|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng thống trị công nghệ thế giới phía sau thành công của TikTok

07:52 | 22/10/2019
Chia sẻ
Ứng dụng TikTok đang trở thành một đối thủ nặng kí với các mạng xã hội Mỹ và là "đầu tàu" gánh vác kì vọng thống trị công nghệ thế giới của Trung Quốc.

Rất hiếm công ty công nghệ khởi nghiệp có thể cất cánh nhanh như ByteDance - công ty có trụ sở tại Bắc Kinh và đơn vị đã tạo ra ứng dụng chia sẻ các video 15 giây mang tên TikTok.

Chỉ sau 2 năm, TikTok đã hoàn toàn nổi bật so với các công ty đối thủ như Netflix, YouTube, Snapchat hay thậm chí Facebook với hơn 1 tỉ lượt tải xuống ở 150 thị trường trên toàn thế giới và 75 ngôn ngữ. 

Trên ứng dụng này, các video tự chế giới thiệu tất cả mọi thứ, từ hài kịch đến hát nhép, từ mẹo chải lông chó đến cách trang điểm cho phụ nữ. Nguồn nội dung phong phú, hài hước, chuyển động nhanh đã thu hút người dùng trẻ trên toàn thế giới.

Do không vướng nhiều rào cản ngôn ngữ, TikTok đã vượt xa các ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc như Tencent, WeChat vốn chỉ được ưa chuộng trong cộng đồng người Hoa. 

Nhà sáng lập ByteDance Zhang Yiming đang chứng minh rằng người Trung Quốc có thể thành công ở phạm vi quốc tế thay vì giới hạn ở đại lục, nơi Internet bị phong tỏa bởi Đại Tường lửa (Great Firewall) và chính phủ giới hạn quyền truy cập một số mạng xã hội Mỹ như Facebook.

Chiến lược xây dựng phiên bản kép của Tik Tok - một cho thị trường bị kiểm duyệt của Trung Quốc và một phiên bản mở cho phần còn lại của thế giới - có thể là chiến lược mới cho các công ty nội dung số khác khi muốn nhắm đến phạm vi toàn cầu. 

Kế hoạch của họ cũng có thể là bài học cho các công ty Mỹ đang ấp ủ những dự án tương tự ở thị trường Trung Quốc nhưng gặp phải rào cản khắt khe từ chính phủ.

Sep19_13_474516133-1024x576

Do không vướng nhiều rào cản ngôn ngữ, TikTok đã vượt xa các ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc như Tencent, WeChat. Ảnh: Getty.

Với nguồn cảm hứng từ các nhà sáng lập thành công của Trung Quốc như Robin Li của Baidu, Jack Ma của Alibaba và Pony Ma của Tencent, Zhang đã thành công khi ByteDance được định giá 78 tỉ USD, trở thành một trong số 86 kì lân của Trung Quốc vào năm 2018. 

Những cổ đông nổi tiếng của ByteDance bao gồm Sequoia Capital China, tập đoàn công nghệ Nhật Bản Softbank Group, nhà đầu tư cổ phần tư nhân Mỹ KKR, công ty đầu tư Trung Quốc Hillhouse Capital và công ty đơn vị liên doanh SIG Châu Á. 

Là một công ty khởi nghiệp nổi bật thuộc sở hữu của người Trung Quốc, ByteDance có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ cũng như các tập đoàn nhà nước. 

Ngược lại, thị trường thế giới lại dành cho công ty này những lo ngại nhất định về bảo mật giống như tình cảnh tập đoàn viễn thông Huawei đang gặp phải khi dự kiến ra mắt mạng 5G trên phạm vi quốc tế.

Năm 2016, Zhang lần đầu ra mắt ứng dụng chia sẻ video Douyin cho thị trường Trung Quốc kèm theo một phiên bản tương đương ở nước ngoài được đặt tên là TikTok vào năm 2017. 

Cùng năm đó, ByteDance đã mua lại mạng xã hội video Music.ly với giá 900 triệu USD và kết hợp nền tảng có sẵn hơn 200 triệu người dùng với tính năng AI của TikTok để tạo ra một sản phẩm nắm bắt chính xác nhu cầu và thị hiếu của người dùng phương Tây.

Sau khi tích hợp mạng xã hội âm nhạc Music.ly vào TikTok và hợp nhất thành một ứng dụng duy nhất dưới tên TikTok vào tháng 8/2018, sản phẩm này đã ngay lập tức thu hút khoảng 30 triệu người dùng mới trong vòng 3 tháng. 

Nguồn thu chính của TikTok đến từ phí quảng cáo và bán hàng hóa ảo như biểu tượng cảm xúc và sticker cho người dùng. Giao diện dễ sử dụng, kết hợp tin tức và giải trí nhanh chóng cùng tính năng đề xuất nội dung hiệu quả của AI thay vì dựa trên thói quen xem trước đó của người dùng đã tạo ra thành công quyết định. 

Nguồn nội dung phong phú, đặc sắc đã trở nên phổ biến với cả những người dân nông thôn và người nghèo ở Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác. 

Ở Trung Quốc, các thành phố nhỏ và vùng nông thôn, nơi các mạng xã hội và nguồn thông tin của chính phủ chiếm ưu thế, các ứng dụng nội dung mới như ByteDance đặc biệt được ưa chuộng.

Zhang cũng xây dựng sản phẩm của mình theo định hướng đầy tham vọng của chính quyền Trung Quốc là xem AI như ưu tiên hàng đầu trong cuộc đua giành quyền thống trị công nghệ thế giới. 

Đối tác liên doanh Connie Chan tại Andreessen Horowitz ở San Francisco từng nhận định trên blog cá nhân rằng các ứng dụng hỗ trợ AI tại ByteDance đang dần trở nên vô cùng phổ biến ở phương Tây.

TikTok sử dụng thuật toán ứng dụng để xác định video nào sẽ hiển thị cho người dùng, hoàn toàn chủ động đưa ra nguồn cấp dữ liệu và tìm hiểu sở thích người xem. Điều này khác với Facebook, Netflix, Spotify và YouTube vốn chỉ sử dụng AI để đề xuất các bài đăng thay vì gửi trực tiếp đến người dùng.

vbox4068_5K9A0982_134159_small_v2

Nhà sáng lập ByteDance Zhang Yiming. Ảnh: PanDaily

Trong vài năm qua, ByteDance đã thâu tóm Flipagram - ứng dụng tạo video và hình ảnh cho các clip ca nhạc và đầu tư 50 triệu USD vào Live.me - ứng dụng phát sóng trực tiếp thuộc sở hữu của nhà phát triển ứng dụng di động Trung Quốc Cheetah Mobile. 

Ngoài ra, ByteDance đã mua lại dịch vụ tổng hợp tin tức di động toàn cầu News Republic có trụ sở tại Pháp với giá 86,6 triệu USD và đang cố gắng thâu tóm một số cổ phần lớn của công ty sở hữu mạng xã hội Mỹ Reddit nhưng đã thất bại trước Tencent.

Giờ đây, TikTok đã trở thành đối thủ toàn cầu ngang hàng với Facebook. Năm 2018, TikTok đứng thứ 4 trên toàn thế giới là ứng dụng xã hội được tải xuống nhiều nhất ở mức 663 triệu, chỉ sau Facebook (711 triệu lượt tải) và các ứng dụng liên quan như WhatsApp và Messenger, theo dữ liệu của SensTower. 

Khi thâm nhập vào thị trường Ấn Độ với một dân số trẻ vốn hiểu biết về thiết bị di động, số người dùng TikTok tăng vọt. Khoảng 1/4 số lượt tải xuống TikTok đến từ Ấn Độ, đạt 188 triệu lượt tải xuống trong quý đầu tiên năm 2019, vượt qua Facebook ở mức 176 triệu nhưng đứng sau WhatsApp (224 triệu) và Messenger (209 triệu).

Vào cuối năm 2018, Facebook đã ra mắt phiên bản video định dạng ngắn của riêng mình có tên là Lasso bị xem như một phiên bản nhái của TikTok. Nhắm tới nhóm đối tượng thanh thiếu niên, Lasso chỉ có thể được truy cập thông qua Facebook hoặc Instagram và đến nay, chỉ giới hạn quyền truy cập tại Mỹ. 

Lasso đạt khoảng 70.000 lượt tải về của người dùng Mỹ trong vòng 4 tháng kể từ khi ra mắt so với gần 40 triệu người dùng TikTok trong cùng khoảng thời gian, theo SensorTower.

Tuy nhiên, sự phát triển của TikTok cũng mang lại hàng loạt các vấn đề pháp lí. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã áp mức phạt 5,7 triệu USD cho TikTok với cáo buộc thu thập tên, địa chỉ email và thông tin cá nhân của người dùng trẻ em dưới 13 tuổi mà không được sự chấp thuận của phụ huynh. 

Ở Ấn Độ, các nhà lập pháp đã cấm người dùng tải xuống ứng dụng này trong một thời gian ngắn vào tháng 4/2019 vừa qua, viện dẫn sự xuống cấp văn hóa của giới trẻ. Lệnh cấm được dỡ bỏ vài tuần sau đó khi các luật sư của ByteDance cho biết hệ thống có tính năng sàng lọc những nội dung không phù hợp, nội dung 18+ và liên tục được nâng cấp để sàng lọc tốt hơn.

Bất chấp các thách thức pháp lí và các trở ngại khác, ByteDance đang xây dựng một đế chế ứng dụng cho một thế hệ mới và thách thức các biên giới vốn dành cho nội dung số truyền thống. 

Nếu ByteDance có thể tiếp tục hoàn thành sứ mệnh trở thành tập đoàn đa quốc gia với những công nghệ mang tính cách mạng hóa, công ty này có thể tạo nên xu hướng mới cho các công ty quốc tế khác cũng như khuyến khích các startup công nghệ ở những thị trường mới nổi. 

Cuối cùng, xu hướng này sẽ hình thành hàng loạt các dịch vụ số toàn diện hơn ở phạm vi toàn cầu dành cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Phương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.