Thấy gì từ số lượng doanh nghiệp bị khai tử sau COVID-19?
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số này không phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế.
Số DN rút lui khỏi thị trường tăng cao nhất trong 5 năm
Không thể gắng gượng ngay cả khi du lịch trong nước hồi phục, cuối tháng 6 vừa qua, anh Tuấn Tài, chủ chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng mini Trường Tài tại Đà Nẵng đã chấp nhận giải pháp đóng cửa, trả lại mặt bằng.
Trước đó, trong thời gian cách ly do dịch Covid-19, anh Tài chấp nhận lỗ gần 1 tỷ đồng chi phí cho tiền thuê mặt bằng, nhân công, lãi vay ngân hàng…
Sau giãn cách, xác định lượng khách sẽ giảm mạnh, anh Tài giảm giá sâu các dịch vụ, hy vọng có thể lấp đầy 30% số phòng để duy trì sự tồn tại. Tuy nhiên, thực tế đến tháng 6, sau 2 tháng hoạt động trở lại, mục tiêu gắng gượng đã không thể đạt được.
“Chúng tôi không đủ lực chờ đợi sự đột phá từ thị trường trong nước. Hàng loạt khách sạn lớn đều giảm giá đến 70% để hút khách, những khách sạn nhỏ không còn “cửa” để cạnh tranh.
Trong khi đó với DN nhỏ thường kinh doanh ngắn hạn, nếu không tính được đường lợi nhuận trong 5 - 6 tháng thì chắc chắn phải đóng cửa”, anh Tài chia sẻ.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, có 56.227 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được cho là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2015 - 2020.
Số lượng các DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó đứng đầu là kinh doanh bất động sản (822 DN, tăng 99,5%); lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí (247 DN, tăng 73,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.836 DN, tăng 71,3%); Giáo dục và đào tạo (549 DN, tăng 62,9%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.731 DN, tăng 57,1%)...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, Covid-19 là giọt nước tràn ly đẩy các DN rút khỏi thị trường.
“Tác động của dịch Covid-19 kéo dài làm thị trường không thanh khoản và không giao dịch. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, những vướng mắc pháp lý trong thời gian qua tại Hà Nội và TP HCM khiến hàng loạt dự án bị đình trệ, không thể triển khai.
Trong khi đó, chính sách kích cầu chưa thỏa mãn được yêu cầu của ngành bất động sản một cách kịp thời nên cũng góp phần khiến DN bất động sản rút lui nhanh hơn”.
Theo ông Điệp, việc “thanh lọc” khỏi thị trường những DN vừa và nhỏ không đủ sức đề kháng để vượt qua thử thách sẽ dẫn tới tác động 2 chiều. “Hàng loạt DN nhỏ phá sản tuy giảm bớt sự nhốn nháo của thị trường nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thỏa mãn nhu cầu người dân.
Nếu thị trường chỉ có những DN lớn rất dễ sinh ra tính độc quyền hay nói cách khác là sự thao túng giá cả”, ông Điệp bày tỏ và dẫn chứng: “Hiện nay, giá nhà ở ngoại ô lên đến 40 - 45 triệu đồng/m2. Đây rõ ràng là điều bất thường, không chấp nhận được”.
Qua đây, ông Điệp cũng lưu ý, bất động sản thu hút tới 35% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế, do đó hơn lúc nào hết, Nhà nước cần phải có cơ chế tác động để giữ cho lĩnh vực này không bị gãy khúc, “chết” hay “đóng băng” đột ngột.
Thanh lọc DN yếu có làm môi trường kinh doanh lành mạnh hơn?
Nhận định về bức tranh hoạt động của DN nói chung, bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, ngành thương mại và dịch vụ chịu tác động nhiều nhất từ dịch bệnh nên những DN không đủ sức “gánh” trong cuộc chiến này sẽ tự bị đào thải.
“Đa số là DN nhỏ, sức rướn kém khi không có nguồn thu nhập sau dịch hay việc kinh doanh của những DN này chịu tác động trực tiếp từ hành vi tiêu dùng của khách hàng”, bà Hương nói.
Bên cạnh sự gia tăng số DN rút lui khỏi thị trường, số DN gia nhập vào thị trường của tháng 6 đang tăng lên 5,9% (khoảng 13.725 DN).
Điều này cho thấy, các DN đã phần nào vượt qua được những thử thách và tận dụng khoảng thời gian dịch bệnh được kiểm soát để tìm ra những cơ hội mới.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Tương tự, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, không riêng gì Việt Nam, số DN phá sản trên thế giới đều rất lớn.
“Chúng ta phải tìm giải pháp thích hợp, chịu đau để vượt lên chứ không thể nào trong tình hình mới mà duy trì cơ chế cũ để hoạt động. DN phải là bác sỹ tốt nhất để tự cứu chữa cho chính mình, chứ không phải ngồi thụ động chờ chính sách”, ông Doanh nói.
Vị chuyên gia cũng dự báo, tình hình DN còn khó khăn trong quý III và quý IV khi sức mua của người dân giảm sút rất nhiều; những DN xuất khẩu thì gặp khó khăn khi không ký được hợp đồng hoặc đã ký nhưng bị hủy.
“Để khắc phục, các DN nên liên kết lại với nhau, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để tìm kiếm thị trường, hướng đi tiếp theo, tránh thói quen đơn độc, tự mình mày mò. Bên cạnh đó, DN phải tái cơ cấu, thắt lưng buộc bụng tìm cách vượt qua thời kỳ khó khăn này”, ông Doanh khuyến cáo.
Theo ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện chỉ giảm bớt những tác động tiêu cực chứ chưa quyết định được DN “sống hay chết”. “DN lớn có tài chính tốt hơn nên kéo dài được thời gian chịu đựng.
Tuy nhiên, Việt Nam có đến 97% DN vừa và nhỏ, sức chịu đựng yếu, dễ tổn thương. Do đó, không sớm thì muộn, cuộc thanh lọc vẫn cứ xảy ra.
Không có Covid-19 thì số DN đóng mở cũng lên đến mấy chục nghìn/năm”, ông Anh nói và cho rằng, con số DN đóng-mở không phản ánh được thực trạng kinh tế bởi thị trường là tự do cạnh tranh, tự do sàng lọc. Vấn đề là môi trường kinh doanh sau đó có được cải thiện hay không?
“Nền tảng vĩ mô chưa đủ tin cậy, chính sách nhiều khi vẫn còn bất nhất, điều kiện kinh doanh vẫn có những cái vô lý khiến các DN không muốn đầu tư lớn và lâu dài. Để tránh rủi ro, các nhà đầu tư thường tạo ra các DN nhỏ để khi đóng, mở có thể tận dụng mảng kinh doanh ngắn hạn có lợi”, ông Anh lý giải.