|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thêm ngân hàng tăng lãi suất huy động lên trên 10%/năm

16:01 | 08/12/2022
Chia sẻ
NCB và OCB mới đây thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ tháng 12, trong đó mức cao nhất lên đến 10,5%/năm.

Làn sóng tăng lãi suất lại tiếp diễn khi mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) thông báo điều chỉnh lãi suất huy động áp dụng từ 6/12.

Cụ thể, khi gửi tiết kiệm online trên mobile banking/internet Banking, tại sản phẩm tiết kiệm An Phú, lãi suất huy động tại kỳ hạn 6 tháng ở mức 9,5%/năm, tại kỳ hạn 7 - 12 tháng lãi suất huy động ở mức 9,6 - 9,7%/năm.

Tại các kỳ hạn dài 13-60 tháng, ngân hàng áp dụng mức lãi suất là 9,9%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất ngân hàng áp dụng tại sản phẩm tiết kiệm này. Với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, NCB áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm.

Với các khách hàng lần đầu tiên gửi tiết kiệm tại NCB, ngân hàng áp dụng ưu đãi cộng thêm 0,2% lãi suất so với biểu lãi suất online khi gửi trên NCB iziMobile. Như vậy, mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng có thể lên tới 10,1%/năm tại các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.

Với tiết kiệm truyền thống, ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9,7%/năm tại các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm tích lũy cũng tăng cao. Ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9,7%/năm với các kỳ hạn từ 2 năm trở lên. Với các kỳ hạn 6 tháng - 1 năm, lãi suất huy động dao động ở mức 9,35 - 9,5%/năm.

Khi gửi tiết kiệm tại quầy, mức lãi suất cao nhất ngân hàng áp dụng là 9,35%/năm tại kỳ hạn 12 - 30 tháng tại sản phẩm Tiết kiệm rút gốc linh hoạt. Với các kỳ hạn khác từ 6 tháng trở lên, lãi suất huy động cũng vượt mốc 9%/năm.

 Biểu lãi suất online tại NCB (Nguồn: NCB)

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thông báo áp dụng biểu lãi suất mới từ đầu tháng 12.

Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm online, mức lãi suất cao nhất ngân hàng áp dụng là 9,3%/năm tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Với các kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất huy động ở mức 9 - 9,1%/năm.

Bên cạnh đó, OCB cũng áp dụng các chính sách ưu đãi lãi suất. Lãi suất áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm điện tử (tiết kiệm điện tử thông thường, Omni Flex), tiền gửi có kỳ hạn kênh online (Hợp đồng tiền gửi điện tử) kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Cụ thể, với số tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, ngân hàng cộng thêm 1,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng hoặc 1,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng so với biểu lãi suất tiết kiệm điện tử.

Như vậy, khi gửi số tiền từ 50 tỷ đồng tại kênh tiết kiệm online, khách hàng có thể được hưởng mức lãi suất 10,5%/năm tại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Mới đây, ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông báo quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, động thái này cũng hướng đến việc giảm áp lực tăng lãi suất trong thời gian qua, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là nền kinh tế nói chung.

Khi NHNN cấp thêm room tín dụng sẽ giúp lãi suất cho vay ra có khuynh hướng hạ nhiệt. Nhiều khả năng là thanh khoản hệ thống đã dồi dào trở lại, ông Minh dự báo lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ có khuynh hướng hạ nhiệt dần trong ngắn hạn.

Huyen Vi

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.