|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nếu Việt Nam không chuyển đổi số, Thái Lan và Singapore sẽ bỏ xa

16:04 | 16/07/2020
Chia sẻ
Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào khẳng định nếu Việt Nam không nắm bắt xu hướng, các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore sẽ làm và bỏ xa Việt Nam.

Tại diễn đàn Tech Summit do Forbes Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 16/7, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - ông Denis Brunetti - đã chia sẻ về tầm quan trọng và bức tranh cơ hội mà công nghệ 5G sẽ mang đến cho Việt Nam trong công cuộc chuyển đối số.

Nếu Việt Nam không chuyển đổi số, Thái Lan và Singapore sẽ bỏ xa - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, Denis Brunetti chia sẻ về công nghệ 5G và những cơ hội đi kèm đối với Việt Nam tại diễn đàn Tech Summit 2020 do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 16/7. (Ảnh: Forbes Vietnam).

5G không triệt tiêu việc làm mà còn "đẻ" thêm nhiều việc làm mới

Quan điểm của ông Denis Brunetti là cơn sốt 5G đang "nóng" hơn bao giờ hết. Khác với công nghệ di động số hạn chế của 3G hay 4G với tốc độ cao hơn thông qua băng thông rộng, "tất cả ngành nghề sẽ thay đổi" với công nghệ 5G.

Áp dụng các robot vào trong sản xuất, ứng dụng hệ thống kết nối vạn vật (IoT) tự động hóa các công việc đòi hỏi sự can thiệp của con người, các ngành sản xuất sẽ thay da đổi thịt.

Từ những công việc như thu hoạch nông sản đến yêu cầu chuyên môn, tính chính xác cao như y tế, đều sẽ được máy móc đảm nhận nhờ khả năng "xóa bỏ độ trễ trong truyền tải dữ liệu" của 5G.

"Dưới góc nhìn là một quốc gia, 5G sẽ đem lại năng suất cao hơn và hiệu quả tốt hơn", ông Brunetti nhận định. Ông nhấn mạnh quan điểm cho rằng áp dụng công nghệ 5G sẽ làm cho người lao động mất việc làm là không chính xác.

Lúc 4G mới xuất hiện, chúng ta không thể mường tượng những ứng dụng mà chúng ta phát triển từ công nghệ này. 

"Nhưng khi thiết lập được nó, thời đại đầu tư đến, thời đại doanh nghiệp đến, thời đại đổi mới sáng tạo đến, hàng loạt ngành nghề mới ra đời", Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nói.

Ông tin mọi người sẽ có cơ hội như nhau hiện thực hoá ý tưởng mới nhờ công nghệ để tạo ra nhiều việc làm hơn cho xã hội.

"Những ngành nghề mới nảy nở từ những ngành công nghiệp mới sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa, chứ không chỉ bù đắp cho những công ăn việc làm mất trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp", ông Denis Brunetti lí giải.

Nếu Việt Nam không chuyển đổi số, Thái Lan và Singapore sẽ bỏ xa - Ảnh 2.

Ông Denis khẳng định 5G không loại bỏ việc làm, mà còn "sinh sôi" nhiều công việc mới mẻ với năng suất cao hơn. (Ảnh: Forbes Vietnam).

Nếu Việt Nam không làm, các nước xung quanh sẽ nắm bắt cơ hội

Theo ông Denis, trong vài thập kỉ tới, 56% việc làm trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất hay tại hệ thống các cửa hàng, trung tâm bán lẻ ở ASEAN sẽ bị loại bỏ. Con số này ở Việt Nam là 7%. Ông cho rằng đợt chuyển đổi số không còn là một lựa chọn nữa, và dù muốn hay không thì điều đó vẫn sẽ xảy ra.

"Nếu Việt Nam không nắm bắt xu hướng, các nước láng giềng xung quanh Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore sẽ làm và bỏ xa Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam không còn cách nào khác ngoài phải chuyển đổi số hóa, và phải làm càng sớm càng tốt", Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nhận định.

Song, ông khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc lao động sẽ bị thay thế bằng công nghệ máy móc. Ông nhấn mạnh Việt Nam có đủ khả năng cũng như đang thực hiện rất tốt cuộc chuyển đổi số, nâng cao năng suất vào biến đổi thành một nền kinh tế mới.

Ông Denis tin tưởng vào tầm nhìn chiến lược trở thành một "con rồng" kinh tế, cũng như viễn cảnh trở thành một quốc gia có thu nhập cao, một nền kinh tế phát triển vào năm 2045 của Việt Nam.

"Chúng tôi, Ericsson, một cộng đồng kinh doanh quốc tế, tin vào tầm nhìn đó. Chúng tôi đồng tình và hoàn toàn ủng hộ với những ý tưởng này".

Chính phủ Việt Nam, chính quyền các thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, hiện tăng cường chú trọng vào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh. Và 5G chính là một nền tảng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có thể được sử dụng để tạo nên sự đổi mới sáng tạo rộng rãi.

Tổng giám đốc Ericsson nêu rõ quyết tâm hợp tác cùng các đơn vị viễn thông như VNPT, Viettel, Mobifone và Vietnam Mobile để hiện thực hóa tầm nhìn đó.

Nếu Việt Nam không chuyển đổi số, Thái Lan và Singapore sẽ bỏ xa - Ảnh 3.

Ngoài ông Denis Brunetti từ Ericsson, diễn đàn Tech Summit 2020 có sự tham gia của nhiều diễn giả hiện giữ các trọng trách quan trọng tại nhiều doanh nghiệp dẫn đầu công nghệ khác như FPT, PwC. (Ảnh: Forbes Vietnam).

Việt Nam có đủ tiềm năng trở thành "con rồng" kinh tế

Theo Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia kí kết nhiều hiệp định tự do thương mại nhất thế giới, điển hình nhất có EVFTA sẽ có hiệu lực vào đâu tháng 8. Hơn nữa, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã vươn lên top 3 khối ASEAN với dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam ổn định.

Ngoài ra, chủ trương đối phó nhanh chóng, dứt khoát với dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam đã đem lại kết quả tích cực, minh chứng cho sự đoàn kết đồng lòng của cả người dân và chính phủ trong thời gian thử thách.

Ông Denis Brunetti tin rằng Việt Nam đang sở hữu những yếu tố cần để phát triển khoa học công nghệ, sở hữu một nền kinh tế - chính trị ổn định. 

Tuy nhiên, song song với những cái tốt, ông nhận định chính phủ Việt Nam cần tập trung phát triển khoa học, giáo dục và đào tạo nghề, chuẩn bị tốt nhất cho lực lượng lao động tương lai. Theo đó, chúng sẽ là những hành trang cần thiết khi họ đối mặt với những yêu cầu mới từ các ngành nghề chưa từng có trước đây. 

Từ những yếu tố trên, ông Denis nêu ba lợi ích mà mỗi nền kinh tế, quốc gia sẽ thu được từ tham gia làn sóng phát triển 5G nói riêng và đổi mới sáng tạo nói chung.

Đó là lợi ích xã hội khi người dân kết nối với nhau nhiều hơn; lợi ích kinh tế lớn khi tăng trưởng kinh tế cao hơn, xây dựng nền kinh tế số; và lợi ích môi trường, không còn nhà máy nhả khói gây mô nhiễm nguồn đất, không khí.

"Cơn chuyển đổi số hóa sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng trong khi tối thiểu hóa tác động lên môi trường, điều mà chúng ta chưa từng có", ông Denis nhận xét, nhấn mạnh sự đánh đổi giữa môi trường và phát triển kinh tế trước đây.

Điêu Quân