|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thế Giới Di Động, FPT Shop chật vật giữ 'ngai vàng' trước đối thủ online và chuỗi nhỏ

10:51 | 17/06/2024
Chia sẻ
Chuyên gia dự báo FPT Shop và Thế Giới Di Động đứng trước nguy cơ đánh mất thị phần vào tay những chuỗi nhỏ như CellphoneS, Hoàng Hà Mobile,… và những hình thức bán lẻ trực tuyến.

Báo cáo thị trường bán lẻ ICT/CE của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa nhận định những “ông lớn” trong ngành bán lẻ điện máy như Đầu tư Thế Giới Di Động hay Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đang thu hẹp thị phần trước những chuỗi nhỏ và nền tảng thương mại điện tử.

“Thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ cửa hàng (offline) sang trực tuyến (online) gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ ICT/CE chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý như Thế Giới Di Động và FPT Shop”, báo cáo viết.

Khách hàng chờ mua iPhone 15 bên ngoài cửa hàng TopZone thuộc Thế Giới Di Động. (Ảnh: Đức Huy).

Thực tế, các dữ liệu chỉ ra thị trường điện máy, điện thoại đang chuyển sang giai đoạn bão hòa hậu COVID-19 khi lệ thâm nhập của các sản phẩm này tại Việt Nam gần đạt đến mức trần hoặc tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Điều đó có nghĩa là các lĩnh vực kinh doanh này dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng một con số khi xu hướng cao cấp hóa do tầng lớp trung lưu phát triển mạnh gia tăng cùng với chu kỳ thay thế sau giai đoạn tăng trưởng 2013 - 2023.

Trong bối cảnh đó, sự chuyển đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng từ offline sang online đã tác động mạnh mẽ lên các gã khổng lồ bán lẻ. Đơn cử, dù tổng giá trị thị trường điện máy tăng trưởng âm trong năm ngoái nhưng lại chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm ICT trên 5 nền tảng thương mại điện tử phổ biến với mức tăng trưởng doanh số hơn 40% so với cùng kỳ. Cùng kỳ, doanh số Thế Giới Di Động hay FPT Shop đều ghi nhận sụt giảm ở cả kênh online và offline.

Điều này cho thấy người tiêu dùng không còn ngại mua những mặt hàng có giá trị trên thương mại điện tử. Việc thay đổi hành vi mua sắm đã gây thiệt hại cho các nhà bán lẻ điện máy chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý. Hiện cửa hàng vật lý chiếm hơn 70% doanh thu thuần của Thế Giới Di Động và FPT Shop.

Nhà phân tích tại VDSC đánh giá các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tốt hơn các website bán lẻ do Thế Giới Di Động hay FPT Shop vận hành. Hiện tại, cả hai “ông lớn” này đều đang bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang phụ thuộc nhiều hơn vào bán hàng online. Bằng chứng là trong cuộc họp thường niên, đại diện Thế Giới Di Động nói: “Sắp tới mảng điện máy, di động của chúng tôi sẽ có một cánh quân mới, độc lập tác chiến trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thương mại điện tử của Thế Giới Di Động có thể mang tên là V.I.P”.

Hay phía Bán lẻ kỹ thuật số FPT cho hay: “FPT Shop là nhà bán lẻ ICT/CE đầu tiên tham gia làn sóng bán hàng trực tiếp của TikTok Shop, chơi lớn bằng việc tung ra đợt bán hàng trực tuyến dòng iPhone 15 với thời gian live 15 tiếng ở phiên live diễn ra vào tháng 9/2023. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư theo hướng này vào năm 2024 và hơn thế nữa”.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài hay “nữ tướng” Nguyễn Bạch Điệp phải đốt một khoản tiền khổng lồ để xây dựng lợi thế quy mô như cơ sở khách hàng lớn, qua đó hỗ trợ tối ưu hóa chi phí như chi phí vận chuyển, kho bãi và mở rộng doanh thu nhanh trên diện rộng, dẫn đến lợi nhuận lớn như Shopee. 

Do tiềm lực tài chính nhỏ hơn nhiều so với các sàn thương mại điện tử và rào cản gia nhập cực cao mà Shoppee, Lazada, Tiki xây dựng trong 10 năm qua, chuyên gia dự báo các nhà bán lẻ điện máy truyền thống có thể sẽ thất bại trước các sàn.

Bên cạnh đó, trên mặt trận offline, cả Thế Giới Di Động và FPT Shop đều phải cạnh tranh gay gắt với các chuỗi non trẻ như CellPhoneS, Hoàng Hà Mobile, Shopdunk, Didongviet - những đơn vị đã thực hiện chính sách giá rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm khách hàng tương tự.

Thời gian qua, trong khi hai “ông lớn” đầu ngành tiến hành đóng hàng loạt cửa hàng khi doanh số bán hàng trên mỗi điểm bán giảm mạnh thì các nhà bán lẻ nhỏ hơn lại có động thái mở rộng giành thị phần.

Theo nhà phân tích, điều này cho thấy chuỗi lớn đã không thành công trong khai thác tệp khách hàng mới từ các tỉnh thành khác, chẳng hạn như Điện Máy Xanh so với MediaMart, Điện Máy Chợ Lớn ở miền Bắc và Duyên hải miền Trung.

Do đó, Thế Giới Di Động và FPT Shop đều phải đi theo xu hướng giảm giá bán hoặc tăng chính sách khuyến mãi để giành lại thị phần đã mất trước sự phát triển của các nhà bán lẻ nhỏ hơn và sàn thương mại điện tử.

Đức Huy

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.