|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đế chế truyền thông bí ẩn đứng sau cuộc chiến với Google và Facebook tại Australia

14:00 | 20/02/2021
Chia sẻ
Australia là nơi đặt đại bản doanh của một trong những ông trùm truyền thông lớn nhất thế giới, là pháp nhân sở hữu các tờ báo danh tiếng như Wall Street Journal hay New York Post.

Ngày nay, người ta có thể tiếp cận một bài báo thông qua ứng dụng di động, một số khác có thể ghe qua bản tin hoặc podcast. Tuy nhiên, chắc hẳn rất nhiều người có thói quen đọc báo thông qua các đường dẫn chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. 

Song điều này lại không xảy ra ở Australia - nơi mà ngày 18/2 vừa qua, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã chặn quyền chia sẻ tất cả các tin bài của người dùng. Hay nói cách khác, Facebook đã chăn mọi bài báo xuất bản tại Australia, được phép xuất hiện trên nền tảng của họ.

Đây là động thái mới nhất của Facebook trong cuộc chiến kéo dài xung quanh câu chuyện các nền tảng công nghệ như Facebook và Google phải trả tiền cho những tin tức trực tuyến. Song, thay vì trả tiền cho các hãng truyền thông tại Australia để hiển thị các đường dẫn liên kết theo luật định thì Facebook lại chọn cách chặn tất cả các liên kết như vậy.

Quyết định của Facebook được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Google, một công ty công nghệ khác cũng nằm trong vòng xoáy cuộc chiến, đã quyết định ngược lại khi tiến hành ký một thoả thuận với hãng truyền thông News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch để có thể tiếp tục được sử dụng tin tức xuất bản từ hãng này. Theo giới thạo tin, trong thương vụ này Google sẽ phải trả hàng trăm triệu đô la cho News Corp.

News Corp - đế chế truyền thông 100 năm tuổi

Trong những ngày vừa qua, nếu để ý, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được cái tên nổi bật nhất trong hàng trăm luồng tin tức về sự việc này đó là News Corp - một đế chế truyền thông sở hữu trong tay hàng chục tờ báo danh tiếng của vị tỷ phú Rupert Murdoch.

News Corp được thành lập từ năm 1980 với tư cách là công ty mẹ của News Limited - một hãng truyền thông ra đời năm 1923 tại Adelaide, miền nam Australia. Đến năm 1973, sau một vài thương vụ M&A với các công ty truyền thông của Mỹ, News Corp chuyển trụ sở tới thành phố New York, song vẫn giữ hoạt động tại quê nhà.

Đế chế truyền thông bí ẩn đứng sau cuộc chiến với Google và Facebook tại Australia - Ảnh 1.

Trụ sở News Corp tại New York, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Năm 1985, News Corp thông báo đã mua lại đài truyền hình Metromedia và các trung tâm phân phối tin tức Metromedia Producers. Để thực hiện thương vụ này, chủ sở hữu News Corp, ông Murdoch đã phải chuyển sang quốc tịch Mỹ, bởi pháp luật Mỹ yêu cầu chỉ có công dân Mỹ mới có thể sở hữu các đài truyền hình. Một năm sau đó, thoả thuận được hoàn tất, và công ty con Fox Broadcasting Company được thành lập.

Thế lực News Corp tiếp tục bành trướng khi vươn cánh tay sang bên kia bờ Đại Tây Dương, mua lại Harper and Row và hợp nhất với nhà xuất bản sách ở Vương quốc Anh là William Collins, Sons vào năm 1989 để thành lập HarperCollins.

Không dừng lại, News Corp mua tiếp Triangle Publications, đơn vị sở hữu các kênh xuất bản như TV Guide, Seventeen, The Atlantic, Playboy và Daily Racing Form vào năm 1988.

Năm 1993, lần đầu tiên News Corp tham gia vào ngành công nghiệp tin tức tại châu Á khi bỏ ra hơn 500 triệu USD để mua lại 63,6% cổ phần của dịch vụ truyền hình vệ tinh Star có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) và mua tiếp 36,4% số cổ phần còn lại vào tháng 7/1995.

Cũng trong cùng năm đó, News Corp ra mắt Foxtel - dịch vụ truyền hình trả tiền tại Australia, bằng việc hợp tác với Telstra và Publishing and Broadcasting Limited. Năm 1996, nhằm cạnh tranh với kênh đối thủ CNN của Time Warner, đế chế này đã thành lập Fox News Channel - một kênh tin tức hoạt động xuyên suốt 24h trong ngày.

Trong hai thập kỷ qua, News Corp không ngừng lớn mạnh, trở thành ông trùm truyền thông chi phối quyền xuất bản tại rất nhiều quốc gia. Đơn cử vào cuối năm 2003, tập đoàn đã mua lại 34% cổ phần của DirecTV Group (trước đây là Hughes Electronics ), công ty sở hữu hệ thống truyền hình vệ tinh lớn nhất của Mỹ, từ General Motors với giá 6 tỷ USD. DirecTV đã được bán cho Liberty Media vào năm 2008 để đổi lấy việc nắm giữ tại News International.

Vào tháng 2/2007, tại Hội nghị thượng đỉnh truyền thông McGraw-Hill, tỷ phú Murdoch thông báo rằng Fox Entertainment Group sẽ ra mắt một kênh tin tức kinh doanh mới, kênh này sẽ cạnh tranh trực tiếp với hãng tin đối thủ CNBC. Hai tháng sau, News Corp đã đạt được thỏa thuận mua lại Dow Jones & Company, chủ sở hữu của The Wall Street Journal với giá khoảng 5 tỷ USD.

Bên cạnh các công ty truyền hình, xuất bản báo chí, News Corp cũng đã thử sức đối với mạng xã hội khi bỏ ra 580 triệu USD để mua lại mạng xã hội Myspace vào tháng 7/2005. Chỉ trong vòng một năm sau khi về tay ông trùm truyền thông, Myspace đã tăng gấp 3 lần giá trị so với giá mua ban đầu.

Tuy nhiên, không như kỳ vọng của các nhà đầu tư, Myspace sớm hụt hơi trước đối thủ Facebook và buộc News Corp phải chính thức rao bán vào tháng 2/2011 với giá chỉ từ 50 - 100 triệu USD. Cuối tháng 6 cùng năm đó, Specific Media và ca sĩ nhạc pop Justin Timberlake đã mua lại mạng xã hội này với mức giá không tưởng… 35 triệu USD. Tỷ phú Murdoch đã gọi thương vụ mua lại Myspace là một "sai lầm lớn".

Đế chế truyền thông bí ẩn đứng sau cuộc chiến với Google và Facebook tại Australia - Ảnh 2.

Sau gần 100 năm thành lập và phát triển, đến nay News Corp đã trở thành tập đoàn truyền thông lớn thứ tư thế giới về doanh thu và là một đế chế truyền thông hùng mạnh, gần như thống trị các ngành công nghiệp như tin tức, truyền hình, phim ảnh và in ấn. Hiện tập đoàn này sở hữu 142 tờ báo, đơn vị xuất bản tại Australia, trong đó có các tờ báo nổi tiếng thế giới như Wall Street Journal và New York Post.

Do đó, dễ hiểu tại sao mặc dù có quy mô thị trường rất nhỏ, chỉ 25 triệu dân song Australia lại là nơi đầu tiên trên thế giới thực sự tuyên chiến với Google và Facebook. Nếu Google, Facebook lần lượt chịu đầu hàng tại Australia, điều này sẽ trở thành tiền lệ và lan rộng sang các quốc gia khác trên khắp thế giới.

Thiên Trường