điểm, HNX-Index giảm 1,24% xuống 235,01 điểm, UPCoM-Index giảm 0,22% xuống 76,4 điểm.

Cả ba chỉ số thị trường đều giảm điểm trong phiên sáng nay. Giao dịch tích cực của các mã vốn hóa lớn trong nhóm VN30 không giúp VN-Index bật lên trên tham chiếu trong phiên sáng nay.

Xu hướng phân hóa diễn ra ở hầu hết nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Cổ phiếu dầu khí tiếp tục duy trì trạng thái tích cực chi đến cuối phiên sáng.

Thanh khoản phiên sáng nay ở mức trung bình. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 435,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 10.217 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 8.200 tỷ đồng.

Tính đến 9h30, VN-Index giảm 1,08 điểm (0,09%) xuống 1.173,96 điểm, HNX-Index giảm 1,5% xuống 234,41 điểm, UPCoM-Index giảm 0,12% xuống 76,48 điểm.

Thị trường mở cửa trong sắc đỏ nhưng chỉ số lại hồi phục sau đó và tiến về gần mốc tham chiếu. Đà giảm điểm của thị trường đến từ giao dịch kém tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30. Ghi nhận thời điểm hiện tại, rổ VN30 có 18 mã giảm giá, áp đảo so với 11 mã tăng giá và 1 mã đứng giá tham chiếu.

Ghi nhận theo từng ngành, cổ phiếu nhóm dầu khí giao dịch tích cực đầu phiên hôm nay sau thông tin giá dầu thế giới tăng mạnh đêm qua. Cổ phiếu PVS dẫn đầu đà tăng với tỷ lệ 6%, giao dịch quanh mốc 23.000 đồng/cp. Những mã khác trong nhóm tăng giá trên 2% có BSR, PVB, PXS, PVD, PVC, PVT, PVP và GAS.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,21% lên 61,83 USD/thùng vào lúc 7h45 (giờ Việt Nam) ngày 23/2. Giá dầu thô Brent giao tháng 4 tăng 0,03% lên 64,92 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/2) nhờ sự phục hồi chậm chạp của sản lượng dầu thô Mỹ sau đợt thời tiết băng giá tại Texas khiến hoạt động sản xuất phải đóng cửa vào tuần trước.

Tại nhóm ngân hàng, xu hướng phân hóa diễn ra rõ nét. Cổ phiếu TCB, ACB, VPB tăng giá mạnh với tỷ lệ trên 1%. Đáng chú ý, cổ phiếu TCB tăng giá 4,1% lên 40.200 đồng/cp. Những mã vốn hóa lớn khác giao dịch dưới mốc tham chiếu như TPB, MSB, BID, VCB, EIB.

Các mã nhóm chứng khoán tăng giá nhẹ đầu phiên sáng nay. Cổ phiếu SSI, VIX, HCM, VND, CTS tăng giá dưới 1%.

Trở lại diễn biến thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 22/2 xuất hiện hai xu hướng biến động trái chiều từ hai nhóm cổ phiếu lớn. Các đại gia công nghệ đồng loạt sa sút trong khi nhóm ngân hàng, công nghiệp đi lên mạnh mẽ.

Chỉ số S&P 500 sụt 0,8% và đóng cửa ở 3.876,5 điểm sau phiên biến động mạnh. Công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu là các nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Đây là phiên đi xuống thứ 5 liên tiếp của S&P 500.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite lao dốc 2,46%, kết phiên ở 13.533 điểm. Trong đó, cổ phiếu xe điện Tesla giảm 8,6%, đánh dấu phiên đi xuống mạnh nhất kể từ tháng 9/2020. Các đại gia công nghệ như Apple, Amazon và Microsoft đều sụt ít nhất 2%.

Hoàng Linh