|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thế bế tắc trong nỗ lực cứu startup sản xuất thuốc kháng sinh ở nghị trường Mỹ

07:13 | 15/01/2020
Chia sẻ
Mặc dù lưỡng đảng ở Mỹ đều ủng hộ dự luật cứu những startup sản xuất thuốc kháng sinh mới, nó vẫn chưa thể trở thành luật vì nhiều vấn đề.

Một số doanh nghiệp có vai trò lớn trong ngành dược đã vận động để Quốc hội Mỹ coi thuốc kháng sinh là một loại hàng hóa toàn cầu, với những ưu đãi tài chính và sự can thiệp về luật. 

Chẳng hạn, họ muốn Quốc hội kéo dài thời hạn khai thác độc quyền thuốc kháng sinh mới để các hãng dược có thêm thời gian thu hồi vốn đầu tư. Họ cũng muốn chính phủ lập chương trình mua và tích trưc các thuốc kháng sinh quan trọng, giống như cách chính phủ liên bang từng tích trữ thuốc để phòng đại dịch hoặc những mối họa sinh học như bệnh than và bệnh đậu mùa.

Bế tắc ở nghị trường

DISARM, tên của một dự luật mà một nghị sĩ trình lên Quốc hội Mỹ năm ngoái, sẽ tạo cơ chế để chính phủ liên bang áp dụng những ưu đãi tài chính đối với những bệnh viện chấp nhận những thuốc kháng sinh mới và quan trọng. Mặc dù hai đảng đều ủng hộ, dự luật vẫn "giậm chân tại chỗ".

Thế bế tắc trong nỗ lực cứu startup sản xuất kháng sinh ở nghị trường Mỹ - Ảnh 1.

Suốt một thập kỉ qua, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm sinh dược cao cấp Mỹ (BARDA) đã đầu tư hàng tỉ USD vào những doanh nghiệp phát triển các thuốc kháng sinh mới và những liệu pháp có thể giải quyết tình trạng nhờn kháng sinh. Ảnh: Webmd

Một trong những người bảo trợ dự luật, Thượng nghị sĩ Bob Casey, nhận định một số nghị sĩ chần chừ thúc đẩy nó vì sự nhạy cảm chính trị của tình trạng giá thuốc đang tăng vọt. 

"Các nhà làm luật e ngại khi thảo luận về những dự luật liên quan tới việc cung cấp ưu đãi tài chính cho các doanh nghiệp dược", ông Casey phát biểu.

Washington không hoàn toàn chịu thúc thủ. Suốt một thập kỉ qua, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm sinh dược cao cấp Mỹ (BARDA) đã đầu tư hàng tỉ USD vào những doanh nghiệp phát triển các thuốc kháng sinh mới và những liệu pháp có thể giải quyết tình trạng nhờn kháng sinh.

"Nếu chúng ta không có những thuốc có khả năng chống các vi khuẩn, virus nhờn nhiều loại thuốc kháng sinh, chúng ta sẽ không thể bảo đảm an toàn cho người Mỹ", Rick A. Bright, giám đốc của BARDA, khẳng định.

Bản thân tiến sĩ Bright từng có trải nghiệm với tình trạng nhờn kháng sinh. Hai năm trước, ngón tay cái của ông nhiễm trùng bởi một vết thương khi ông làm vườn. Thuốc kháng sinh mà bác sĩ kê đơn cho ông đã không phát huy tác dụng. Khi ông tới bệnh viện, 6 loại thuốc kháng sinh khác cũng bất lực. Sau đó các bác sĩ phát hiện ông đã nhiễm vi khuẩn MRSA.

Vết nhiễm trùng lan rộng và các bác sĩ đã lên kế hoạch phẫu thuật để cắt ngón tay cái. Bác sĩ của Bright kê loại thuốc kháng sinh mới nhất, song cảnh báo ông rằng giá của nó rất cao và ông sẽ phải tự chi trả. Vị tiến sĩ đồng ý. 

Vài giờ sau, vết nhiễm trùng bắt đầu bớt đau. Tình hình cải thiện dần và các bác sĩ hủy lịch phẫu thuật.

"Nếu tôi có thuốc kháng sinh mới ngay từ ngày đầu tiên, tôi sẽ không bao giờ phải tới phòng cấp cứu", tiến sĩ Bright bình luận.

Sự chờ đợi khắc khoải của một startup sản xuất thuốc kháng sinh

Achaogen và 300 nhân sự của công ty đã cố duy trì hi vọng rằng chính phủ sẽ can thiệp để cứu họ, đặc biệt sau khi công ty nhận tới 124 triệu USD từ BARDA để nghiên cứu và sản xuất thuốc kháng sinh Zemdri (để trị viêm nhiễm đường tiết niệu).

Khoảng 2 năm trước, công ty có giá trị vốn hóa thị trường tới hơn 1 tỉ USD và Zemdri triển vọng đến nỗi FDA đưa nó vào danh sách những thuốc kháng sinh có thể tạo đột phá.

Thế bế tắc trong nỗ lực cứu startup sản xuất thuốc kháng sinh ở nghị trường Mỹ - Ảnh 2.

Thuốc kháng sinh Zemdri của công ty Achaogen. Ảnh: seekingalpha.com

Tiến sĩ Ryan Cirz, một trong những người sáng lập Achaogen và giữ chức phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu, nhớ lại quãng thời gian mà các nhà đầu tư mạo hiểm đua nhau rót tiền vào công ty, còn giới đầu tư tích cực gom cổ phiếu Achaogen. 

Hồi tháng 6, khi Achaogen tuyên bố phá sản, họ phải bán thiết bị thí nghiệm và quyền khai thác thuốc kháng sinh Zemdri với giá 16 triệu USD. May mắn thay, Cipla USA, công ty mua lại là Cipla USA sẽ tiếp tục sản xuất Zemdri. 

Sau đó, nhiều nhà khoa học của Achaogen tìm được công việc trong những ngành hấp dẫn hơn, chẳng hạn như ung thư.

Mất công ty, nhưng tiến sĩ Ryan Cirz lại trăn trở với nỗi lo lớn hơn. Nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả, nhiều liệu trình điều trị sẽ trở thành mối họa chết người trong tương lai.

"Chúng ta có thể giải quyết hiểm họa nhờn kháng sinh vì nó không quá phức tạp. Chúng ta có thể giải quyết ngay bây giờ, hoặc cứ ngồi chờ tới khi số người chết vì nó trở nên quá lớn. Đó sẽ là một thảm kịch", vị tiến sĩ bình luận.

Nhạc Phong