Tháng cuối niên vụ giá cà phê phục hồi và bước 'chuyển mình' sang cà phê chế biến của DN Việt
Giá cà phê tháng 9 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi
Theo số liệu tổng hợp từ trang tintaynguyen.com, giá cá phê của tháng cuối cùng niên vụ 2018 - 2019 tăng 100 - 400 đồng/kg.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận mức tăng mạnh nhất lên 32.700 đồng/kg. Duy nhất tỉnh Gia Lai ghi nhận giá cà phê không đổi ở mức 32.200 đồng/kg.
Diễn biến giá cà phê tháng 9. Số liệu: tintaynguyen.com (ĐQ tổng hợp)
Theo Bloomberg, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng đi xuống do tồn kho giảm kèm theo giá thấp khiến nông dân không muốn bán.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 9 đạt 38.7000 tấn, trị giá hơn 67,9 triệu USD, giảm 35,1% về lượng và giảm 34,3% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 8.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 2 tỉ USD, giảm 12,6% về lượng và giảm 21,5% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Trong cùng giai đoạn, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt mức 1.711 USD/tấn, giảm 10,2% so với cùng kì năm 2018.
Người dân trồng cà phê và thương lái có thể đang nắm giữ khoảng 5% lượng cà phê trong niên vụ, tương đương 85.000 tấn tính đến giữa tháng 9, theo khảo sát được thực hiện bởi Bloomberg.
Trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg, ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc điều hành của công ty Simexco Đắk Lắk cho biết xuất khẩu cà phê có khả năng giảm trong tháng tới.
Nông dân găm hàng kể từ khi giá cà phê gần chạm đáy 9 năm. Tính trong năm nay, giá cà phê robusta giảm khoảng 14% do dư cung.
"Chúng tôi không dám bán ra quá nhiều tại thời điểm này do chưa thu gom đủ hàng. Một số thương nhân vẫn đang vật lộn để giao đủ cà phê cho hợp đồng tháng 10", ông Hùng cho biết.
Theo Reuters, hoạt động giao dịch cà phê vẫn khả trầm lắng trong tuần trước do các thương nhân chờ đợi tín hiệu mới khi niên vụ 2019 - 2020 sẽ bắt đầu vào tuần này.
Một thương nhân cà phê khu vực Tây Nguyên cho biết: "Vẫn chưa có hợp đồng nào được kí kết trong nhiều tuần qua".
Tổ chức cà phê Thế giới (ICO) dự báo sản lượng cà phê Việt Nam trong niên vụ 2018 - 2019 giảm 1,3% xuống 30 triệu bao do điều kiện thời tiết xấu, ảnh hướng đến năng xuất.
Tuy nhiên, mặc dù giảm nhưng sản lượng cà phê của niên vụ năm nay của Việt Nam ghi nhận mức lớn thứ hai từ trước đến nay sau khi chạm ngưỡng kỉ lục trong niên vụ 2017 - 2018.
Bloomberg trích ý kiến của một chuyên gia phân tích thị trường tại Tây Nguyên cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về sản lượng của niên vụ 2019 - 2020. Tuy nhiên, có thể sản lượng niên vụ tới sẽ cao hơn so với năm nay.
Một loạt dấu hiệu tích cực từ thị trường nước ngoài
Giá cà phê trong nước có dấu hiệu phục hồi còn nhờ hàng loạt yếu tố tích cực trên thị trường thế giới.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Chính phủ Brazil giảm dự báo sản lượng cà phê niên vụ năm nay xuống 49 triệu bao loại 60 kg/bao, giảm từ gần 51 triệu bao dự báo hồi tháng 5, do ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết không thuận lợi.
Theo cơ quan phụ trách thống kê nông nghiệp Brazil (Conad), sản lượng cà phê arabica đạt gần 34,5 triệu bao so với gần 37 triệu bao ước tính hồi tháng 5.
Sản lượng cà phê robusta, loại được các nhà sản xuất cà phê hòa tan sử dụng rộng rãi, tăng 0,6 triệu bao lên 14,5 triệu bao.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng theo yếu tố chu kì. Thời điểm cuối năm, nhu cầu sản xuất tăng nên sức mua của các nhà kinh doanh và rang xay cà phê quốc tế tăng.
Người trồng cà phê của Brazil hạn chế bán ra do đồng real giảm.
Quyết định giảm lãi suất 0,1% xuống mức thấp kỉ lục -0,5% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và việc áp dụng mức thuế quan mới chậm lại 15 ngày của Mỹ khi Trung Quốc thông báo sẽ tăng mua nông sản, đã góp phần làm dịu bớt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Các cuộc họp và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ủy ban Chính sách Tiền tệ Brazil (Cupom), các ngân hàng trung ương lớn lên thế giới với kì vọng là những chính sách tiền tệ mới sẽ tác động tích cực lên các thị trường hàng hóa nói chung.
Chuyển hướng sang cà phê chế biến và chất lượng cao
Trong bối cảnh giá cà phê thấp, ngành cà phê Việt Nam đang dần chuyển mình sang chế biến cà phê, tăng giá trị cho sản phẩm.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cà phê Việt Nam tại thị trường Trung Quốc ở mức thấp nhất, chỉ khoảng 1.611 USD/tấn. Trong khi đó, mặt hàng cà phê từ Italy đạt 12.400 USD/tấn, gấp gần 8 lần so với giá cà phê Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết nguyên nhân giá nhập khẩu cà phê bình quân từ Italya cao là do Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cà phê chế biến từ nước này (mã HS090121), trong khi nhập khẩu từ Việt Nam cà phê dạng thô và chưa qua chế biến.
Theo số liệu của ICO, lượng cà phê rang xay xuất khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu niên vụ 2018 - 2019 giảm gần 20% xuống 116.407 bao. Tuy nhiên, lượng cà phê hòa tan xuất khẩu tăng mạnh tới 48% lên hơn 1 triệu bao.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2018 - 2019 của Intimex cho biết cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty với 12 nhà máy chế biến.
Trong năm 2018, sản lượng xuất khẩu của tập đoàn tăng 35% so với năm 2017, chiếm 28,3% sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.
Năm nay, Intimex giảm dần xuất khẩu cà phê nhân và đẩy mạnh mặt hàng cà phê tan thông qua xây dựng nhà máy chế biến với công suất 20.000 tấn/năm, vốn đầu tư 100 triệu USD, chia làm hai giai đoạn và hoàn thành trong 5 năm 2019 - 2024.
Đồng thời, công ty cũng đang xem xét mua lại cổ phần của các công ty sản xuất cà phê, các vùng nguyên liệu cho sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê organic.
Công ty cũng đang xem xét mua lại cổ phần của các công ty sản xuất cà phê, các vùng nguyên liệu cho sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê organic.
Tương tự, trong báo cáo kết quả hoạt động năm 2018 và kế hoạch năm 2019, Công ty Cổ phần Cà Phê Thương Phú cho biết trước tình trạng người dân giảm đầu tư cho cây cà phê do giá thấp, dẫn đến ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu, trong năm nay công ty đầu tư và phát triển cà phê thành phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan và chuỗi cửa hàng cà phê.
Đồng thời Thương Phú cũng kết hợp với hộ dân để xây dựng chứng chỉ cà phê sạch, chất lượng cao tại Sơn La để bán được giá tốt hơn, thị trường đầu ra ổn định.
Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cũng cho biết năm nay tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê rang xay, hòa tan, cà phê 3 trong 1. Dự kiến năm 2019, lượng chế biến và tiêu thụ đạt 50 tấn, lợi nhuận đạt 1 tỉ đồng.
Tổng công ty cũng tiếp tục hoàn thiện thương hiệu "VINACAFE" để có cơ sở đầu tư nhà máy chế biến sâu công suát 3.200 tấn/năm.