|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

The Economist: Cuộc chiến của Facebook tại Australia có thể sẽ lặp lại trên toàn cầu

08:14 | 21/02/2021
Chia sẻ
Việc gỡ bỏ các trang tin tức là động thái mới nhất của Facebook trong cuộc chiến kéo dài để xem ai là người sẽ trả tiền cho các hãng tin tức trực tuyến. Tờ The Economist đưa ra nhận định, cuộc đối đầu này có thể sẽ là tiền đề để diễn ra trên khắp thế giới trong những tháng tới.

Facebook vs Google - Một hướng đi, hai kết quả ở "xứ sở Chuột Túi"

Tin tức là một phần của cuộc sống. Mọi người thường cập nhật thông tin hàng ngày thông qua các trang báo, ứng dụng tin tức, nghe podcast... Tuy nhiên, theo tờ The Economist, Facebook là cách thức dễ tiếp cận nhất và cũng có số lượng người truy cập vào bài báo lớn nhất chỉ thông qua một liên kết trên mạng xã hội này.

Tuy vậy, hôm 18/2, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã chặn mọi bài báo của Australia xuất hiện trên Facebook ở phạm vi toàn thế giới.

Việc gỡ bỏ các trang tin tức là động thái mới nhất của Facebook trong cuộc chiến kéo dài để xem ai là người sẽ trả tiền cho các hãng tin tức trực tuyến. Thay vì trả tiền cho các công ty truyền thông dẫn link liên kết tới trang của họ theo đúng yêu cầu của dự luật Australia sắp tới, Facebook lại lựa chọn cách chặn tất cả liên kết như vậy trên nền tảng của mình.

Cuộc chiến của Facebook tại Australia sẽ tái diễn trên toàn thế giới? - Ảnh 2.

Trang truyền thông tin tức của Australia bị chặn bởi Facebook. (Ảnh: News.com.au).

Quyết định này được đưa ra vài giờ sau khi Google (cũng là mục tiêu bởi dự luật mới) ký bản thỏa thuận với công ty News Corp (Australia) của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch với mục đích tiếp tục dẫn liên kết tới bài viết của hãng.

Theo bài viết của hãng tin The Economist, vụ lùm xùm về lợi ích này đã khiến cho các ông lớn trong mảng truyền thông kiểu mới tới từ Thung lũng Silicon phải đối đầu với các kênh truyền hình và báo chí kiểu cũ, câu chuyện này được cho là "còn lâu mới kết thúc". 

Cuộc đối đầu của Facebook tại Australia có thể sẽ là tiền đề để diễn ra trên khắp thế giới trong những tháng tới, tờ The Economist nhận định.

Bộ quy tắc đàm phán với các hãng tin tức của chính quyền Australia đã phát triển trong vòng ba năm, nhưng câu chuyện này phải kể lại từ thời điểm 10 năm trước. Khi đó, các hãng tin tức truyền thống kiểm soát hơn 80% thị trường quảng cáo ở Australia.

Tuy nhiên, khi các phương tiện kỹ thuật số tiếp cận khán giả tốt hơn, thị phần quảng cáo của các hãng tin tức truyền thống cho tới nay đã giảm đi một nửa. Hưởng lợi nhiều nhất là Facebook, mạng xã hội vốn đang thống trị các quảng cáo hiển thị, và Google thống trị thị trường tìm kiếm thông tin.

Các công ty truyền thông cho rằng bằng cách hiển thị quảng cáo bên cạnh các đường link dẫn đến bài viết (đôi lúc kèm cả những tóm tắt ngắn gọn và hình ảnh), Google và Facebook đã kiếm tiền từ những nội dung mà chính họ không hề làm ra nhưng vẫn hưởng lợi từ chúng.

Trong khi đó, Facebook cho biết năm ngoái công ty đã đem đến 5,1 tỷ lượt nhấp chuột cho các nhà xuất bản tin tức ở Australia, kiếm về 317 triệu USD. Và nếu như các nhà xuất bản cảm thấy đây là một mối làm ăn không tương xứng vậy tại sao họ không đi đến quyết định đơn giản là ngừng xuất bản bài viết trên Facebook?

Theo giải pháp được đề xuất của chính phủ Australia, hiện tại trước Thượng viện, các nền tảng công nghệ sẽ thương lượng mức thanh toán cho các nhà xuất bản. Trong trường hợp hai bên không thể thống nhất, một trọng tài chính thức sẽ quyết định khoản thanh toán được đề xuất của ai là công bằng hơn.

Các quy tắc mới cũng sẽ đưa ra nhằm yêu cầu các công ty công nghệ thông báo trước cho các nhà xuất bản về bất kỳ thay đổi nào đối với thuật toán xếp hạng có thể ảnh hưởng đến họ.

Việc trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức không phải là không có tiền lệ. Tháng trước, Google đã đồng ý bồi thường cho một nhà xuất bản của Pháp do có để liên kết dẫn tới các bài viết của họ.

Cả Facebook và Google cũng vừa mới tung ra các sản phẩm tin tức "được quản lý", lần lượt là Facebook News và Google News Showcase, trong đó các khoản thanh toán là dành cho người tạo nội dung.

Cuộc chiến của Facebook tại Australia sẽ tái diễn trên toàn thế giới? - Ảnh 3.

Tính năng Facebook News hiện đang triển khai tại Mỹ và Anh. (Ảnh: The Verge).

Trước sự việc trên, trong khi Facebook lựa chọn đối đầu thì Google tỏ ra nhượng bộ. Theo thoả thuận kéo dài ba năm với News Corp, Google sẽ phải trả một khoản tiền (chưa xác định) để có thể sử dụng nội dung từ các tờ báo gồm Wall Street JournalNew York Post ở Mỹ cùng với The Times The Sun ở Anh trong sản phẩm Google News Showcase.

Trước đó ít ngày Google cũng có thoả thuận tương tự với Seven West Media Nine Entertainment.

Việc chặn các liên kết dẫn đến bài viết chứa tin tức sẽ khiến công cụ tìm kiếm của Google trở nên kém hữu ích hơn, là "miếng mồi ngon" cho các đối thủ như Bing, do Microsoft điều hành (đã cổ vũ cho kế hoạch của Australia), tận dụng để tăng lượng người dùng truy cập.

Còn đối với Facebook, tin tức chỉ chiếm chưa đến 4% nội dung hiển thị trên bảng tin của người dùng. Và mặc dù Australia là một trong những thị trường lớn nhất của Facebook ở nước ngoài, tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu toàn cầu chỉ là con số khiêm tốn.

Phản ứng dữ dội của công chúng Australia thách thức sự đối đầu của Facebook

Không chỉ chặn các đường link từ các hãng báo chí, Facebook còn vô tình xoá đi cả những đường link dẫn tới cơ quan y tế, dịch vụ cứu hoả và một dự án hỗ trợ trẻ em ung thư cùng nhiều tổ chức quan trọng khác.

Mặc dù những lỗi này nhanh chóng đã được sửa chữa nhưng sự việc này cũng dấy lên những lo ngại về sức ảnh hưởng quá lớn của Facebook. Truyền thông Australia, vốn nằm trong tầm kiểm soát của công ty News Corp, đã không ngần ngại đăng tiêu đề chế nhạo với nội dung: "Không ai thích mạng "phi xã hội" chặn hàng triệu người dùng".

Trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chỉ trích động thái "huỷ kết bạn với Australia" của Facebook là việc làm "chỉ dấy thêm những lo ngại của nhiều quốc gia liên quan tới hành vi của các BigTech - những tập đoàn công nghệ tự cho là lớn hơn cả chính phủ và không cần phải tuân theo luật lệ nào".

Người đứng đầu Liên minh Truyền thông Tin tức của Mỹ cũng đã đăng dòng tweet thể hiện sự mong đợi cho một sự thúc đẩy lớn ở Mỹ trong kỳ Quốc hội mới.

Liên minh châu Âu trước đây vốn đang bàn luận về một bộ luật hà khắc hơn để quản lý các công ty công nghệ thì hiện cũng đã tính tới động thái tương tự.

Đầu tháng 2, ông Robert Thomson, CEO của News Corp, tuyên bố rằng "trên thế giới không có cơ quan quản lý nghiêm túc nào lại không giám sát sự minh bạch của các thuật toán, sự nguyên vẹn của dữ liệu cá nhân, giá trị xã hội của báo chí chuyên nghiệp và sự rối loạn của thị trường quảng cáo kỹ thuật số".

Nếu sự việc tại Australia tái tiếp diễn ở các nơi khác, thế giới sẽ chứng kiến cuộc chiến còn khốc liệt hơn giữa hãng tin truyền thống và hiện đại. Và dù ai chiến thắng đi chăng nữa thì một điều chắc chắn rằng các công ty nhỏ sẽ là những đơn vị chịu thiệt hại nhiều nhất, The Economist phân tích.

Lí do là vì những doanh nghiệp này quá nhỏ bé trong phạm vi quy định mới do chính phủ Australia đưa ra, và có thể chứng kiến các đối thủ lớn hơn mình vẫn ngày càng hùng mạnh hơn nếu các công ty công nghệ đồng ý thỏa thuận trả tiền. Ngược lại, nếu các công ty công nghệ quyết định rời đi, các công ty nhỏ có thể đánh mất phương tiện phân phối quan trọng nhất của họ.

Tường Vy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.