|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thêm một thương hiệu xe điện Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài

21:33 | 24/08/2024
Chia sẻ
Selex Motors - một startup xe máy điện của Việt Nam vừa có lô hàng đầu tiên xuất ngoại. Hãng vừa tiếp nối VinFast trở thành thương hiệu xe điện tiếp theo của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngày 24/8, hãng xe máy điện Selex Motors thông báo công ty đã chính thức xuất khẩu xe máy điện Selex Camel cùng hệ sinh thái, hạ tầng đổi pin, chia sẻ năng lượng sang thị trường Philippines, đánh dấu lần đầu tiên hãng xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Đại diện của Selex Motors cho biếtcó nhiều đối tác quốc tế tự tìm đến, họ muốn nhập khẩu toàn bộ hệ sinh thái và mô hình kinh doanh của Selex Motors. Tuy nhiên, công ty chọn Philippines làm thị trường thí điểm đầu tiên vì có tiềm năng lớn và đối tác phù hợp.

"Philippines đang trong giai đoạn đầu phát triển xe điện và có những chính sách thúc đẩy mạnh mẽ. Sau khi đánh giá các giải pháp của các công ty từ nhiều nước khác nhau thì họ quyết định chọn Selex Motors vì giải pháp của công ty toàn diện, tối ưu về chi phí và vận hành, có khả năng mở rộng cao", ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, nhà sáng lập kiêm CEO Selex Motors chia sẻ.

 (Ảnh: Selex Motors).

Theo nhà sáng lập Selex Motors, kế hoạch xuất khẩu ra nước ngoài tới sớm hơn dự kiến so với dự định và trong tương lai, Selex Motors cũng hướng tới phát triển các thị trường khác ở Đông Nam Á.

"Cơ hội tốt đến thì dù chưa sẵn sàng lắm cũng phải cố gắng để đón nhận. Thị trường xe điện ở Philippines gần như con số 0", ông Nguyên nói thêm.

 Mẫu xe máy điện của Selex Motors và mô hình trạm đổi pin. (Ảnh: Selex Motors).

Mẫu xe máy điện Selex Camel vào tháng 11/2022, được thiết kế cho giao vận với tải trọng 225 kg, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và bảo trì. Xe có thể lắp ba pack pin, đi được tối đa 150 km, và có khả năng lội nước.

Hệ sinh thái của Selex gồm xe Camel, pin, trạm đổi pin tự động, và app quản lý. Giải pháp đổi pin chỉ mất 2 phút tại 71 trạm trên toàn quốc. Nhà máy của Selex sản xuất 20.000 xe và 100.000 pack pin/năm với tỷ lệ nội địa hóa trên 70%. 

Thành Vũ