|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thanh tra Chính phủ đề nghị điều tra sai phạm nhà máy xơ sợi Đình Vũ

08:24 | 25/11/2016
Chia sẻ
Thanh tra Chính phủ kết luận có dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án xơ sợi Đình Vũ và các dự án Ethanol.
thanh tra chinh phu de nghi cong an dieu tra du an xo soi dinh vu va ethanol
Nhà máy nhiên liệu Ethanol Phú Thọ. Ảnh: Dân trí

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng) và ba dự án nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước của chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm trong lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký kết các hợp đồng EPC dẫn đến hậu quả nghiêm trọng tại dự án xơ sợi Đình Vũ, ethanol Phú Thọ và Dung Quất.

Về xử lý tài chính, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý số tiền gần 55.000 tỷ đồng và 23.000 USD đối với dự án Xơ sợi Đình Vũ.

Các dự án Ethanol, Thanh tra yêu cầu các nhà thầu chị trách nhiệm đối với thiệt hại kinh tế gây ra đối với chủ đầu tư do vi phạm hợp đồng EPC.

Kết luận của Thanh tra cho biết, nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) thỏa thuận hợp tác với nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh, dự án đã để thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.

Theo cơ quan thanh tra, nguyên nhân thua lỗ do VTex, PVN, Vinatex, các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án.

Thanh tra cũng đưa ra kết luận về ba dự án do PVN đầu tư với công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít/năm, nguồn vốn do các cổ đông đóng góp 30%, vay tín dụng thương mại 70%. Cơ quan này xác định ba dự án vốn lên gần hơn 5.400 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là hơn 4.300 tỷ đồng.

Đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2014) dự án tại Quảng Ngãi và Bình Phước đã đầu tư xong, riêng dự án tại Phú Thọ được thực hiện đầu tư sớm nhất (tháng 9/2009) nhưng chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11/2011.

Dự án ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng, sau đó bị đội lên thành gần 2.500 tỉ đồng. Sau khi PVC dừng thi công chi phí phát sinh từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2014 là 392 tỉ đồng, dự án đã dừng thi công do nhà thầu không đủ năng lực.

Dự án Ethanol Dung Quất có tổng đầu tư được phê duyệt là gần 1.900 tỉ đồng nhưng đã bị đội vốn lên hơn 2.200 tỉ đồng, số tiền thực sử dụng hơn 2.100 tỉ tăng 631 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt (tăng 42%), làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay tăng dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

Thị trường tiêu thụ xăng E5 tại nước ta còn thấp, do đó việc tiêu thụ hạn chế, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí. Năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 164 tỉ đồng.

Dự án Ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, bị đội vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng. Tính đến tháng 3/2013, nhà máy chỉ hoạt động 5 đợt, sản xuất được 16 triệu lít ethanol với giá thành 21.500 đồng/lít, tăng 95% so với giá thành khi lập dự án đầu tư.

Giá thành sản phẩm cao, tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4/2013 đến nay nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỉ đồng cho các khoản khấu hao tài sản, lãi vay, bảo dưỡng máy móc thiết bị, chi phí bộ máy… Năm 2013 và 2014 lỗ khoảng 400 tỷ đồng.

Tính đến tháng 3/2013, nhà máy chỉ hoạt động 5 đợt, sản xuất được 16 triệu lít ethanol với giá thành 21.500 đồng/lít, tăng 95% so với giá thành khi lập dự án đầu tư. Giá quá cao khiến nhà máy hầu như đắp chiếu, nhưng vẫn lỗ mỗi năm khoảng 200 tỷ đồng khấu hao tài sản cố định, lãi vay và chi phí quản lý, bảo dưỡng máy móc, bảo hiểm, bảo vệ…

Thái Hoàng