Thêm cơ chế hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhà ở giá thấp
Đạt khoảng 42% mục tiêu
Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020, ngành xây dựng cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong kế hoạch. Toàn ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức khá cao 8,5-8,7%/năm, cao hơn mục tiêu kế hoạch 5 năm cả nước đặt ra là 8,0-8,5%/năm.
Người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định, hiện nay, cơ chế chính sách đã được xây dựng, ban hành cơ bản đầy đủ, tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện, từ giai đoạn đầu tư xây dựng đến công tác quản lý vận hành.
Trong giai đoạn 2013-2016, Chính phủ đã dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp tục bố trí vốn ngân sách và tín dụng cho lĩnh vực này theo quy định pháp luật
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2. Ngoài ra đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ.
"Kết quả này rất đáng ghi nhận nhưng còn thấp so với kế hoạch, mới đạt khoảng 42% mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đạt 12,5 triệu m2 nhà ở", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Tạo cơ chế, chính sách mới
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhận định hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn cung NƠXH.
Nguyên nhân của tình trạng này do cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng NƠXH. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập. Nguồn vốn ngân sách bố trí hỗ trợ, lãi xuất chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất để cho phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm đến việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, chưa thực hiện quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo và Bộ Xây dựng triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, chúng ta thấy cần phải thực hiện một số giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn.
Trước hết, cần rà soát bổ sung hoàn chỉnh các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 tại các đô thị để tạo điều kiện phê duyệt dự án, cấp phép dự án nhà ở xã hội.
Thứ hai, các địa phương tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ đất cho phát triển nhà ở xã hội; bố trí nguồn lực hợp lý để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án theo quy định, đồng thời quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh... Có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội đảm bảo đồng bộ, thống nhất để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
"Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định 100 để tạo các cơ chế chính sách đột phá hơn, thuận lợi cho doanh nghiệp để tạo các cơ hội thuận hơn cho người dân để mua được NƠXH.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để có chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá thấp có diện tích nhà ở hơn 70 m2 và giá bán phù hợp", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.