|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thái Lan và bài toán khôi phục du lịch hậu COVID-19

16:00 | 01/08/2020
Chia sẻ
Thái Lan là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và du lịch là ngành đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này phải hứng chịu tác động ngay từ đầu năm 2020.

Sau khi có những ca lây nhiễm đầu tiên, Chính phủ Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa và ban đầu đã phát huy hiệu quả. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải vật lộn để đối phó với dịch bệnh và nhiều hạn chế về đi lại toàn cầu còn chưa được dỡ bỏ, Thái Lan đã bắt đầu tái khởi động khu vực du lịch - một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế - nhằm nỗ lực chống suy thoái, khởi đầu bằng khách du lịch nội địa.

Kích cầu nội địa để bù đắp cho khoảng trống khách ngoại

Báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới cho thấy khu vực du lịch chiếm 19,7% GPD của Thái Lan trong năm 2019. Trong số đó, 5,2% GPD được tạo ra từ du lịch nội địa. Khu vực này cũng là một nguồn tạo việc làm quan trọng, đóng góp 21,4% tổng số việc làm trong năm 2019.

Tuy nhiên, do những biện pháp phòng chống COVID-19, lưu lượng hành khách qua lại các sân bay trong khoảng thời gian từ tháng 1-5/2020 giảm 66%. Công ty cảng hàng không Thái Lan (AoT) dự báo phải đến tháng 10/2022, số lượng hành khách qua các sân bay mới có thể hồi phục về các mức của năm 2019.

Trong năm tháng đầu năm, tổng số các chuyến du lịch nội địa ở Thái Lan giảm 58,2%, chỉ đạt 40,2 triệu hành trình, với doanh thu giảm 57,9% xuống còn 191 tỷ baht (6,03 tỷ USD).

Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho thấy số lượng du khách quốc tế tới nước này giảm 60% trong năm tháng đầu năm xuống còn 6,69 triệu lượt, trong khi doanh thu từ khách nước ngoài giảm 59,6%, xuống 332 tỷ baht. Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển dự báo ngành du lịch Thái Lan sẽ mất khoảng 47 tỷ USD do tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Cùng với việc từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa và những nỗ lực hồi phục kinh tế hậu đại dịch, Nội các Thái Lan đã thông qua ba chiến dịch với mục tiêu khởi động sự hồi phục của khu vực du lịch từ tháng Bảy tới tháng Mười. Thái Lan mạnh tay chi 22,4 tỷ baht để thúc đẩy du lịch nội địa nhờ các chương trình trợ giá cho khách sạn và vé máy bay dành cho bốn triệu người cũng như những chuyến đi nghỉ miễn phí để tri ân 1,2 triệu nhân viên y tế trên toàn quốc. 

Ngoài ra, số ngày nghỉ bù của dịp Tết Songkran cũng được chia nhỏ để tạo ra hai kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài bốn ngày trong tháng Bảy nhằm vừa tạo điều kiện cho người dân đi nghỉ, vừa tránh tình trạng đông đúc gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, TAT còn phát động một chương trình kích thích mua sắm kéo dài trong hai tháng cho tới 15/9 nhằm hỗ trợ ít nhất 10.000 doanh nghiệp liên quan đến ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

TAT từng dự báo sẽ có 12 triệu người dân đi nước ngoài trong năm 2020 và hiện đang lên kế hoạch thuyết phục 6 triệu người trong số đó đi du lịch trong nước. 

Theo tính toán, nếu 75% của số tiền 400 tỷ baht mà người Thái Lan chi tiêu khi ra nước ngoài trong năm 2019 có thể chuyển hướng vào du lịch nội địa, và con số 600 tỷ baht doanh thu ước tính từ du khách nội địa trở thành hiện thực, tổng thu nhập từ lữ hành trong nước sẽ đạt 900 tỷ baht – gần với mức 1.280 tỷ baht tạo ra từ du lịch tại những thành phố lớn trong năm 2019.

Số liệu của Bộ Du lịch và Thể thao cho thấy lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan đạt mức kỷ lục 39,8 triệu lượt trong năm 2019. Tuy nhiên, triển vọng ảm đạm của ngành du lịch đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ phải mở rộng những biện pháp kích thích du lịch nội địa.

Biến thách thức thành cơ hội

Mặc dù Thái Lan được coi là một câu chuyện thành công trong kiềm chế COVID-19, ngành du lịch nước này vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước. Kinh tế Thái Lan được cho là đang trên đà rơi vào suy thoái sau khi ghi nhận mức giảm 1,8% trong quý I/2020, mức giảm sâu nhất kể từ quý IV/2011. 

Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cắt giảm triển vọng kinh tế của nước này xuống mức thấp kỷ lục là -8,1% trong năm 2020, giảm sâu hơn so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Ngân hàng Phát triển châu Á mới đây cũng dự báo kinh tế Thái Lan sẽ suy giảm 6,5% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất trong số các nước ASEAN.

Đối với ngành du lịch, tác động của dịch COVID-19 được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng nhất vào quý III/2020 sau khi nhiều doanh nghiệp đã tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách sa thải một số nhân viên. 

Sau khi hơn một triệu vị trí bị cắt giảm do khách du lịch nước ngoài vẫn chưa được phép nhập cảnh, Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) cảnh báo khoảng 1/3 doanh nghiệp du lịch sẽ không còn thanh khoản để duy trì kinh doanh trong nửa cuối năm 2020 và trong vòng ba tháng tới sẽ có 30% doanh nghiệp liên quan đến du lịch có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn.

Chuẩn bị cho sự hồi phục của ngành du lịch thời hậu COVID-19, TAT đã thành lập tám nhóm đặc nhiệm, được chia ra hoạt động trong những lĩnh vực: “bình thường mới”, xây dựng lại ngành du lịch, thị trường nội địa, thị trường khách xa, thị trường khách gần, truyền thông tiếp thị, và quản lý số và tổ chức. 

Một yếu tố quan trọng là sức khỏe và an toàn, điều mà các công ty du lịch cần chuẩn bị trước. Tổng cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn cho biết những hướng dẫn tiêu chuẩn an toàn du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà TAT đang làm việc với Bộ Y tế. Ngoài ra, TAT cũng có kế hoạch tập huấn lại kỹ năng của người lao động trong khu vực du lịch.

Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc nới lỏng những hạn chế nhập cảnh đối với khách nước ngoài, với ưu tiên dành cho những người đến từ những khu vực không còn dịch COVID-19. Đây được coi là một trong những bước đầu tiên để tái khởi động ngành du lịch, nhưng Chính phủ cũng thận trọng trong việc sàng lọc du khách và áp dụng một hệ thống truy vết hiệu quả nhằm giảm bớt rủi ro về làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Mặc dù dịch COVID-19 đã làm ngành hàng không ngưng trệ, nhà chức trách hàng không Thái Lan đang tận dụng cơ hội gián đoạn hiếm có này để phát triển các cơ sở sân bay nhằm chuẩn bị cho thế giới hậu đại dịch. Sân bay Don Mueang, một trong hai sân bay lớn ở vùng đô thị Bangkok, đang biến khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội bằng cách cải thiện nội thất của nhà ga quốc tế khi không có hành khách qua lại. 

Trong khi đó, Bộ Giao thông Thái Lan sẽ đề nghị ngân sách 250 triệu baht để cải thiện và nâng cấp các cơ sở tại sân bay Hua Hin ở tỉnh Prachuab Khiri Khan nhằm thu hút các hãng hàng không quốc tế khi dịch COVID-19 được kiềm chế. Hòn đảo nghỉ mát Phuket nổi tiếng trên biển Andaman, nơi đóng góp khoảng 400 tỷ baht vào doanh thu từ du lịch của Thái Lan mỗi năm, cũng đang vạch ra các chiến dịch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để khôi phục ngành công nghiệp không khói này.

Bộ Du lịch và Thể thao còn cho rằng đại dịch COVID-19 là cơ hội để Thái Lan tái khởi động đề án thu thuế du lịch đối với khách nước ngoài khi các chuyến bay đến và các hoạt động du lịch được nối lại. 

Đề án này là một phần của kế hoạch chiến lược quốc gia 20 năm của Thái Lan, trong đó yêu cầu các cơ quan Chính phủ phải có thu nhập định kỳ để duy trì và ổn định nền kinh tế quốc gia. Tiền thuế thu được sẽ được đưa vào quỹ du lịch do Bộ Du lịch và Thể thao quản lý với mục đích xây dựng lại và phát triển các chuỗi cung ứng trong nước, đồng thời mang lại an toàn và bảo vệ an ninh cho du khách.

Ngọc Quang