Thế giới đang bước vào một thời đại 'lạnh sống lưng': không còn hưu trí?
Ảnh: Right Angle Studio
Dân số trên toàn cầu đang ngày càng già hơn và các phúc lợi xã hội cho tuổi hưu không còn bắt kịp ở khắp mọi nơi, điều khiến tuổi già ngày càng trở thành một viễn cảnh đáng sợ, nhưng tương lai không chỉ toàn màu đen.
Họ lớn lên tưởng rằng họ có thể được nghỉ hưu giống như cha mẹ họ - ngưng làm việc ở tuổi ngoài 60 với một khoản thu nhập kha khá, nhiều thời gian và sức khỏe còn tốt để hoàn tất những ước mơ dang dở".
Nghỉ hưu: vừa mới vừa cũ
Năm 2010, phụ nữ ở Anh nghỉ hưu ở tuổi 60 và nam giới 65. Tới tháng 10-2020, khi luật mới có hiệu lực, tuổi hưu mới cho cả hai giới là 66, với lộ trình tăng lên 67 vào năm 2028 và đến những năm 2060, dự kiến hầu hết người Anh sẽ còn làm việc tới ngoài tuổi 70.
Các nghiên cứu kinh tế học lạnh lùng cho thấy tất cả mọi người sẽ phải làm việc tới ngoài tuổi 80 nếu muốn được hưởng cùng một chế độ hưu trí như cha mẹ họ hiện giờ. Tức về cơ bản, đó là một thế giới không còn hưu trí nữa.
Việc nâng tuổi hưu đương nhiên tạo ra những bất công xã hội mới. Chẳng hạn, người sống ở các vùng có tuổi thọ trung bình thấp sẽ thiệt thòi so với những vùng có tuổi thọ trung bình cao trong nước.
Nhưng những nhà hoạch định lẫn giới chuyên môn cần phải nhìn xa hơn thế: ở phía chân trời đang là sự tan vỡ hoàn toàn của hệ thống tuổi hưu cố định và mạng lưới phúc lợi không rủi ro, khả đoán như từ trước tới giờ.
Nhìn chung tình hình là giống nhau và không thể tránh khỏi ở khắp nơi trên thế giới trong cuộc khủng hoảng hưu trí. Nguyên nhân cũng thế: tuổi thọ kỳ vọng tăng lên liên tục nhờ tiến bộ y khoa, các kế hoạch hưu trí và phúc lợi tệ hại của chính quyền, và trách nhiệm của chính người lao động khi không tiết kiệm đủ cho đoạn cuối cuộc đời.
Nghỉ hưu là một ý tưởng đã có từ thời cổ đại. Nó từng gây ra một trong những thảm họa quân sự tồi tệ nhất lịch sử đế chế La Mã, khi vào năm 14, sắc lệnh đế quốc tăng tuổi hưu và giảm lương hưu của lính trong các binh đoàn lê dương gây ra cuộc nổi loạn lớn tại Pannonia (nay thuộc Trung Âu) và Đức.
Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng người ta có thể ngừng làm việc khi ngoài 60 và tận hưởng hơn 20 năm nhàn nhã lại khá là mới mẻ. Trong phần lớn lịch sử loài người, hầu hết con người đã làm việc tới khi nào thể chất còn cho phép, rồi qua đời không lâu sau đó.
Thay đổi lớn nhất với thời hiện đại có lẽ bắt đầu vào năm 1881, khi thủ tướng Đức Otto von Bismarck có bài phát biểu trọng đại ở quốc hội kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ những người trên 70 tuổi "không còn làm việc được vì tuổi già và bệnh tật".
Bismarck không hẳn là chỉ lo cho người già: ông thực ra chỉ vận động quỹ hưu trí cho người tàn tật, chứ không phải người già nói chung. Thêm nữa, tuổi hưu mà ông đề xuất còn cao hơn tuổi thọ trung bình ở Đức lúc bấy giờ!
Tuy nhiên, Bismarck thực sự có tầm nhìn cấp tiến so với thời đại: ông đề xuất một khoản tiết kiệm hưu trí được phép rút bất cứ lúc nào, nếu người đóng tiền được xác định là không còn làm việc được nữa. Những ai rút sớm hơn phải nhận một khoản tiền ít hơn. Cho tới nay, đó vẫn là nguyên tắc nền tảng cho gần như mọi quỹ hưu trí trên thế giới.
Vượt ra ngoài một con số cố định
Những ý tưởng mới về tổ chức tuổi hưu và lương hưu cũng đã được giới thiệu. Năm 2010 chẳng hạn, Tổ chức New Economics Foundation đề xuất dự án "nghỉ hưu từ từ", trong đó người lao động mỗi tuần sẽ làm việc ít đi một tiếng trong mỗi năm kể từ năm 35 tuổi.
Ý tưởng ở đây là người lớn tuổi hơn sẽ để công việc lại cho những người trẻ, và khiến việc hoạch định tài chính chặt chẽ, dễ nhìn thấy hơn. Một khoản thu nhập cơ bản phổ quát, trong đó tất cả mọi người đều nhận một số tiền cố định từ nhà nước mỗi năm, dù họ có làm việc hay không, là một ý tưởng khác của việc hỗ trợ lương hưu cho người già.
Tất nhiên, mọi ý tưởng và đề xuất đều có vấn đề của nó, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải dần hình dung và định vị một thế giới rất khác trong tương lai, với những người về hưu, khi mô hình truyền thống không còn đứng vững nữa.
Được nghỉ hưu nhàn nhã và tương đối đầy đủ cũng là một ý tưởng chính trị quá mạnh mẽ, khiến việc tăng tuổi hưu gần như luôn bị phản đối và nghi ngờ. John Macnicol, giáo sư thỉnh giảng ở Trường Kinh tế học London và đồng tác giả cuốn Tuổi già thời tân tự do, phân tích rằng ý niệm về tuổi hưu cũng thay đổi tùy hoàn cảnh và thời đại lịch sử.
Ở Anh thời hậu Thế chiến II chẳng hạn, khi lao động thiếu hụt, "ảo tưởng xã hội là thời gian nghỉ hưu là để người già được bù đắp và nghỉ ngơi". Tới những năm 1990, thái độ với người về hưu thay đổi: từ chỗ coi họ là người nghèo, phụ thuộc vào xã hội và xứng đáng nghỉ ngơi, thành giới có tiền dư dả, ham hưởng lạc, nhiều quyền lực và ích kỷ. Việc tăng tuổi hưu và những tranh luận liên quan, vì thế, phải đặt trong bối cảnh của nó.
Cũng quan trọng không kém một con số tuổi hưu cố định là chất lượng sống của người về hưu. Các công ty tư nhân có những khóa học hỗ trợ người sắp nghỉ hưu chuẩn bị cho sự thay đổi về thu nhập, thời gian, và mối quan hệ, điều mà các nhà nước hầu như chưa tính tới cho nhân viên của mình.
Giới chuyên gia trong lĩnh vực này nhất trí là có 5 trụ cột cho một thời kỳ nghỉ hưu tốt. Thứ nhất là một mức ổn định tài chính tối thiểu. Thứ hai là mạng lưới quan hệ xã hội thay thế cho nơi làm việc. Thứ ba là có được mục đích và thách thức cho phần đời còn lại. Thứ tư là những phát triển với cá nhân - khám phá, nghi ngờ và học hỏi là điều khiến chúng ta là con người, và điều này chỉ nên dừng lại khi ta đã chết. Cuối cùng là tìm niềm vui.
Soi chiếu lại với việc nghỉ hưu ở Việt Nam, thì người ta quan tâm nhiều nhất tới điều đầu tiên, và một chút với điều thứ năm, trong khi quá ít cho những điều còn lại.
Nhưng chính ý tưởng "nghỉ hưu" cũng cần xem xét lại, bởi với cả 5 cột trụ nêu trên, "làm việc một chút" thực ra hiệu quả hơn "nghỉ hoàn toàn". Ở đây, một cơ chế làm việc linh hoạt trở nên quan trọng.
Cơ chế làm việc linh hoạt đương nhiên không mới, và ngày càng phổ biến trong thế giới công nghệ - chia sẻ công việc, họp trực tuyến, làm bán thời gian... Và "nghỉ hưu linh hoạt" chỉ là một cách nói khác của làm việc linh hoạt.
Rất nhiều người không muốn sống suốt 20 năm chỉ "đi ra đi vào": ở Mỹ chẳng hạn, một nửa những người về hưu nói họ thấy chán và đứng ngồi không yên, 80% những người ngoài 50, độ tuổi đã phải hoạch định về hưu, nói muốn làm việc bán thời gian khi về hưu, và chỉ 16% muốn nghỉ hoàn toàn.
Họ tìm kiếm những khung làm việc khác nhau: 2 giờ một ngày, 3 ngày một tuần, 6 tháng một năm... Rất nhiều người cần thêm tiền để trang trải, nhưng đó không phải động cơ duy nhất.
Con người có xu hướng định vị bản thân mạnh mẽ gắn với công việc, nghề nghiệp, và sự nghiệp. Nhiều người muốn học hỏi, thử những điều mới, và luôn luôn có cảm giác là mình có ích. Với không ít người, nơi làm việc cũng là nơi giao tiếp xã hội quan trọng nhất, đôi khi là duy nhất.
Vì tất cả những lý do đó, ý tưởng nghỉ hưu như truyền thống - một sự kiện diễn ra một lần trong đời chia cắt vĩnh viễn thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi - không còn nhiều ý nghĩa.
Với người lao động, những chương trình linh hoạt mang tới cơ hội pha trộn công việc với những đeo đuổi khác. Với người sử dụng lao động, nó mang tới một đội ngũ lao động giàu kinh nghiệm, linh hoạt, và có thể có chi phí rất phải chăng.
Tóm lại, mọi góc nhìn, của người lao động, người sử dụng lao động, người hoạch định chính sách, giới chuyên gia..., không nên chỉ giới hạn trong những con số tuổi hưu cố định, vì hưu trí chắc chắn không còn là một khái niệm cố định nữa rồi.
Theo Liên Hiệp Quốc, số người trên 60 tuổi trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ giờ tới năm 2050, lên 2,1 tỉ người. Vào năm 1950, con số đó là 205 triệu người. "Khi tuổi 65 trở thành tuổi hưu chính thức ở Mỹ, người ta còn chưa sống lâu đến thế - Catherine Collinson, giám đốc điều hành Trung tâm Aegon và chủ tịch Viện Transamerica chuyên nghiên cứu về sức khỏe và hưu trí, phân tích - Giờ thì sống tới 100 cũng không phải chuyện hiếm.
Và một giai đoạn nghỉ hưu 30-40 năm rất khác với nghỉ hưu 10-20 năm. Điều đáng nói là ở mọi quốc gia, người làm chính sách, chủ lao động và mọi người dân đều đang phải đối mặt với những ngụ ý trọng đại của sự thay đổi này".
Ở Nhật Bản, một trong những nước có tuổi thọ trung bình và tỉ lệ người già cao nhất thế giới, Thủ tướng Shinzo Abe đã trình kế hoạch nâng tuổi hưu tối thiểu lên trên 65 và có phúc lợi riêng cho những người hoãn nhận lương hưu tới 70 tuổi.
Ở Brazil, tuổi hưu hiện cực thấp, 56 với nam và 53 với nữ, được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy nước này vào các cuộc khủng hoảng nợ quốc gia liên tục. Ở Đức, tuổi hưu đang là 65 tuổi 7 tháng, và sẽ dần tăng lên thành 67 vào năm 2029.
Ở Canada, có thể nhận đủ lương hưu ở tuổi 65 và nhận mức thấp hơn từ tuổi 60 và bảo hiểm xã hội mà chủ lao động phải đóng vừa được tăng từ 4,95% lên 5,95% lương của người lao động.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/