Thị trường chứng khoán (12/4): Lực bán bất ngờ tăng mạnh cuối phiên, VN-Index giảm gần 27 điểm, nhóm BĐS lại nằm sàn hàng loạt
Đóng cửa, VN-Index giảm 26,75 điểm (1,8%) xuống 1.455,25 điểm, HNX-Index giảm 11,01 điểm (2,55%) còn 421,01 điểm, UPCoM-Index giảm 1,31 điểm (1,15%) còn 112,53 điểm.
Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kết thúc trong tâm lý giao dịch nặng nề của nhà đầu tư. VN-Index đã có cú rút chân trong nửa đầu phiên chiều, thế nhưng điều bất ngờ đã đến vào cuối phiên khi áp lực bán dâng cao đã đẩy chỉ số giảm gần 27 điểm và đóng cửa ở mốc thấp nhất phiên. Như vậy, sau chuỗi bán mạnh 3 phiên liên tiếp chỉ số chính sàn HOSE đã giảm gần 70 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với duy nhất ngành viễn thông tăng điểm. Trong khi đó, nhóm bất động sản đồng loạt bị bán tháo về cuối phiên với loạt mã giảm kịch sàn như FLC, ROS, DXG, CII, HQC, LDG, QCG, VPH, SCR, DIG, HDC,...
Mặc dù sắc xanh lơ ghi nhận nhiều nhất tại nhóm địa ốc nhưng cổ phiếu của các nhà băng mới là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index. Sắc đỏ gần như bao phủ ngành ngân hàng với 21/27 mã giảm. Đà giảm mạnh nhất được chứng kiến ở TPB với tỷ lệ mất giá là 5,3%, theo sau là SHB (-5%), EIB (-3,7%), BID (-3,5%), CTG (-3,3%),.. Chỉ có 4 cổ phiếu xanh nhẹ cuối phiên là PGB, SSb, VPB, NVB.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này duy trì bán ròng hơn 370 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, áp lực bán chủ yếu đặt tại VPB (82 tỷ đồng), HPG (60 tỷ đồng), VHM (59 tỷ đồng),...
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 13,35 điểm (0,9%) xuống 1.468,65 điểm, VN30-Index giảm 8,14 điểm (0,53%) còn 1.516,17 điểm.
Sau 60 phút giao dịch đầu phiên chiều, VN-Index rút chân và có nhịp hồi phục về trên đường hỗ trợ trendline dài hạn MA120.
Nhóm cổ phiếu thủy sản bứt phá mạnh mẽ và đồng loạt chuyển sang sắc xanh, tím. Hiện các mã ACL, IDI, CMX tăng kịch trần trong tình trạng trắng bên bán, trong khi VHC tăng 6,8% lên 97.700 đồng/cp, MPC (+3,6%), ANV (+3%),...
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 19,53 điểm (1,32%) còn 1.462,47 điểm, HNX-Index giảm 7,45 điểm (1,72%) còn 424,57 điểm, UPCoM-Index giảm 1,04 điểm (0,91%) về 112,8 điểm.
Tâm lý giao dịch kém sắc khiến thị trường nới rộng đà giảm về cuối phiên sáng. Phe gấu áp đảo với 800 mã giảm trên toàn thị trường. Nhóm VN30 cũng chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh là VPB và VJC. Trong khi đó, VHM, BID, GAS, VCB, HPG, VIC là các bluechips ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index.
Hàng loạt cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, thép… đồng loạt giảm điểm.
Nhóm midcap và penny diễn biến tiêu cực, lần lượt bốc hơi 32 điểm và 51 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ họ FLC đồng loạt giảm sàn với khối lượng dư mua giá sàn chất đống trên bảng giá. Mới đây, các cổ phiếu thuộc họ FLC là FLC, HAI, ROS bị ngừng cấp margin (cho vay giao dịch ký quỹ) do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán.
Về thanh khoản, tâm lý lo ngại của giới đầu tư khiến dòng tiền giao dịch nhuốm màu ảm đạm trong phiên sáng nay. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt trên 13.883 tỷ đồng. Tính riêng trên sàn HOSE thì thanh khoản đạt 11.637 tỷ đồng, tăng gần 6% so với phiên thứ Sáu tuần trước.
Tính đến 11h00, VN-Index giảm 14,7 điểm (0,99%) còn 1.467,3 điểm, VN30-Index giảm 10,96 điểm (0,72%) xuống 1.513,35 điểm.
Thị trường diễn biến tiêu cực hơn về giữa phiên sáng, lực cầu yếu ớt không chủ động gia nhập khiến biên độ giảm ngày càng nới rộng và chỉ số chính mất mốc 1.470 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với 379 mã giảm/77 mã tăng.
Một số midcap & penny diễn biến tiêu cực, điển hình như FLC, TGG, ROS, AMD, HAI, PTL, OGC giảm sàn từ sớm.
Tính đến 9h50, VN-Index giảm 3,23 điểm (0,22%) còn 1.478,77 điểm, HNX-Index tăng 0,2 điểm (0,05%) lên 432,22 điểm, UPCoM-Index đứng giá tham chiếu.
Sau hai phiên đỏ lửa trước kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, VN-Index mất hơn 40 điểm và các nhóm cổ phiếu đều có xu hướng điều chỉnh ngắn hạn.
Đến phiên sáng nay, thị trường xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật ngay khi mở cửa, VN-Index có thời điểm lấy lại mốc 1.490 điểm nhưng lực bán nhanh chóng khiến biên độ tăng thu hẹp. Những tin tức liên quan tới các doanh nghiệp lớn gần đây, cùng lo ngại việc Fed tăng lãi suất 0,5% trong tháng 5 này đang ít nhiều tác động tới tâm lý giới đầu tư trong nước.
Sau khoảng 50 phút giao dịch, thị trường giao dịch kiểu cầm chừng khi không thấy sự xuất hiện của dòng tiền lớn. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng tỏ ra thận trong trước xu hướng hiện tại của chỉ số.
Là hai nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, bất động sản và ngân hàng đang là hai lực cản lớn nhất thị trường. Tương tự, lực bán cũng tỏ ra áp đảo ở nhiều nhóm ngành khác như bán lẻ, thép, dầu khí, sản xuất thực phẩm.
Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán, vận tải, du lịch & giải trí,... đang là trở thành các lực đỡ níu thị trường khỏi phiên giảm sâu.