Thành tích của chứng khoán Mỹ dưới thời ông Trump chỉ thuộc hạng xoàng
Tổng thống Trump luôn muốn 4 năm ông ở trong Nhà Trắng được đánh giá bằng thành tích của thị trường chứng khoán Mỹ. Ngay sau cuộc bầu cử 2016, ông Trump đã để tâm đến việc đăng tweet về phản ứng mạnh mẽ của thị trường khi ông đắc cử. Sau này, ông Trump cũng thường xuyên ca ngợi những kỷ lục nối tiếp nhau của chứng khoán Mỹ dưới sự chỉ huy của ông.
Theo Bloomberg, việc coi chứng khoán là thước đo thành công của nền kinh tế là một ý tưởng không mấy thông minh. Nhưng thể theo ý thích của ông Trump, dưới đây là thành tích của thị trường trong thời gian ông Trump tại nhiệm so với nhiệm kỳ đầu của ba người tiền nhiệm gần nhất: Barack Obama, George W. Bush (Bush con) và Bill Clinton.
Trong mọi trường hợp, tỷ suất sinh lợi của S&P 500 đều được chuẩn hóa về mốc 100 tính từ ngày nhậm chức:
Nhiệm kỳ của ông Trump thua kém cả ông Obama lẫn ông Clinton. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát 11 tháng trước thì chí ít ông Trump cũng theo kịp với ông Clinton. Cuộc phục hồi của thị trường từ tháng 3/2020 cũng rất ngoạn mục. Và tất nhiên thị trường Trump đã hoạt động tốt hơn nhiều so với phiên bản của ông Bush con.
Tuy nhiên, ngay cả việc đo lường lợi suất của thị trường tính từ ngày nhậm chức cũng không hẳn là công bằng. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến lợi suất chứng khoán là giá mua vào.
Điểm đầu vào càng thấp, cơ hội giá tăng càng cao. Ông Obama nhậm chức khi thị trường đang rơi dần xuống đáy sau cú sụp đổ khổng lồ. Ông Bush con vào Nhà Trắng đúng lúc bong bóng công nghệ bắt đầu đổ vỡ.
Nếu xét theo hệ số P/E dựa trên thu nhập 12 tháng gần nhất trong nhiệm kỳ đầu của 5 tổng thống gần đây, người đạt được mức tăng lớn nhất là ông George H. W. Bush (Bush cha). Ông thừa hưởng thị trường vẫn còn yếu ớt sau cú đổ vỡ Ngày Thứ Hai Đen tối (19/10/1987) và rời đi khi sự tự tin bắt đầu quay trở lại thị trường.
Ông Trump nổi lên với tư cách vị tổng thống duy nhất kế thừa thị trường chứng khoán đang bùng nổ và ra đi với định giá còn cao hơn trước. Chưa từng có tổng thống nào chứng kiến thị trường chứng khoán có nhiều sự lạc quan đến vậy trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (ông Clinton làm được trong nhiệm kỳ thứ 2).
Tuy nhiên, ông Trump không hẳn là đã đạt được thành công đặc biệt. Hệ số P/E dựa trên thu nhập 12 tháng gần nhất biến động theo cảm nhận của nhà đầu tư về chu kỳ kinh doanh.
Trong trường hợp ông Bush cha, chứng khoán được định giá trên giả định rằng chu kỳ kinh doanh đang lên đến đỉnh khi ông nhậm chức và gần chạm đáy khi rời đi. Do vậy, hệ số này có thể đã tăng lên rất cao mà không báo hiệu lòng tin thực sự cho tương lai được củng cố.
Tiếp theo, thử so sánh P/E điều chỉnh theo chu kỳ (CAPE). CAPE được tính bằng giá chứng khoán chia cho lợi nhuận bình quân 10 năm được điều chỉnh theo lạm phát.
Sử dụng dữ liệu của Giáo sư Robert Shiller ở Đại học Yale, dưới dây là chỉ số CAPE mở đầu và kết thúc trong nhiệm kỳ đầu tiên của 8 tổng thống gần nhất:
Trên cơ sở này, một số tổng thống đã tăng được định giá chứng khoán trong nhiệm kỳ thứ nhất nhiều hơn ông Trump. Nhưng không ai tiếp quản thị trường có định giá cao ngất như ông Trump hồi tháng 1/2017 và rời đi lúc thị trường còn đắt đỏ hơn.
Điều đáng ngạc nhiên là bất chấp bất lợi lớn như trên, chỉ số S&P 500 dưới thời ông Trump không thua kém quá nhiều so với ông Obama và ông Clilnton.
Nhưng tuy gặp bất lợi là thừa hưởng định giá chứng khoán cao, ông Trump lại được hưởng lợi nhờ lợi suất trái phiếu thấp. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ dưới thời ông Trump gần như luôn thấp hơn 4 người tiền nhiệm, chỉ trừ vài tuần cuối năm 2018.
Lợi suất trái phiếu thấp đến vậy đã giúp đẩy định giá cổ phiếu lên cao. Lợi suất trái phiếu thấp không phải điều đáng tự hào, vì nó cho thấy nhà đầu tư dự đoán nền kinh tế sẽ không tăng trưởng nhiều.
Trên thực tế, lợi suất trái phiếu cực thấp dưới thời ông Trump nên được cho là công lao của Cục dự trữ liên bang Fed, cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ.
Tất cả so sánh trên đều được đưa ra để xem xét nghiêm túc ý tưởng rằng thị trường chứng khoán mạnh mẽ là thành tích của tổng thống. Ông Trump coi sức mạnh của thị trường là lý do cử tri nên ủng hộ ông.
Trên thực tế, ông Trump chỉ có các đòn bẩy gián tiếp để tác động đến thị trường. Đôi khi chứng khoán tăng hoặc giảm vì những lý do ngoài khả năng kiểm soát của tổng thống. Ví dụ, đại dịch COVID-19 hẳn nhiên không phải do ông Trump khơi mào.
Bài học nào dành cho ông Biden? Điều quan trọng nhất là chống lại cám dỗ đánh giá bản thân bằng thị trường chứng khoán. Ông Biden thừa hưởng định giá chứng khoán đắt đỏ gần bằng thị trường "chào mừng" ông Bush con.
Thay vào đó, ông Biden nên nhắm đến mục tiêu ông có thể kiểm soát trong ngắn hạn là đảm bảo Mỹ tìm ra cách phân phối vắc xin COVID-19 đúng đắn.