|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng đã dư thừa'

07:27 | 18/02/2017
Chia sẻ
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Xây dựng ngày 17.2, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, lãnh đạo ngành đã nhận thức được về sự mất cân đối cung cầu trên thị trường BĐS. Theo ông Hà, hiện phân khúc BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng đã dư thừa.
phan khuc bat dong san cao cap nghi duong da du thua
Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: “Có những sản phẩm theo tính toán của chúng tôi là đã đủ dùng đến năm 2020 rồi. Do đó, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hạn chế tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp, trong đó có những chính sách đẩy mạnh hơn nhà giá rẻ và tầm trung” – ông Hà cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tính đến ngày 10.2.2016, tổng số nhiệm vụ mà Bộ Xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2016 là 311 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 233 nhiệm vụ, còn 74 nhiệm vụ đang thực hiện, có 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Sau khi nghe thủ trưởng các đơn vị liên quan báo cáo về việc triển khai các nhiệm vụ quá hạn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã phát biểu các ý kiến bổ sung về 6 nội dung mà Thủ tướng đang quan tâm đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện.

Cụ thể, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có những giải thích cặn kẽ về từng vấn đề mà Tổ công tác đề cập. Việc phân cấp trong xử lý các thủ tục, theo lý giải của Bộ trưởng Xây dựng vẫn là tinh thần của Nghị định mới, tuy nhiên, Bộ phải thực hiện công tác kiểm tra chặt chẽ hơn.

Về việc chậm trễ trong xây dựng Nghị định 59, Bộ trưởng Hà cho rằng, ngành xây dựng khá phức tạp ở chỗ, muốn làm gì thì làm, tiền kiểm hay hậu kiểm thì quan trọng vẫn là phải bảo đảm chất lượng công trình. Có lúc, xây dựng phải tiền kiểm bởi khi hậu kiểm thì công trình đã xảy ra sự cố rồi. Do đó, Nghị định 59 mỗi lần phải sửa một chút nên mất nhiều thời gian.

Về vấn đề quy hoạch, theo Bộ trưởng Xây dựng, một bất cập rất lớn hiện nay là có nhiều người tham gia khi xây dựng quy hoạch ban đầu, nhưng khi điều chỉnh chỉ có một số ít người và không loại trừ khả năng có sự tác động của nhà đầu tư, có lợi ích nhóm. Để giải quyết bất cập đó, trong việc xác định rõ những giải pháp, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện lại thể chế, tổ chức lại bộ máy quy hoạch.

Về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo Bộ thừa nhận, với những đơn vị trực thuộc, tỷ lệ thoái vốn nhà nước còn thấp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, không cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá.

Theo ông, hiện nay, trong lĩnh vực xây dựng, một số tập đoàn tư nhân lớn chủ yếu là kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trong khi đó, còn có những lĩnh vực then chốt khác trong ngành xây dựng như xây lắp, thủy điện, vật liệu xây dựng...

“Sông Đà, Lilama... thực sự là những quả đấm chủ lực của ngành với nhiều công trình thủy điện, xây lắp. Do đó, khi cổ phần hóa phải tính toán, cân nhắc thận trọng nếu không làm tan luôn” - ông Hà lý giải.

Kết luận buổi làm việc, thay mặt Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, thẳng thắn và cởi mở của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và của Bộ Xây dựng. Theo đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện báo cáo tại Hội nghị các nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành về tiến độ, nội dung, nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc chậm chễ, cũng như thời hạn dự kiến hoàn thành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

T. H