|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản Anh 'đóng cửa' vì COVID-19

09:10 | 06/04/2020
Chia sẻ
Các trung tâm tiếp nhận cuộc gọi của các ngân hàng cũng đã bị 'ngập' với các cuộc gọi từ những chủ nhà lo lắng, yêu cầu được hoãn trả các khoản vay thế chấp.
Thị trường bất động sản Anh 'đóng cửa' vì COVID-19 - Ảnh 1.

Một tuyến phố vắng vẻ tại London khi Chính phủ Anh áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tờ Financial Times của Anh cho rằng thực tế Chính phủ Anh đã “đóng cửa” thị trường bất động sản nước này khi không cho phép các nhân viên bất động sản tiếp thị những căn nhà mới hay đến xem những căn nhà có sẵn để bán nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Động thái trên của Chính phủ Anh diễn ra sau những yêu cầu của các ngân hàng về việc đóng băng thị trường bất động sản. 

Trong các cuộc đối thoại giữa các ngân hàng và chính phủ, các ngân hàng đã bày tỏ lo ngại về tác động của dịch COVID-19 đối với việc định giá bất động sản. Các ngân hàng cũng lo ngại về việc cấp tín dụng khi nền kinh tế trong tình trạng "rơi tự do".

Các ngân hàng thông báo với các bộ trưởng rằng họ không thể khảo sát các tài sản. Các trung tâm tiếp nhận cuộc gọi của các ngân hàng cũng đã bị "ngập" với các cuộc gọi từ những chủ nhà lo lắng, yêu cầu được hoãn trả các khoản vay thế chấp.

Chính phủ đã kêu gọi người mua và người bán trì hoãn việc đi lại nếu chưa cần thiết. Tuy nhiên, vào tối 26/3, Chính phủ đã đi xa hơn khi nói rằng không có người nào, bao gồm cả nhân viên bất động sản, giám định viên và người mua tiềm năng, được phép tới xem các bất động sản trong khi các biện pháp “ở nhà” đang có hiệu lực. Sắc lệnh này thực tế đã chặn tất cả mọi giao dịch mới.

Vào tối thứ Năm vừa qua (26/3), Chính phủ cho biết “Bạn có thể nói chuyện với các đại lý bất động sản qua điện thoại và họ có thể cho bạn lời khuyên chung về thị trường bất động sản địa phương và xử lý một số vấn đề từ xa, nhưng họ sẽ không thể bắt đầu chủ động tiếp thị căn nhà của bạn theo cách thông thường”.

Nhiều ngân hàng và những người cho vay đã ngừng việc cho vay thế chấp mới để tập trung vào các khách hàng hiện tại và giảm áp lực cho các trung tâm nhận cuộc gọi vốn đang thiếu nhân viên.

Ngân hàng Lloyds và Barclays, hai trong số những ngân hàng cho vay lớn nhất tại Anh, đang tạm thời thắt chặt các khoản thế chấp của mình. 

Lloyds đã ngừng cung cấp các khoản vay thế chấp hoặc tái thế chấp thông qua các nhà môi giới trừ khi khách hàng có đặt cọc ít nhất là 40% giá trị của tài sản.

Barclays nói với các nhà môi giới rằng ngân hàng này sẽ không cung cấp các khoản vay thế chấp cho những khách hàng không có khoản tiền đặt cọc ít nhất là 40%, nhưng sẽ tiếp tục cung cấp các giao dịch tái thế chấp.

Các chủ ngân hàng rất muốn chỉ ra rằng việc rút lại các sản phẩm thế chấp không có nghĩa là họ đang thiếu tài chính, như đã xảy ra vào năm 2008 khi thị trường vốn đóng băng.

David Hollingworth, Giám đốc công ty môi giới L&C Mortgages, cho biết các ngân hàng đang chuyển hướng sang cắt giảm các thỏa thuận kinh doanh mới vì họ phải giải quyết hàng chục ngàn yêu cầu được trì hoãn thanh toán khoản vay thế chấp.

Ông nói “Thị trường mua sắm thực tế sẽ đi vào đóng băng. Bạn không chỉ không thể ra ngoài mà còn không thể mua một căn nhà ngay cả khi người bán nhà muốn bạn đến xem”.

Mặc dù Chính phủ Anh nói rằng một số giao dịch có thể tiếp tục thực hiện nếu đã đạt được sự thống nhất, nhưng người ta cho rằng phần lớn sẽ bị trì hoãn cho đến khi các biện pháp hạn chế đi lại được dỡ bỏ.

Các ngân hàng đã đồng ý kéo dài thời gian người vay phải hoàn tất một giao dịch sau khi nhận được đề nghị cho vay thế chấp nhằm tránh việc các giao dịch đang trên diễn ra bị đổ vỡ. 

Các đề nghị cho vay thế chấp thường có hiệu lực trong ba tháng, nhưng những khách hàng đã trao đổi hợp đồng giờ đây sẽ có thể gia hạn thêm ba tháng nữa.

Một giám đốc điều hành ngân hàng cho biết những người cho vay muốn tạo sự linh hoạt, nhưng cảnh báo rằng “điều đó tạo ra những thách thức pháp lý - điều gì xảy ra nếu người bán thay đổi ý định trong ba tháng tới?”.

Laura Conduit, luật sư về bất động sản của công ty luật Farrers, cho biết: “Quan điểm nghiêm ngặt của luật pháp là nếu bạn đã trao đổi và có ngày hoàn thành, bạn phải hoàn thành vào ngày đó”. 

Bà nói thêm rằng các ngân hàng có thể sẽ phải quyết định xem các bộ phận tín dụng của mình có thể định giá trị dựa vào việc xem các video về các bất động sản thay vì các nhân viên thẩm định hay không.

Đình Thư

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.