|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn, cần chính sách hỗ trợ thiết thực

20:30 | 05/06/2024
Chia sẻ
Giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa trong thời gian tới là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và kiến nghị tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, là “linh hồn" của công nghiệp chế tạo, nhưng thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt vấn đề tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công thương, diễn ra vào sáng 5/6. 

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH Bắc Kạn, đặt vấn đề hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất. Tuy nhiên, năm vừa qua "sức khỏe" của doanh nghiệp suy giảm khá nghiêm trọng về doanh thu, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường đang diễn ra và hiện nay đang gặp hai nút thắt rất lớn về vốn và chi phí.

Cùng với đó, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. 

 Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH Bắc Kạn (Ảnh:Cổng TTĐT Quốc hội).

Cũng liên quan đến vấn đề công nghiệp hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH Bình Dương, cho rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ là một hướng đi đúng đắn để tái cơ cấu và phát triển công nghiệp cũng như tăng trưởng chất lượng cao trong giai đoạn mới. Đồng thời, tạo ra hệ sinh thái liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có chính sách phát triển toàn diện, bao trùm về công nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho rằng đối với một nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, khu vực công nghiệp hỗ trợ chính là hạt nhân, là “linh hồn" của công nghiệp chế tạo, rất đáng được quan tâm. Nhưng khối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong đó, 5 khó khăn chính được ông nêu ra gồm:

Thứ nhất, những doanh nghiệp này thường là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ hai, công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nếu không bán được ra thị trường sẽ buộc phải bán cho các nhà lắp ráp ở sau quá trình.

Thứ ba, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật vô cùng cao.

Thứ tư, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi phải có đội ngũ lao động có tay nghề cao.

Thứ năm, các nhà mua hàng đặt ra yêu cầu cao trong chuẩn mực định chế.

Theo ông Tuất, các quy định pháp luật hiện nay của Việt Nam không đủ để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Đồng thời, ông kiến nghị cần có một quỹ quốc gia để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông cho rằng muốn đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì không có con đường nào khác là hai ngành công nghiệp vật liệu và công nghiệp chế tạo phải được quan tâm, thúc đẩy.

Cần hoàn thiện chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Liên quan đến vấn đề đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nêu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực tế các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều có doanh nghiệp hỗ trợ đi cùng. Đây là những doanh nghiệp có kinh nghiệm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng, tiêu chuẩn về môi trường và giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước còn yếu nên mặc dù có cơ chế nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được những tiêu chuẩn này. 

“Đây là thách thức mà chúng ta cần phải tính. Để doanh nghiệp trong nước giành lại được thị phần, trước hết hệ thống pháp luật, chính sách phải hoàn thiện và phải đáp ứng được yêu cầu thực tế, để doanh nghiệp có thể hấp thụ được, thông qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

Vì vậy, để nâng cao năng lực cho công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ở trong nước phát triển, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và các điều kiện khác. 

Đặc biệt, cần sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài và một số luật có liên quan để có thể thu hút và có cơ chế ràng buộc với các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước và từng bước nội địa hóa các ngành sản xuất trong nước.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Cũng trong phiên họp, khi được hỏi về giải pháp của Bộ từ nay đến năm 2025 để đạt được mục tiêu đáp ứng 65% nhu cầu sản xuất nội địa đã đặt ra trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đầu tiên, cần phải hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật phát triển công nghiệp trọng điểm.

Đồng thời, tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương, địa phương để tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương, địa phương và doanh nghiệp; bố trí đủ nguồn lực cho Chương trình phát triển công nghiệp không chỉ đến năm 2025 mà còn tiếp tục triển khai chương trình của giai đoạn tiếp theo.

Cuối cùng, cần phải đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ cho doanh nghiệp và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất doanh nghiệp và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các hàng hóa nhập.

Anh My