Thấy gì từ việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng một tháng liên tiếp?
Phát biểu tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề “Lực đỡ từ vốn ngoại” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 9/12, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BSC, cho biết tốc độ mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong vòng một tháng vừa qua là chưa từng thấy.
Trước đây cũng có những thời điểm nhà đầu tư mua ròng hai đến ba tháng liên tiếp, nhưng khối lượng mua ròng từng phiên chỉ vừa phải, còn hiện tượng mua ròng 10 phiên liên tiếp, hay mua ròng một tháng liên tiếp thì đây là lần đầu tiên, ông Long nói.
Phân tích về xu hướng này, ông Long cho biết, sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhà đầu tư nước ngoài đã tìm hiểu về TTCK Việt Nam. Nhìn chung, đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam khá khả quan.
Có một số lo lắng về thị trường trong nước liên quan đến trái phiếu, tín dụng, thanh khoản trên thị trường nhưng khi trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, góc nhìn của họ tương đối dài hạn.
“Họ nhìn về vĩ mô, tiềm năng, triển vọng của nền kinh tế trong 5 -10 năm để đưa ra quyết định đầu tư. Họ nhận ra đây là cơ hội để tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam, giá không chỉ rẻ trong hai - ba năm mà là 5 – 6 năm trở lại đây", ông Long nói.
VN-Index giảm xuống 871 điểm là một mức định giá thực sự rất thấp. Theo như thống kê, mức này thấp hơn hai lần độ lệch chuẩn (standard deviation) so với trung bình 5 năm của định giá chứng khoán Việt Nam. Điều này chỉ xảy ra rất ít lần trong quá khứ và những lần như vậy đều có cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư dài hạn.
Tất nhiên, khi đầu tư ai cũng muốn mua vào ở một mức giá tốt để đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn cho khoản đầu tư đó.
"Tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến tăng trưởng bởi họ cho rằng tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối tốt, chúng ta còn rất nhiều yếu tố tích cực quan trọng so với những thị trường khác", chuyên gia từ BSC cho hay.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+, đánh giá nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn luôn nhìn nhận thị trường ở hai khía cạnh: Giá trị thực hoặc triển vọng của nó đối với nền kinh tế. Việt Nam vẫn đang có đà tăng trưởng 7% và thậm chí là 8% trong những năm tiếp theo.
Ông nói: "Vừa rồi, VN-Index giảm rất sâu, làm tôi liên tưởng tới quả lắc (Pendulum). Con lắc lúc nào cũng đi qua một mức rồi quay trở lại, đi xuống quá sâu và về cũng hơi mạnh. Rất nhiều nhà đầu tư kiếm lời lúc thị trường khủng hoảng, trở nên khó khăn như thế này".
Khi VN-Index giảm xuống 871 điểm như vừa qua thì P/E đang ở mức kỷ lục thấp. Mức này còn sâu hơn so với kỳ điều chỉnh rất nặng vào năm 2011 vì thị trường hiện nay đã rộng hơn rất nhiều. Đây là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận thấy được tiềm năng tăng trưởng kinh tế, thấy được sự bền vững chính trị Việt Nam, ông Hoàng nhìn nhận.
Giai đoạn call margin đã qua?
Trước ý kiến cho rằng đây là thời điểm mà các quỹ nước ngoài đẩy lên để chốt NAV đẹp trước thời điểm cuối năm, ông Hoàng cho biết không thể loại trừ yếu tố này. Tại thị trường Mỹ, việc cố gắng chốt NAV đẹp này gọi là “window dressing”, tức là làm cửa sổ sáng đẹp hơn trước lễ dịp Noel.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể sẽ có những phân tích rộng lớn và sâu. Họ sẽ thấy đây là cơ hội rất hiếm có để đầu tư lâu dài.
"Với 871 điểm, thị trường rộng như vậy, ở giai đoạn mỗi phiên thanh khoản 20.000 tỷ đồng mà bây giờ chỉ còn 14.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội của nhiều thập kỷ chứ không phải nhiều năm. Tôi nghĩ nhà đầu tư Việt Nam nếu vẫn còn tiền thì cứ mua dần những doanh nghiệp mà mình thích, quan tâm”.
Đối với làn sóng call margin trên diện rộng, ông Quan Đức Hoàng nhận định, việc 19.000 tỷ đồng bị nhà đầu tư cá nhân bán ròng trong tháng 11 có thể liên hệ với việc hàng triệu tài khoản mở mới trong đợt dịch COVID-19.
"Hầu như những nhà đầu tư đó đang bị thiệt hại nhiều nhất khi họ bán ra, các doanh nghiệp thì giờ mới có dấu hiệu mua trở lại. Nhìn vào trường hợp HPX được mua lại với khối lượng rất lớn thì có khả năng đáy của margin đã qua", ông Hoàng cho biết.
Đồng quan điểm, ông Trần Thăng Long cũng nhận định giai đoạn call margin đã qua đi. Khi thị trường khó khăn sẽ luôn có vòng xoáy margin đến. Khi thị trường bình tĩnh trở lại, sức ép của call margin mới biến mất. Giai đoạn vừa qua, các chủ doanh nghiệp hay cổ đông lớn đã tự tay cơ cấu lại danh mục của mình để tránh bị call margin.