|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tham vọng đằng sau chiếc smartphone ‘cha đẻ’ ứng dụng TikTok đang phát triển

16:11 | 31/07/2019
Chia sẻ
Phát triển smartphone là một quyết định dũng cảm của ByteDance, hứa hẹn những trái ngọt trong dài hạn.

ByteDance, startup giá trị nhất thế giới và là "cha đẻ" của ứng dụng gây sốt TikTok, đang nhăm nhe thâm nhập vào lĩnh vực phần cứng.

ByteDance theo đó xác nhận vào tuần này rằng hãng đang phát triển một chiếc smartphone, vài tháng sau khi thâu tóm nhiều bản quyền từ Smartisan, một startup thiết bị và phần mềm Trung Quốc.

Người phát ngôn của ByteDance tiết lộ chiếc smartphone mới là "một sự tiếp nối của các kế hoạch vốn đã được đàm phán" tại Smartisan trước cả khi thương vụ thâu tóm nói trên được thực hiện.

Rủi ro lớn hơn hứa hẹn mang lại

1

ByteDance được biết đến nhiều nhất trên thế giới với ứng dụng TikTok. (Ảnh: AP)

"Đây là một bước đi dũng cảm và tôi nghĩ rủi ro lớn hơn phần thưởng", Geoff Blader, một nhà phân tích tại CCS Insight, nói. 

"Tìm điểm khác biệt ở thị trường smartphone rất khó trong khi đó biên lợi nhuận lại cực kì mỏng. ByteDance có lẽ có một chiến lược rộng hơn nhưng phần cứng khó có thể nhanh chóng tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của họ".

Động thái nói trên của ByteDance cũng cho thấy đối với startup 75 tỉ USD này, TikTok chỉ là một ứng dụng trong hệ sinh thái.

Cũng trong năm nay, ByteDance đã ra mắt hai ứng dụng nhắn tin tại Trung Quốc là Duoshan (ứng dụng video thường được so sánh với Snapchat) và Flipchip (ứng dụng nhắn tin nhanh dựa trên sở thích).

Công tu có trụ sở tại Bắc Kinh này cũng duy trì Jinri Toutiao, một ứng dụng tổng hợp tin tức.

Theo Nikkei, hồ sơ đăng kí thương hiệu cũng cho biết ByteDance đang nhòm ngó mảng công nghệ tài chính ví dụ như thanh toàn và sau đó tích hợp vào nhiều nền tảng mạng xã hội của mình.

Một chiếc điện thoại thông minh có thể là công cụ giá trị để ByteDance chuyển hướng người dùng vào hệ sinh thái ứng dụng của mình. ByteDance cũng có thể thu về nhiều dữ liệu người dùng hơn và cung cấp hỗ trợ tốt hơn cho người dùng khi loại bỏ được bên thứ ba.

Mục tiêu xây dựng được một hệ sinh thái có cả phần mềm và phần cứng

2

Người sáng lập ByteDance Zhang Yiming. (Ảnh: Getty Images)

Khi ByteDance còn được biết đến với cái tên Jinri Toutiao, người sáng lập Zhang Yiming cho biết tầm nhìn của công ty không phải là lợi nhuận trong ngắn hạn mà là một hệ sinh thái.

Trong một bài phỏng vấn với tạp chí kinh doanh Trung Quốc Caijing vào năm 2016, Zhang ví dụ ByteDance như một sự kết hợp giữa Tencent Holdings và Huawei Technologies khi được hỏi về chiến lược ByteDance sẽ lựa chọn để đương đầu với các ông lớn.

"Chiến lược kinh doanh của Baidu là hướng tới lợi nhuận trong khoảng thời gian ba năm, thông qua quảng cáo", Zhang chia sẻ. "Trong khi đó, Tencent tập trung vào thâu tóm thời gian của người dùng".

Thời điểm đó, ByteDance mới chỉ đại định giá 11 tỉ USD và chưa thâu tóm Musical.ly, dịch vụ về sau trở thành TikTok. Ứng dụng video này, cùng phiên bản Trung Quốc Douyin, đã nhận được 1 tỉ lượt tải về trên toàn cầu trong năm nay. Trong năm 2018, lượt tải về TikTok cũng vượt qua Instagram.

Với việc tập trung vào mạng xã hội và sau đó là công nghệ tài chính, định hướng của ByteDance làm nhiều người nhớ đến Tencent.

Thế nhưng thị trường smartphone không "dễ ăn". Smartisan hiện chỉ nắm trong tay chưa đến 1% thị phần tại Trung Quốc.

Lĩnh vực thiết bị di động cũng chứng kiến rất nhiều sự thất bại của các ông lớn công nghệ mà Nokia (Microsoft mua lại với giá 7 tỉ USD vào năm 2013) và Amazon (cùng Fire Phone năm 2014) là một số ví dụ điển hình.

"Thị trường smartphone hiện đã bão hoà và không còn có tốc độ tăng trưởng nhiều như khi những chiếc smartphone đầu tiên ra mắt", Marta Pinto, một nhà nghiên cứu tại IDC, nhận định. 

ByteDance sẽ phải phát triển một thiết bị "cao cấp" cùng mức giá hấp dẫn để thuyết phục người dùng chuyển sang từ chiếc máy mình đang dùng.

Thái Sơn