|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

The Body Shop phá sản: Nhân viên ra đường, chi nhánh vỡ nợ, sụp đổ dây chuyền có thể lan rộng

15:40 | 13/03/2024
Chia sẻ
Các chi nhánh của The Body Shop ở nước ngoài đang gặp khó khăn về tài chính vì thiếu hụt tiền mặt sau sự sụp đổ của công ty mẹ ở Anh vào tháng trước.

Trong nhiều thập kỷ, hương thơm nồng nàn đôi khi đến mức choáng ngợp của xà phòng cam quýt và bơ dừa từ The Body Shop đã lan tỏa khắp các khu mua sắm, trở thành một thứ quen thuộc trong văn hóa đại chúng.

Thương hiệu mỹ phẩm và đồ trang điểm có trụ sở tại Anh này có hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ trên 70 quốc gia, tính cả hơn 100 cửa hàng độc lập tại Canada.

Vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, cửa hàng gần như đạt được "vị trí độc tôn" trong tâm trí người tiêu dùng trẻ tuổi - những người tìm kiếm sản phẩm có thành phần tự nhiên và tin tưởng tuyệt đối vào dòng sản phẩm dầu tràm trà của hãng.

Tuy nhiên, đến đầu năm nay, chỉ vài tuần sau khi The Body Shop International được công ty đầu tư tư nhân Aurelius Investment mua lại, công ty mẹ ở Anh đã sụp đổ và được đưa vào diện giám sát.

Nhà sáng lập The Body Shop, Anita Roddick - một doanh nhân người Anh, nhà hoạt động nhân quyền và nhà vận động môi trường, chụp ảnh trước một cửa hàng vào ngày 10/4/1984. (Ảnh: Getty Images).

Trong một tuyên bố chung, The Body Shop và FRP - công ty tư vấn được Aurelius uỷ nhiệm giám sát, cho biết họ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của The Body Shop tại Anh trong khi xem xét tất cả các phương án cho tương lai.

Tuyên bố nói thêm rằng: "The Body Shop đã phải đối mặt với những thách thức tài chính kéo dài dưới thời chủ sở hữu trước, điều này xảy ra đúng với thời điểm môi trường kinh doanh của toàn bộ ngành bán lẻ trở nên khó khăn".

Hồi tháng 2, khi thực hiện nộp đơn bảo hộ phá sản tại Anh, công ty đã phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng, bán lại hầu hết hoạt động kinh doanh ở châu Âu và một số khu vực châu Á.

Theo CBS News, Giáo sư tài chính Kai Li tại trường Kinh doanh Sauder của UBC cho biết động thái này khá điển hình khi một công ty đầu tư tư nhân nắm quyền sở hữu và tìm kiếm lợi nhuận, đồng thời muốn cắt giảm lỗ trong thời gian rất ngắn.

Bà nói thêm rằng những tác động kinh tế của Brexit (sự kiện Vương quốc Anh rời EU) đang bắt đầu lan sang thị trường bán lẻ của đất nước này.

"Đây là một thị trường yếu, vì vậy họ đang cắt giảm thua lỗ. Thật không may, một thương hiệu được yêu thích rất nhiều giờ đây đang đứng trên bờ vực thẳm", bà Li bày tỏ.

Thỏa thuận mua lại The Body Shop được hoàn tất vào tháng 1 và hoạt động kinh doanh ở Anh được đưa vào diện giám sát chỉ sau 6 tuần.

Từ khoảng độ tháng 2 cho tới gần đây, truyền thông nước ngoài liên tục đưa tin về việc thương hiệu The Body Shop đồng loạt phá sản. Tuần qua, chi nhánh ở Mỹ của thương hiệu này đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 7, Luật Phá sản Mỹ.

Hoạt động kinh doanh của 50 cửa hàng ở Mỹ sẽ chấm dứt, ảnh hưởng tới khoảng 400 nhân sự bao gồm những nhân viên ở trung tâm phân phối vẫn đang quản lý lượng hàng trị giá hàng triệu đô la. Theo tờ The Guardian, tài sản của công ty sẽ được bán để thanh toán các khoản nợ.

Không chỉ Mỹ, thị trường Canada ghi nhận 33 trong số 105 cửa hàng đã đóng cửa, khiến hơn 200 nhân viên mất việc.

Tại Australia, nơi Body Shop điều hành gần 100 cửa hàng và chịu trách nhiệm cho hơn 20 cửa hàng khác ở New Zealand, tương lai của chuỗi đang bị nghi ngờ khi họ phải vật lộn để trang trải các khoản nợ lớn sau khi nguồn vốn bị cắt giảm.

The Body Shop tại Anh đang được đưa vào diện giám sát bởi một công ty kế toán theo uỷ nhiệm từ chủ sở hữu mới. (Ảnh: Getty Images).

Các nguồn tin cho biết doanh nghiệp chỉ có thể trang trải các chi phí hàng ngày từ dòng tiền kinh doanh song họ cần thêm tiền để trang trải các khoản nợ cho các nhà cung cấp như công ty logistics, kho bãi và các agency marketing.

Số tiền kiếm được từ chi nhánh nước ngoài trong giai đoạn mua sắm cuối năm ngoái, được đưa về tài khoản của công ty mẹ ở Anh, theo một phương thức gọi là “gom tiền mặt” (cash pooling). Tuy nhiên, hiện tại tiền trong tài khoản đang bị "đóng băng" do công ty mẹ ở Anh rơi vào diện bị giám sát bởi FRP Advisory. Điều này khiến chi nhánh không thể thanh toán các khoản nợ với các nhà cung cấp.

Các doanh nghiệp ở Bắc Mỹ và Australia hiện được coi là các chủ nợ của các chi nhánh và có thể phải đợi nhiều tháng để nhận khoản khoản thanh toán thông qua FRP.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của FRP cho biết: "Việc gom tiền mặt đã chấm dứt khi The Body Shop International đi vào diện quản lý. Các khoản tiền sau giai đoạn này vẫn thuộc quyền sở hữu của từng chi nhánh."

Kể từ khi hoạt động kinh doanh ở Anh sụp đổ, FRP đã tuyên bố đóng cửa hơn 80 trong số 198 cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm thiên nhiên của Body Shop tại Anh, hơn 300 việc làm đã bị cắt giảm từ trụ sở chính. Aurelius là chủ nợ hàng đầu của doanh nghiệp Anh và do kiểm soát quyền thương hiệu nên họ đứng đầu danh sách để mua lại The Body Shop. 

Các chi nhánh của Body Shop ở Đức, Đan Mạch, Ireland và Bỉ đều đã được đưa vào diện phá sản. Cửa hàng bên ngoài nước Đức đã đóng cửa, sau khi được Aurelius bán cho Alma24. 

Tương lai hoạt động của The Body Shop ở Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp và Áo vẫn chưa rõ ràng do tranh chấp quyền sở hữu.

Hồ sơ tại Canada tiết lộ rằng The Body Shop tại đây nợ 3,3 triệu đô la Canada tiền thuê nhà, dịch vụ hậu cần, nhà cung cấp, agency marketing, công ty bảo hiểm, tiện ích và nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa.

Công ty cho biết họ không còn quyền truy cập vào nền tảng thương mại điện tử của mình hoặc khả năng vận chuyển hàng hóa cho các đối tác như Amazon hoặc nhận hàng mới do khó khăn trong việc thanh toán cho các nhà cung cấp.

Thành Vũ