|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc sống không có Google tại Australia

21:15 | 12/02/2021
Chia sẻ
Gã khổng lồ tìm kiếm Google đe doạ sẽ dừng dịch vụ tại thị trường Australia trước những tranh cãi với chính phủ nước này.

Hãy tưởng tượng một thế giới không có Google, công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới với hơn 5 tỷ lượt truy cập mỗi ngày. Đó là một thực tế đang phải đối mặt tại Australia, nơi gã khổng lồ công nghệ đang đe doạ sẽ dừng dịch vụ của mình trước những tranh cãi với chính phủ, tờ Bloomberg viết.

Google đang phản đối một đạo luật được đề xuất thông qua buộc họ và Facebook phải trả tiền cho các nhà xuất bản Australia về nội dung tin tức. Tối hậu thư của Google đối với các nhà lập pháp địa phương đó là phải thay đổi luật hoặc phải có một cách thức tiếp cận khác. Điều này đã tạo ra một mối đe doạ rất lớn tại đất nước của chuột túi, nơi 95% tìm kiếm trên internet được thông qua dịch vụ Google.

Nếu được thông qua, đạo luật này sẽ có sức ảnh hưởng vượt xa khỏi biên giới Australia, biến Google trở thành mục tiêu của các cơ quan giám sát trên toàn cầu. Nếu họ chấp nhận chịu thua tại Australia và bị buộc phải trả tiền cho các nội dung trên internet, điều này có thể sẽ trở thành tiền lệ cho các khu vực khác học theo như tại Canada hay Liên minh châu Âu.

Việc Google dừng các dịch vụ của mình tại Australia cũng được cho là sẽ mở ra cơ hội cho các đối thủ, bao gồm Bing của Microsoft và DuckDuckGo. Đây là những công ty đã thất bại trong việc đánh bật Google tại thị trường tìm kiếm trên internet. Những đối thủ cạnh tranh của Google sẽ có một sân chơi để phát triển và một chỗ đứng để tiến ra thị trường toàn cầu.

Sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm Patrick Smith là một ví dụ điển hình cho sự phụ thuộc vào Google. Chàng trai 24 tuổi đến từ Canberra, Australia cho biết đôi khi anh tìm kiếm 400 lượt mỗi ngày trên Google để phục vụ cho việc học tập, cập nhật tin tức và tra cứu công thức nấu ăn. Smith cho biết trình duyệt của anh ấy từ ngày hôm trước hiển thị 150 lượt tìm kiếm, trong khoảng thời gian chỉ 5 tiếng đồng hồ. "Viễn cảnh dịch vụ tìm kiếm của Google sẽ biến mất thật đáng sợ", Smith nói.

Thử tìm kiếm từ khoá "bãi biển tốt nhất tại Sydney" cho thấy sự khác biệt về hiệu suất giữa các đối thủ cạnh tranh của Google. Kết quả đầu tiên của DuckDuckGo là quảng cáo cho một khách sạn cách đó hơn 1.000 km ở Queensland. Trong khi đó các bài đánh giá bãi biển Sydney được liệt kê ở bên dưới liên kết quảng cáo thứ hai. Search Encrypt, công ty quảng cáo cho biết: "Có vẻ như không có một kết quả nào trả về phù hợp".

Đối với Bing, gợi ý ban đầu là một bưu điện có tên Bondi Beach. Chỉ có duy nhất Google trả về kết quả là một bãi biển thực sự.

Đạo luật đầu tiên trên thế giới

Đạo luật đầu tiên trên thế giới về việc các nhà khai thác internet phải trả tiền bản quyền nội dung cho các đơn vị xuất bản dự kiến sẽ được xem xét bắt đầu từ ngày 15/2, sau khi được một uỷ ban chủ chốt của Thượng viện Australia đề xuất thông qua trong tuần trước.

"Chính phủ hy vọng tất cả các bên sẽ tiếp tục làm việc một cách xây dựng để đạt được các thoả thuận thương mại", người phụ trách các vấn đề về tài chính Josh Frydenberg nói trong một tuyên bố hoan nghênh kiến nghị của Thượng viện.

Chính phủ Australia cho biết, ngành công nghiệp truyền thông địa phương, bao gồm News Corp Rupert Murdoch và Sydney Morning Herald, hai đơn vị xuất bản lớn đã bị chảy máu doanh thu quảng cáo bởi những gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Google. Và những nội dung được những công ty này khai thác lại phải được trả tiền bản quyền xứng đáng.

Google lập luận rằng họ đang thúc đẩy việc truy cập các trang web của những công ty này và việc buộc phải trả tiền để hiển thị các đoạn tin tức đã phá vỡ nguyên tắc về một môi trường internet mở. Về phía mình, Facebook nói rằng họ có thể sẽ ngăn chặn người dùng tại Australia chia sẻ tin tức trên nền tảng của mình nếu luật được ban hành, một bước đi chưa từng có.

Toàn bộ thị trường tại Australia thấp hơn rất nhiều so với định giá 1,4 nghìn tỷ USD của Alphabet (công ty mẹ của Google), vì vậy đáng ngạc nhiên khi một thị trường xa xôi và nhỏ bé lại đột nhiên trở nên quan trọng với gã khổng lồ. 

Song, những công ty công nghệ như Google muốn tránh việc Australia đặt ra tiền lệ toàn cầu đến mức Giám đốc điều hành Alphabet ông Sundar Pichai và người đồng cấp Mark Zuckerberg của Facebook đã phải điện đàm với Thủ tướng Scott Morrison hoặc các bộ trưởng của ông.

Nhận ra được cơ hội, Chủ tịch Microsoft Brad Smith và Giám đốc điều hành Satya Nadella cũng đã tìm đến các lãnh đạo của Australia. Smith hứa hẹn với Thủ tướng Morrison rằng Microsoft đảm bảo sẽ chi tiền để "Bing có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác". Tuần này, trong một bài đăng trên Blog, Smith cũng đã khuyến khích Chính phủ Mỹ có những động thái tương tự.

DuckDuckGo, một công cụ tìm kiếm không theo dõi người dùng cũng đang tìm kiếm cơ hội của riêng mình trong lùm xùm này. Họ cho biết nhu cầu ngày càng tăng về quyền riêng tư trực tuyến và người Australia không cần phải ngồi đợi chính phủ hành động để ngừng sử dụng Google.

Các giải pháp phi lợi nhuận khác cũng đã được tính đến. Một số đề xuất yêu cầu chính phủ xem xét xây dựng một công cụ tìm kiếm công cộng thay vì để Microsoft tham gia. "Chúng ta không nên tìm kiếm một gã khổng lồ nước ngoài khác để lấp đầy khoảng trống", Thượng nghị sĩ  Sarah Hanson-Young nói.

Trung Quốc không có Google

Chắc chắn rồi, Australia không phải là quốc gia đầu tiên nói không với Google trên thế giới. Từ lâu, tại Trung Quốc, các dịch vụ của Google đã bị dừng hoạt động và Baidu là công cụ tìm kiếm hàng đầu nước này.

Nhưng Australia sẽ nổi tiếng với tư cách là một quốc gia theo chế độ dân chủ phương Tây đầu tiên không có quyền truy cập vào các dịch vụ của Google. Và việc này có thể sẽ kéo lùi nhiều năm sự phát triển về khả năng tiếp cận thông tin của người dân Australia.

Với hai thập kỷ tích luỹ kho dữ liệu và xử lý ước tính khoảng 5,5 tỷ tìm kiếm mỗi ngày, Google được coi là một công cụ tìm kiếm vô song không có đối thủ trong việc cá nhân hoá kết quả tìm kiếm cho mỗi người dùng.

Ông Daniel Angus, Phó Giáo sư về truyền thông số tại Đại học Công nghệ Queensland cho biết: "Bing sẽ không thể cạnh tranh với Google về chất lượng tìm kiếm. Người Australia có thể sẽ phải học lại cách sử dụng công cụ tìm kiếm".

Có những dấu hiệu cho thấy lập trường cứng rắn của Google có thể đang dịu đi. Thủ tướng Morrison cho biết cuộc điện đàm của ông với Google là "mang tính xây dựng" và "sẽ mang lại cho họ sự khích lệ lớn lao để họ tham gia vào quá trình này".

Google từ chối bình luận về nội dung trao đổi, mặc dù trong một tuyên bố họ cho biết sẽ đề xuất bồi thường cho các nhà sản xuất nội dung thông qua một dịch vụ có tên News Showcase. Theo đó, Google sẽ trả tiền cho các nhà xuất bản khi nội dung tin tức của họ được hiển thị trong News Showcase.

Một số người Australia lớn tuổi có vẻ ít quan tâm hơn đối với Google. Gino Porro, 58 tuổi, chủ một quán bar và nhà hàng tại Sydney, đã sử dụng Google và chưa từng thử qua một công cụ tìm kiếm nào khác. Anh kỳ vọng sự trở lại của các đề xuất "truyền tai" về cửa hàng của anh thay vì những bài đánh giá trực tuyến nếu Google dừng hoạt động. "Nói cho cùng thì dịch vụ khách hàng mới là quan trọng nhất, không phải là Google."

Tuy nhiên, trở lại với anh chàng sinh viên ở Canberra, Smith tỏ ra không thoải mái về khả năng Google ngừng hoạt động tại Australia và việc các công cụ thay thế sẽ hoạt động tốt như thế nào. "Tôi thực lòng cảm thấy rằng cuộc sống của tôi sẽ trở nên khó khăn hơn đáng kể nếu không có Google", anh nói.

Thiên Trường