|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản thương mại Hà Nội sẽ sớm sôi động trở lại?

07:54 | 20/01/2022
Chia sẻ
Thị trường bất động sản tại Hà Nội bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực trong ba tháng cuối năm 2021. Theo dự báo của chuyên gia Savills, các phân khúc như bán lẻ, văn phòng, khách sạn, và căn hộ dịch vụ sẽ sớm sôi động trở lại trong năm 2022.
Thị trường bất động sản thương mại Hà Nội diễn biến ra sao sau giãn cách? - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản thương mại Hà Nội dự báo sẽ sớm sôi động trong năm 2022. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Báo cáo mới đây của Savills cho thấy, trong quý IV/2021, nguồn cung trên thị trường khách sạn khá ổn định. Trong đó, hơn một nửa số phòng đến từ 17 khách sạn 5 sao. Phân khúc này dự kiến dẫn dắt nguồn cung đến năm 2023 với 8 trên 13 dự án mới đi vào hoạt động. 

Thị trường chủ yếu nằm tại khu vực nội thành, chiếm 54% tổng nguồn cung. Do giãn cách xã hội nới lỏng từ tháng 10, công suất quý IV chỉ đạt 27%, tăng 10 điểm % so với quý trước. Phân khúc khách sạn 5 sao có công suất cao nhất với 31%, theo sau là khách sạn 4 sao đạt 24% và khách sạn 3 sao đạt 18%. 

Giá thuê trung bình năm 2021 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức hơn 1,6 triệu đồng/phòng/đêm, dẫn đầu bởi phân khúc khách sạn 5 sao với nguồn cầu ổn định từ khách doanh nhân và khách ở dài hạn. 

Theo đơn vị này, với các lệnh cấm di chuyển quốc tế nghiêm ngặt, khách du lịch nội địa vẫn là nhóm động lực chính cho ngành. Mặc dù Việt Nam đã có một chiến dịch tiêm chủng thành công và có các chương trình để phục hồi du lịch quốc tế, triển vọng ngành khách sạn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính Phủ và sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 mới.

Chia sẻ về tiềm năng hồi phục của thị trường khách sạn, ông Matthew Powell, Giám Đốc Savills Hà Nội, cho biết: "Nới lỏng hạn chế đi lại đồng nghĩa với việc các khách sạn tại Hà Nội cải thiện công suất trong quý IV. Chương trình tiêm chủng nhanh chóng là một bước đệm tích cực để chào đón du khách nước ngoài trở lại. Tuy nhiên, du khách nội địa sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành khách sạn tại Việt Nam."

Với phân khúc căn hộ dịch vụ, Savills cho biết, nguồn cung trong quý cuối năm đạt khoảng 5.680 căn, tăng 13% so với quý trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Những dự án có thương hiệu đang có ưu thế khi chiếm 46% thị phần, tức 15 trong tổng số 61 dự án.  

Hoạt động của thị trường không thay đổi so với quý trước, đạt mức 69% và tăng 2 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Xét theo phân khúc, Hạng A và Hạng B vững mạnh hơn khi ghi nhận 10 dự án có công suất trên 90%, trong khi Hạng C không ghi nhận dự án nào đạt mức này.

Savills cho biết, giá thuê trung bình căn hộ dịch vụ tại Hà Nội chạm đáy của ba năm gần đây, mở mức 547.000 đồng/m2/tháng. Trong đó, giá thuê trung bình Hạng A giảm 4% và hạng C sụt giảm mạnh nhất với 11% so với cùng kỳ năm trước. 

Cũng theo đơn vị này, xu hướng đầu tư vào loại căn có quy mô nhỏ đang trở nên rõ ràng. So với loại 2 phòng ngủ và 3 phòng ngủ, các loại căn nhỏ có giá thuê trung bình theo m2 cao hơn 20 - 46% và doanh thu căn trên m2 cao hơn 4 - 15%. 

Với phân khúc văn phòng, tổng nguồn cung trong năm 2021 tăng 11% so với năm ngoái, đạt gần 2,2 triệu m2 từ 191 dự án. Trong 5 năm qua, nguồn cung hạng B tăng mạnh nhất với 8%/năm, theo sau là Hạng A và Hạng C. 

Xét theo tỷ lệ lấp đầy, văn phòng hạng C đang chiếm ưu thế với 90%. Nhìn chung toàn thị trường, công suất giảm 1% so với quý trước xuống 84%, tương đương mức giảm 5% theo năm. 

Savills dự báo, đến năm 2025 sẽ có 22 dự án mới có triển vọng cung cấp 700.000 m2 cho thị trường. Trong đó, số lượng văn phòng Hạng A chiếm 54%. Khu vực phía Tây là điểm nóng khi bổ sung 62% tổng nguồn cung tương lai trong giai đoạn này, tương đương với 430.000 2. 

Nhận xét tổng quan về thị trường, ông Matthew Powell, Giám Đốc Savills Hà Nội cho biết, tình hình bất động sản tại Hà Nội đang ghi nhận những dấu hiệu phục hồi tốt. Các nhà đầu tư vẫn luôn thể hiện sự lạc quan. Do đó, khi các hạn chế được dỡ bỏ và tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động của thị trường cũng trở nên sôi động hơn. 

"Việc biên giới được mở cửa vào đầu năm 2022 sẽ là chìa khóa cho sự trở lại của ngành du lịch, vốn là một phần lớn của nền kinh tế Việt Nam và có thể tạo ra con số ấn tượng sau khi phục hồi. Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới và năm 2022 sẽ là một năm tuyệt vời cho sự phát triển của ngành bất động sản Việt Nam", vị này nói.

Công Tâm

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.