Thị trường BĐS Tây Nguyên: Kon Tum, Đắk Lắk đón sóng đầu tư
Theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, Tây Nguyên có diện tích tự nhiên hơn 54.000 km2, bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Nhu cầu đất xây dựng đô thị của Tây Nguyên đến năm 2020 theo quy hoạch là khoảng 23.880 ha, đến năm 2030 khoảng 33.470 ha. Đồng thời, năm 2030, Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị với 28 đô thị hình thành mới.
Báo cáo thị trường BĐS quý I/2021 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho biết, Tây Nguyên hiện là khu vực có tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng mạnh, thu hút sự hàng loạt doanh nghiệp lớn như T&T Group, Him Lam, Văn Phú, Ecopark, Tân Hoàng Minh,...
Trước đó, đơn vị này cũng nhận định, tình trạng quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang,… ngày càng khan hiếm, giá đất ngày một tăng cao cũng là nguyên do khiến nhiều chủ đầu tư chuyển hướng về Tây Nguyên.
Trên thực tế, từ giữa năm 2020, khu vực Tây Nguyên đã bắt đầu trở thành điểm đến tiềm năng trong mắt các doanh nghiệp phát triển bất động sản (BĐS).
Dòng tiền đang tìm về Đắk Lắk, Kon Tum
Nửa đầu năm 2021, Tây Nguyên tiếp tục chứng kiến sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt tại các khu vực Kon Tum và Đắk Lắk.
Đơn cử, tháng 1/2021, Kon Tum đã cho phép CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh khảo sát đầu tư KĐT phía Bắc sông Đăk Bla tại TP Kon Tum. Một tháng sau, CTCP Him Lam đã đến khảo sát đầu tư Khu biệt thự sinh thái tại xã Chư Hreng, TP Kon Tum.
Tiếp đó, tại buổi làm việc với tỉnh Kon Tum hồi đầu tháng 4/2021, CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cho biết, doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư 7 dự án trên địa bàn TP Kon Tum, huyện Kon Plông và huyện Tu Mơ Rông.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, tính đến tháng 5/2021, tỉnh có 25 dự án trọng điểm thu hút đầu tư, liên quan đến các lĩnh vực đô thị, nhà ở; thương mại dịch vụ; nông nghiệp và lâm nghiệp. Trong đó 8 dự án đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và 6 dự án đang khảo sát, lập quy hoạch.
Hay tại Đắk Lắk, trong những ngày đầu năm năm 2021, CTCP Tập đoàn T&T đã đề xuất đầu tư 5 dự án tại TP Buôn Ma Thuột. Cụ thể, gồm: KĐT thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6 ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42 ha); khu biệt thự Ea Kao (46,1 ha); Khu sân Golf hồ Ea Kao (76,7 ha) và Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk.
Về phía Tập đoàn FLC, doanh nghiệp cho biết đang quan tâm 6 dự án tại Đắk Lắk, gồm Tổ hợp du lịch sinh thái vui chơi giải trí và sân golf hồ Ea Nhái; KĐT sinh thái hồ Ea Tam; KĐT mới Tây Tân Lợi; KĐT mới đường Đông Tây; KĐT phía Nam đường Đông Tây và KĐT phía Bắc đường Đông Tây.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk hồi vào tháng 3/2021, CTCP Tân Thành Holdings (Tân Thành Holdings) đã đề xuất đầu tư 4 dự án trên địa bàn tỉnh, gồm dự án dược liệu, bất động sản sinh thái, dự án điện mặt trời và đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.
Ngoài ra, trong tháng 4/2021, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu nhà ở thương mại Tây Nam hồ Lắk và Khu nhà ở thương mại trung tâm thị trấn Liên Sơn của CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành; Khu thể thao, dịch vụ và nghỉ dưỡng tại thị trấn Liên Sơn của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn.
Sô với Kon Tum và Đắk Lắk, Đắk Nông có phần trầm lắng hơn. Trong nửa đầu năm 2021, ngoài sự kiện công bố đồ án quy hoạch KĐT du lịch sinh thái hồ Đắk R’Tih 2 tỷ USD của Tập đoàn T&T, tỉnh này chỉ duyệt thêm dự án Khu dân cư tổ 5, phường Phú Nghĩa (TP Gia Nghĩa) của CTCP Bamboo Capital với tổng mức 248 tỷ đồng.
Còn tại Gia Lai, một trong những dự án đáng chú ý nhất tại thời điểm hiện tại là sân golf Đak Đoa của Tập đoàn FLC. Dự án này có diện tích 174 ha, tổng mức đầu tư 1.142 tỷ đồng. Dự kiến quý IV/2024 dự án sẽ được khai thác và đi vào sử dụng.
Bảo Lộc đã hết sốt?
Nếu so với các tỉnh còn lại thuộc khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng đang vượt trội hơn hẳn về nhiều mặt. Địa phương này cũng không ít lần trải qua những cơn sốt khiến giá đất tăng chóng mặt. Một số điểm nóng có thể kể đến như như TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc.
Riêng tại Bảo Lộc, thời điểm giữa năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã đổ về khu vực này để nghiên cứu và triển khai dự án. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng tìm đến khu vực này săn đất, qua đó đẩy giá đất lên cao.
Tuy nhiên, cơn sốt đến nay đã hạ nhiệt. Trao đổi với người viết, một môi giới tên T. ở Bảo Lộc cho biết, kể từ sau cơn sốt giữa năm ngoái, giá đất tại địa phương này đến nay tương đối ổn định.
Người này cho biết, mặc dù có nhiều ông lớn tìm về, nhưng những doanh nghiệp này chỉ dừng ở mức tìm hiểu, khảo sát đầu tư. Hiện nay, chỉ có một số dự án của Him Lam hay Hưng Thịnh là có dấu hiệu triển khai.