Tháo nút thắt để gỡ 'thẻ vàng' IUU
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, EC đánh giá cao những việc Việt Nam đã làm được và đã có chuyển biến rất tích cực về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra những “nút thắt” mà Việt Nam phải tháo gỡ để sớm lấy lại “thẻ xanh”.
Do dịch COVID-19 nên lần thanh tra thứ 3 năm nay EC đã làm việc trực tuyến thay vì đến Việt Nam thanh tra trực tiếp. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, những việc Việt Nam đã thực thi được EC đánh giá rất cao như: Xây dựng hệ thống pháp luật, tàu cá Việt Nam không vi phạm các quốc đảo. Việt Nam cũng tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Tàu cá đã từng bước được quản lí; tổ chức truy suất nguồn gốc. EC đánh giá Việt Nam đã có chuyển biến rất tích cực trong việc khắc phục “thẻ vàng” những năm gần đây.
Tuy nhiên, qua thanh tra, EC đã chỉ ra những nút thắt mà Việt Nam phải gỡ bỏ. Đó là nếu còn tàu vi phạm thì rất khó gỡ “thẻ vàng” và việc quản lí tàu cá vẫn còn bất cập. “78% tàu cá lắp được thiết bị định vị, 70% tàu được sơn màu. Những việc này chúng ta còn chậm và cần tập trung triển khai”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Việt Nam đã có sự quản lí tàu cá. Tuy nhiên, 14 hành vi vi phạm về IUU chúng ta phải rà soát rất kĩ. Chẳng hạn, quy định việc khai thác ở vùng lộng, vùng ven bờ hay vùng khơi là tàu chỉ được khai thác ở vùng đó. Không như trước đây, tàu khai thác vùng khơi có thể vào vùng lộng hay ven bờ. Về vấn đề này, các tỉnh cũng chưa quán triệt được kĩ lưỡng nên việc quản lí đội tàu đánh bắt đúng khu vực đang còn bất cập.
Với truy suất nguồn gốc, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến không chỉ hiểu đơn giản là chỉ có xuất khẩu đi châu Âu. Sản lượng khai thác ở vùng biển, vị trí, thời gian thế nào... phải có nhật kí. Sản lượng đó xuất khẩu đi các thị trường bao nhiêu, còn lại bao nhiêu. Việc này Việt Nam đang làm rất tích cực nhưng cần phải cố gắng. Các địa phương cũng đã vào cuộc nhưng để làm thực sự chi tiết như yêu cầu của EC thì còn phải cố gắng.
Trong thực thi pháp luật, các ngành chức năng đã thực hiện việc rà soát, kiểm tra, thanh tra rất chặt chẽ. Số tiền phạt tương đối lớn nhưng những hành vi vi phạm IUU còn xảy ra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, có 4 “nút thắt” lớn để gỡ "thẻ vàng" đó là: tàu không vi phạm, quản lí đội tàu, truy suất nguồn gốc và thực thi pháp luật.
Thực tế việc quản lí tàu hay truy suất nguồn gốc tại nhiều địa phương vẫn còn khá bất cập. Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá rất nhiều địa phương chưa thực hiện đúng lộ trình đã quy định.
Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh Hải Phòng mới lắp đặt được 250 tàu cá, còn 170 chiếc chưa thực hiện. Tỉnh mới chỉ có 52,8% số tàu cá hoạt động khai thác thủy sản có Giấy phép khai thác thủy sản; 27,62% số tàu cá hoạt động tại vùng khơi có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương này còn chưa thực hiện đầy đủ việc thông báo tàu cá ra vào cảng theo quy định, nhưng Ban quản lí cảng cá vẫn cho tàu cập cảng và không xử lí vi phạm đối với những tàu không thực hiện.
Tuy đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra nhưng địa phương mới tập trung xử lí vi phạm hành chính về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các đơn vị chức năng còn chưa chú trọng kiểm tra, xử lí hành vi khai thác bất hợp pháp như: hoạt động không có Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không nộp nhật kí khai thác, không đánh dấu tàu cá, hoạt động sai vùng của tàu cá.
Hay tại Nam Định, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhận thức về thực trạng và việc chống khai thác IUU tại địa phương đã được nâng lên một bước, tuy nhiên kết quả cụ thể trên thực tế chưa đáp ứng yêu cầu.
Điển hình việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá chậm, đến tháng 6/2020, toàn tỉnh mới lắp đặt được 330 thiết bị. Thuyền trưởng, chủ tàu chưa thực hiện việc thông báo tàu cá ra, vào cảng, nộp nhật kí khai thác, báo cáo khai thác thủy sản theo quy định vẫn cho tàu cập cảng, rời cảng, bốc dỡ thủy sản, nhưng cơ quan có thẩm quyền không xử lí theo quy định.
Đặc biệt, các tàu cá không lắp thiết bị giám sát hành trình vẫn được ra, vào cảng cá mà chưa xử lí vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, việc viết số đăng kí tàu cá, đánh dấu tàu cá chưa đúng quy định, gây khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá và quản lí tàu cá hoạt động trên biển. Nam Định cũng là địa phương chưa cập nhật đầy đủ số liệu nghề cá vào cơ sở dữ liệu Vnfishbase, đặc biệt là số liệu tàu cá đã được đăng kí, cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Ngoài ra, việc tổ chức thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của tỉnh này chỉ đạt 14,3%; tàu cá không có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm vẫn đi khai thác thủy sản mà không bị xử lí vi phạm hành chính theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, việc kiểm tra, xử lí các hành vi khai thác IUU được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các văn bản xử lí vi phạm hành chính có liên quan chưa được Nam Định thực hiện.
Vì vậy, tình trạng các tàu có hành vi vi phạm như: không thông báo ra, vào cảng; không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, nộp nhật kí khai thác; không lắp thiết bị giám sát hành trình; không đánh dấu tàu cá; không viết số đăng kí; không cập cảng chỉ định cho tàu vùng khơi để bốc dỡ thủy sản… vẫn xảy ra mà không bị xử lí.
Bên cạnh sự quản lí còn lỏng lẻo ở một số địa phương, theo Tổng cục Thủy sản, tình hình tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn còn xảy ra 31 vụ/47 tàu bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ (giảm 29 vụ/59 tàu so với cùng kì năm 2019).
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, về quản lí đội tàu, so với các nước xung quanh việc lắp thiết bị giám sát hành trình Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn do có lượng tàu lớn với trên 30.000 tàu. Những tàu cá có chiều dài trên 24m đã lắp đạt đạt trên 90%; số còn lại ngành đang rà soát. Cùng với đó là việc đóng dấu tàu cá cũng đang được triển khai tích cực.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Luân cũng thừa nhận, vẫn có nhiều tỉnh sự quan tâm chỉ đạo chưa quyết liệt. Ông Trần Đình Luân mong muốn, các địa phương có sự quan tâm một cách đúng mức để sớm kiểm soát được đội tàu, hoạt động tại cảng cá, quá trình lưu thông hàng hóa nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản đảm bảo nguồn gốc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 81/CV-TW ngày 20/3/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Các địa phương cũng thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Công điện, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu cần tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ 1/1/2019 nên các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thậm chí là xử lí hành chính để làm sao Luật đi vào cuộc sống, thực thi tốt nhiệm vụ và gỡ “thẻ vàng” trong thời gian ngắn nhất.