|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thế giới vay nợ Trung Quốc 5.000 tỉ đô la Mỹ

18:35 | 10/07/2019
Chia sẻ
Thế giới đang vay nợ Trung Quốc 5.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương 6% GDP toàn cầu, theo một báo cáo nghiên cứu của Viện Kiel, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn các vấn đề kinh tế toàn cầu, có trụ sở ở Kiel, Đức.
Thế giới vay nợ Trung Quốc 5.000 tỉ đô la Mỹ - Ảnh 1.

Tính đến năm 2018, tổng giá trị các khoản vay mà Trung Quốc dành cho thế giới đã lên đến 5.000 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: ifw-kiel.de

Báo cáo của Viện Kiel công bố hồi tuần trước cho biết tính đến năm 2018, thế giới đang vay nợ Trung Quốc hơn 5.000 tỉ đô la Mỹ. Con số này, tương đương khoảng 6% GDP toàn cầu, cho thấy tốc độ Trung Quốc cho các nước trên thế giới vay tiền rất nhanh vì vào đầu thập niên 2000, con số này mới khoảng 500 tỉ đô la, tương đương 1% GDP toàn cầu.

Giới phân tích từ lâu cho rằng Trung Quốc không minh bạch trong các hoạt động cho vay ở nước ngoài, đặc biệt là những nước có thu nhu nhập thấp và có ít sức mạnh kinh tế.

Các khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc chủ yếu được thực hiện bên ngoài hệ thống ngân hàng quốc tế. Dù 85% khoản vay được tính bằng đô la Mỹ nhưng các khoản vay thường do các ngân hàng nước này cấp thông qua các nhà thầu Trung Quốc để tránh giải ngân trực tiếp cho nước vay nợ nên được xem là có nguy cơ vỡ nợ cao.

Điều này có nghĩa là không có yêu cầu báo cáo nào về các giao dịch ngân hàng xuyên biên giới cho Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ở Thụy Sĩ, đóng vai trò như đối tác của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong các giao dịch tài chính. 

Vì vậy, nhiều khoản vay của Trung Quốc dành cho nước ngoài không được ghi nhận đầy đủ trong các số liệu thống kê nợ chính thức mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) theo dõi.

Viện Kiel ước ính IMF và WB chỉ nắm bắt được 50% số tiền mà Trung Quốc cho các nước vay.

“Khoảng 50% hoạt động cho vay quốc tế của Trung Quốc dành cho các nước đang phát triển và mới nổi không được gộp vào số liệu thống kê chính thức”, báo cáo cho biết.

Viện Kiel cũng cho biết hoạt động cho vay của Trung Quốc ở nước ngoài đang gia tăng chóng mặt. Báo cáo của Viện Kiel ghi nhận có đến 80% các nước đang phát triển và mới nổi trên thế giới tiếp nhận các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (cho vay với lãi suất ưu đãi) hoặc các khoản vay khác từ Trung Quốc trong năm 2017.

Trong 50 nước tiếp nhận các khoản vay trực tiếp lớn nhất từ Trung Quốc, chủ yếu là các nước nhỏ và nghèo, giá trị vay nợ của Trung Quốc so với GDP của họ đã tăng từ mức chỉ 1% lên mức 15% GDP vào năm 2016. 

Tính trung bình, nợ vay từ Trung Quốc chiếm 40% tổng nợ vay nước ngoài của những nước này.

Djibouti, Tonga, Maldives, Cộng hòa Congo và Kyrgyzstan là 5 nước vay nợ Trung Quốc lớn nhất xét theo tỷ lệ các khoản vay của Trung Quốc so với GDP.

Thế giới vay nợ Trung Quốc 5.000 tỉ đô la Mỹ - Ảnh 2.

Địa điểm khởi công dự án xây dựng 1.000 nhà ở xã hội ở Cộng hòa Djibout. Dự án này được Ngân hàng Chiêu Thương Trung Quốc cấp vốn vay. Ảnh: AFP

Các nhà phân tích của Viện Kiel ước tính các nước đang phát triển và mới nổi vay nợ của Trung Quốc tổng cộng 380 tỉ đô la. Trái với họ, một nhóm 22 nước với phần lớn là các nước phát triển phương Tây bao gồm Đức, Nhật Bản, Nga và Mỹ vay nợ Câu lạc bộ Paris chỉ 246 tỉ đô la.

Chính phủ Mỹ nhiều lần chỉ trích các dự án đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài bao gồm các dự án đã được giải ngân vốn vay với giá trị hàng trăm tỉ đô la Mỹ trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai, Con đường, một trọng tâm chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kết nối các tuyến giao thương giữa châu Á và phương Tây.

Đề cập đến Sáng kiến Vành đai, Con đường tại một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, nói: “Trong một thế giới toàn cầu hóa, có rất nhiều vành đai và rất nhiều con đường. Và không một nước nào tự đặt mình vào vị trí tự vẽ ra một vành đai, một con đường”.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng Bắc Kinh cố tình mở rộng hoạt động cho vay quá mức và tốn kém cho các nước khác để dễ bề khai thác các nhượng bộ chính trị và kinh tế của họ. Và một số ý kiến chỉ trích Trung Quốc sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” thông qua Sáng kiến Vành đai, Con đường.

Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc nói rằng nước này đang đặt các nước nghèo vào tình thế khó khăn bằng cách cho vay các khoản nợ rủi ro cao. Gần đây, Trung Quốc cam kết sẽ cải thiện tính minh bạch và các quy định trong các dự án của Sáng kiến Vành đai, Con đường. 

Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc vẫn không chính thức công bố bất kỳ dữ liệu nào về các hoạt động cho vay ở nước ngoài.

Báo cáo của Viện Kiel còn cho rằng mức độ công bố là một vấn đề vì Trung Quốc thường cho vay với những nước đang gặp khủng hoảng chính trị hoặc kinh tế, chẳng hạn Venezuela, Zimbabwe và Iran, đặt ra các câu hỏi về tính bền vững của các khoản nợ và gia tăng các nghi ngờ xung quanh ý đồ của Trung Quốc trong hoạt động cho vay ở các nước này.

Tân Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, cựu Thứ trưởng Tài chính Mỹ, cũng chỉ trích Trung Quốc đã cấp vốn vay cho các dự án hạ tầng khổng lồ trong Sáng kiến Vành đai, Con đường. Ông cho rằng sáng kiến này thường để lại cho các nước khác “những khoản nợ quá mức và các dự án kém chất lượng”.

Hồi tháng 4 sau khi được bầu vào ghế chủ tịch WB, ông Malpass kêu gọi Trung Quốc phải minh bạch hơn trong các hoạt động cho vay ở các nền kinh tế mới nổi.

Ông nói: “Các khoản vay nợ giúp nền kinh tế phát triển nhưng nếu không được thực hiện trong một cách minh bạch để hướng đến kết quả tốt thì bạn rốt cục phải chứng kiến chúng gây trì trệ cho các nền kinh tế. Và lịch sử đã cho thấy rất nhiều tình huống mà trong đó các khoản nợ vay quá lớn kéo các nền kinh tế đi xuống”.

Chánh Tài