|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thêm trợ lực để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản xuất công nghiệp

01:00 | 12/06/2024
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng, nội tại của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa thể hấp thụ được cơ hội khi các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong khi đó, cơ chế hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Dù đã có định hướng mũi nhọn tập trung vào các ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim… song thực tế, hầu hết các ngành vẫn đang gặp khó khăn trong phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, nội tại của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa thể hấp thụ được cơ hội khi các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; cùng đó, cơ chế hỗ trợ chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, về công nghiệp cơ khí, đặc biệt ở sản xuất nông nghiệp, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được hàng loạt các loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo, máy sấy là do các doanh nghiệp trong nước chế tạo đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đã được xuất khẩu đi các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi. Ngoài ra, còn có nhiều dây chuyền thiết bị chế biến cà phê và hạt điều.

Riêng một số lĩnh vực sản xuất linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện nhựa - cao su... doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

Ở lĩnh vực điện tử, nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ có 25 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung với vai trò là nhà cung ứng cấp 1-2, thì đến cuối năm 2023, số lượng này đã tăng lên 306 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ này cũng nhận định, với những ngành phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, đơn cử như công nghiệp ô tô thì còn tồn tại nhiều yếu kém. Ngành ô tô là ngành công nghiệp tích hợp nhiều phân ngành như cơ khí chính xác, điện tử, công nghệ vật liệu, đòi hỏi trình độ công nghệ cao… nhưng hầu hết doanh nghiệp nội địa chưa thể đáp ứng được.

Trong khi đó, chính sách phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua chưa đồng bộ, chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thực sự tạo cơ sở vững chắc để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất với quy mô lớn.

Trong khi đó, các nước ASEAN như: Thái Lan, Indonesia... nhiều năm qua đã có các chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư quy mô lớn, hiệu quả từ các tập đoàn ô tô.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn.

Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp, mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030 nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%; thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Hay như lĩnh vực điện tử, nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Apple, LG, Intel… đã đầu tư vào Việt Nam. Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam và chúng ta phải nắm bắt cơ hội đó.

Tuy vậy, tỷ lệ nội địa hóa ngành này còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.

(Ảnh minh hoạ: TTXVN).

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để thu hút và tận dụng FDI hiệu quả, Việt Nam cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa hợp tác, cung cấp sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI với giá rẻ hơn. Như vậy, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu giữ chân ông lớn FDI, phát triển doanh nghiệp nội địa, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa.

“Tôi cho rằng cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) của doanh nghiệp trong nước. Từ đó, phát triển được các tập đoàn lớn trong nước đủ sức dẫn dắt. Do đó, muốn phát triển cần sớm ban hành thêm chính sách hỗ trợ”, ông Toàn nói.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung cấp cho các tập đoàn này tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài; triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vận hành hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, triển khai xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật (trên cơ sở tham khảo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nói riêng để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị, đáp ứng yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các ngành dự kiến được xác định trọng điểm sẽ là công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử; công nghiệp thực phẩm, sinh học…

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, cần tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam; từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Đồng thời, triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước, gắn với chú trọng phát triển các ngành ưu tiên như ô-tô, cơ khí nông nghiệp, đường sắt; hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cơ khí, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và khai thác các thị trường tiềm năng ở ASEAN, châu Phi, Tây Á.

Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang xúc tiến đầu tư ở các thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ với sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt và hình thành các dịch vụ cho các khu, cụm công nghiệp đó.

Phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ...

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng cho hay, quan trọng là đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển mạnh chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm.

“Định hướng lựa chọn và khuyến khích dự án FDI vào các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước, có tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ trong nước cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ; ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước; ưu tiên các công ty đa quốc gia có thương hiệu quốc tế và có năng lực cạnh tranh cao, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu giải pháp.

Đức Dũng