Thị trường bất động sản bao giờ khởi sắc trở lại?
Sẵn sàng đón dòng vốn dịch chuyển
Điểm lại một vài diễn biến chính của thị trường BĐS quí đầu năm cho thấy, thị trường tuy chịu tác động của dịch bệnh nhưng chưa tới mức nặng nề. Xét về tổng thể, chỉ có một số phân khúc trên thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng.
Đối với phân khúc căn hộ, cả lượng cung và giao dịch giảm mạnh. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, giá bán thực tế không giảm mà còn có chiều hướng tăng.
Kéo theo đó, hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do các kế hoạch triển khai, mở bán dự án bị trì hoãn.
Đến thời điểm hiện tại, có thể nói, Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh doanh thiết yếu đã được phép mở cửa trở lại.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng.
Các kịch bản và giải pháp phục hồi nền kinh tế đang được xây dựng nhằm không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn có thể sẵn sàng đón các cơ hội mới sau dịch, như "chiếc lò xo bị nén để bung ra".
Một khi các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, thị trường BĐS cũng được kì vọng sớm phục hồi trở lại.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn.
Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Thị trường sẽ hồi phục theo kịch bản nào?
Nhận định về diễn biến thị trường thời gian tới, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng: "Trong lĩnh vực BĐS, sức mua trong nước được dự đoán chưa thể thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mặc dù vậy, tôi kì vọng tới cuối năm nay, khi mà đại dịch đã được hoàn toàn kiểm soát tại Việt Nam và trên toàn thế giới, nền kinh tế sẽ trở lại ổn định, sau đó sẽ dần phát triển và sẽ có những tín hiệu khả quan vào đầu hoặc giữa năm 2021".
Vị này cũng cho biết, đối với những nhà đầu tư có năng lực về tài chính, giai đoạn này có thể là một cơ hội tốt. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc tới những kế hoạch dài hơi hơn, sau khi cơn dịch qua đi, sức khỏe của nền kinh tế cũng như của toàn thị trường sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để hồi phục.
Treo đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam đưa ra nhận định, từ quí III/2020, thị trường BĐS sẽ bắt đầu hồi phục.
Theo phân tích của ông Đính, sản phẩm BĐS không giống như các sản phẩm tiêu dùng khác mà nó luôn có độ trễ. Bởi sau khi dịch được kiểm soát, người dân đang phải ổn định lại thói quen, công việc, lối sống,... sau đó họ mới quan tâm đến các sản phẩm như BĐS.
"Các nhà phát triển BĐS, đặc biệt là những nhà làm dịch vụ môi giới BĐS rất bản lĩnh và rất giỏi trong việc phát triển thị trường, kích thích tiêu thụ. Nhờ vậy, thị trường kì vọng sẽ sớm phục hồi trở lại", ông Đính nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Phong, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Vân Đồn Star nhận định, phải mất vài tháng sau dịch, khi dòng tiền của người dân ổn định thì nhu cầu đầu tư BĐS mới tăng trở lại. Nếu như dịch được đẩy lùi sớm thì đến quí III, quí IV thị trường BĐS có thể dần hồi phục.
Còn theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thị trường BĐS trong giai đoạn tới phụ thuộc khá mạnh vào chính sách tiền tệ và đầu tư công của năm 2020. Chỉ có chờ cú huých chuyển động hạ tầng lớn thì mới có thể tạo sóng lâu dài cho thị trường BĐS.
Vị chuyên gia này dự báo, thị trường sẽ đi theo 2 kịch bản chính. Một là thị trường sẽ suy giảm nhẹ, tích lũy và có cơ hội tăng lại vào giữa năm 2021. Kịch bản này xảy ra khi Chính phủ triển khai hạ tầng ở mức hợp lí trong 2 năm 2020 - 2021 và vẫn sử dụng kiểm soát tiền tệ thận trọng ở mức tăng tín dụng khoảng 12 - 15%.
Hai là thị trường sẽ tăng theo sóng trong thời gian ngắn rồi sẽ gặp biến động lớn. Kịch bản này xảy ra trong trường hợp Chính phủ đẩy mạnh giải ngân tiền đền bù các dự án hạ tầng, cung tiền mạnh cho đầu tư công quá mức và tăng tín dụng trên 17% để hỗ trợ kinh tế vượt qua dịch.
Riêng đối với BĐS nghỉ dưỡng, một số chuyên gia cho rằng, phân khúc này sẽ hồi phục chậm hơn phân khúc nhà ở bởi tâm lí sau dịch, người dân sẽ ưu tiên ổn định cuộc sống và công việc chứ chưa nghĩ tới việc hưởng thụ.
Theo ông Mauro Gasparotti Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, do ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch COVID-19, dự đoán việc khôi phục hoàn toàn thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có thể sẽ diễn ra vào năm 2021.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/