Thị trường chứng khoán 14/2: VN-Index đảo chiều giảm điểm cuối phiên, VIC bất ngờ giảm sâu
Kết phiên, VN-Index giảm 0,79 điểm (0,08%) xuống 937,45 điểm; HNX-Index tăng 1,43% lên 109,74 điểm; UPCoM-Index tăng 0,46% lên 56,43 điểm.
Độ rộng thị trường ghi nhận 325 mã tăng giá so với 313 mã giảm giá và 197 mã đứng giá tham chiếu. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 251,3 triệu đơn vị tương ứng giá trị 4.317 tỉ đồng, cao hơn so với mức 4.031 tỉ đồng phiên 13/2. Trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 986,9 tỉ đồng.
Phiên giao dịch 14/2 diễn biến giằng co với tâm lí thận trọng của giới đầu tư khi tình hình dịch virus corona vẫn tiếp tục lây lan tại châu Á. VN-Index có thời điểm đã lấy lại mốc 940 điểm tuy nhiên không giữ được mốc này đến cuối phiên.
Sự phân hóa diễn ra rõ rệt tại nhóm ngân hàng với bộ đôi VPB, TCB tiếp tục bứt phá; ở chiều ngược lại HDB, BID và CTG quay đầu điều chỉnh. Diễn biến tương tự tại "họ Vingroup" khi hai mã VHM, VRE đóng cửa trong sắc xanh, trong khi VIC bất ngờ giảm sâu cuối phiên xuống còn 110.000 đồng/cp.
Cổ phiếu YEG ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp. Cổ phiếu GTN cũng đóng cửa tại mức giá trần trước khi diễn ra ĐHĐCĐ.
Nhóm FLC giao dịch sôi động trong phiên sáng, dù vậy áp lực bán từ thị trường khiến nhóm này cũng suy yếu về cuối phiên. Cổ phiếu KLF giảm sàn xuống 1.400 đồng/cp; các mã ROS, HAI, ART giảm sâu; ngược lại GAB lập đỉnh mới 70.000 đồng/cp.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 0,62 điểm (0,07%) xuống 937,61 điểm; HNX-Index tăng 0,86% lên 109,12 điểm; UPCoM-Index tăng 0,32% lên 56,35 điểm.
Thị trường tiếp tục giao dịch giằng co trong phiên giao dịch buổi chiều. Các cổ phiếu ngân hàng TCB, STB, VPB, MBB và họ Vingroup VHM, VRE giao dịch tích cực trong khi HDB, NVL, MWG, MSN, VIC tác động tiêu cực lên chỉ số.
Cổ phiếu GTN tăng kịch trần lên 18.400 đồng/cp. Ngày 15/2 tới đây, GTNfoods sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Đáng chú ý, bà Mai Kiều Liên, hiện đang là thành viên HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty mẹ sở hữu 75% cổ phần GTNFoods sẽ ứng cử vào HĐQT nhiệm kì 2020 - 2024. Bà Liên đại diện Vinamik nắm 35% cổ phần GTNFoods.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 2,05 điểm (0,22%) lên 940,29 điểm; HNX-Index tăng 1,39% lên 109,69 điểm; UPCoM-Index tăng 0,3% lên 56,34 điểm.
Phiên giao dịch buổi sáng diễn biến giằng co khi các chỉ số chủ yếu biến động lình xình quanh tham chiếu. Độ rộng thị trường phân hóa với 278 mã tăng giá, 304 mã giảm giá và 141 mã đứng giá tham chiếu.
Thanh khoản thị trường đạt 148,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.446 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 528,9 tỉ đồng.
Về cuối phiên sáng, các cổ phiếu ngân hàng TCB, VPB, MBB, STB cùng họ Vingroup VHM, VRE giao dịch bứt phá giúp VN-Index lấy lại sắc xanh. Cùng với đó, các mã bất động sản IDJ, HUT, VPH, DPG, DXG, PHC và chứng khoán TVC, TVB, BSI, VCI giao dịch khởi sắc giúp thị trường thêm phần tích cực.
Cổ phiếu "họ FLC" giao dịch sôi động khi AMD tăng kịch trần, các mã GAB, FLC, HAI, ROS đều tăng giá. Cổ phiếu YEG tăng trần 4 phiên liên tiếp sau thông tin lãnh đạo bán vốn cho cổ đông chiến lược. Ở chiều ngược lại, nhóm Viettel VGI, VTP, VTK, CTR quay đầu điều chỉnh sau những phiên bứt phá trước đó.
Tính đến 10h50, VN-Index giảm 0,45 điểm (0,05%) xuống 937,79 điểm; HNX-Index tăng 1,31% lên 109,61 điểm; UPCoM-Index tăng 0,32% lên 56,35 điểm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn VPB, TCB, CTD, GAS, VRE, PLX giao dịch khởi sắc giúp VN30-Index tăng hơn 2 điểm; dù vậy áp lực bán tại nhóm midcap khiến VN-Index vẫn giao dịch trong sắc đỏ.
Cổ phiếu FRT tiếp tục hồi phục 3,6% lên 19.900 đồng/cp. Mới đây, nhóm quĩ Dragon Capital thông báo đã bán ra 150.000 cổ phiếu này. Sau giao dịch, cả nhóm hạ số lượng cổ phần nắm giữ xuống còn gần 14,17 triệu cp, tương đương 17,94%. Giao dịch bán ra được thực hiện trong phiên 7/2 bởi quĩ thành viên Aquila SPC Ltd.
Trên HNX, cổ phiếu ACB tăng 3,9% lên 26.500 đồng/cp; cùng với các mã NRC, TVC, HUT, SLS giao dịch khởi sắc giúp chỉ số sàn này tăng hơn 1,3%.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 1,16 điểm (0,17%) xuống 936,64 điểm; HNX-Index tăng 0,17% lên 109,46 điểm; UPCoM-Index tăng 0,09% lên 56,22 điểm.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến 7h30 sáng nay (14/2) , số người tử vong vì chủng virus corona mới này đã tăng lên 1.483 người (tăng thêm 122 người) và tổng số ca nhiễm là 64.627 trường hợp tại Trung Quốc đại lục (tăng thêm hơn 5.000 người).
Trên toàn thế giới có 1.486 người chết vì dịch covid-19, tổng số ca nhiễm là 65.209 trường hợp, số ca được chữa khỏi là 5.954. Tại Nhật Bản cũng ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do virus corona.
Thị trường chứng khoán phiên sáng 14/2 diễn biến kém sắc với áp lực từ các mã vốn hóa lớn VHM, CTG, HPG, BID, GAS, VCB, NVL, MSN; trong đó cổ phiếu MSN đã rơi khỏi mốc 50.000 đồng/cp.
Sự phân hóa diễn ra tại hầu hết các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, dầu khí, bất động sản, chứng khoán, cảng biển,... Nhóm dệt may điều chỉnh sau phiên bứt phá trước đó, khi EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, EVFTA sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra ba lĩnh vực kinh doanh hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu là thủy sản, dệt may, điện tư và ba lĩnh vực có thể khó khăn nhất sau khi EVFTA có hiệu lực là dược phẩm, sữa và chăn nuôi.
Tâm điểm thị trường tập trung tại cổ phiếu "họ FLC" khi AMD tăng kịch trần lên 2.140 đồng/cp và dư mua hàng triệu đơn vị. Cổ phiếu ROS cũng có thời điểm chạm tới giá trần, hiện tăng 4,5%; trong khi GAB lập đỉnh mới tại 68.600 đồng/cp.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 13/2 đi xuống khi nhà đầu tư lo ngại việc số ca xác nhận nhiễm covid-19 (virus corona) tăng vọt sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 128 điểm, tương đương 0,43%, và đóng cửa ở 29.423,31 điểm. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm lần lượt 0,16% và 0,14%.