Thách thức lớn đầu tiên của tân CEO Twitter: Đi tìm những gì tỷ phú Elon Musk mong muốn
Tân CEO Twitter và một trong những người dùng nổi tiếng nhất của mạng xã hội này sẽ có thêm lý do để tương tác cùng nhau, theo Forbes.
Elon Musk, nhà sáng lập Tesla và SpaceX, đã mua lại 9,2% cổ phần của Twitter, biến ông trở thành cổ đông lớn nhất công ty, theo hồ sơ mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Với hơn 80 triệu người theo dõi, tỷ phú Elon Musk là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trên Twitter, sánh ngang với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi ông bị khóa tài khoản.
Tuy nhiên, việc CEO Tesla trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty có thể sẽ gây ra những va chạm gữa ông và tân CEO Parag Agrawal, người thay thế cho cựu CEO Jack Dorsey.
Hiện tại, các nhà đầu tư của Twitter đang thích thú với sự xuất hiện của Elon Musk. Giá cổ phiếu Twitter đã tăng lên trong phiên giao dịch ngày 4/4, giúp tỷ phú Elon Musk và nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey “bỏ túi” gần 1 tỷ USD.
Ông Agrawal đảm nhận công việc điều hành tại Twitter bằng cách hứa sẽ thực hiện theo các mục tiêu đầy tham vọng về doanh thu và tăng trưởng người dùng do ông Dorsey đặt ra trong những năm cuối nhiệm kỳ. Công ty hy vọng sẽ đạt được 315 triệu người dùng và đạt doanh thu 7,5 tỷ USD vào cuối năm 2023, cao hơn đáng kể so với con số hiện tại. Agrawal nói rằng ông dự định thúc đẩy Twitter đưa ra quyết định nhanh hơn và tung ra nhiều sản phẩm hơn.
Rủi ro với tân CEO Twitter
Tháng 3/2020, Elliot Management, một trong những công ty đầu tư hoạt động nổi tiếng nhất nước Mỹ, đã mua cổ phần của Twitter và đưa ra một số yêu cầu, với hy vọng sẽ vực dậy công ty. Đặc biệt, một trong những yêu cầu được đưa ra đó chính là buộc ông Dorsey phải rời đi. Elliot không thích việc Dorsey có hai công việc cùng một lúc, vừa điều hành Twitter và vừa điều hành Block, công ty thanh toán trước đây có tên là Square.
Twitter đã nhanh chóng làm hòa với Elliot để tránh những cuộc chiến kéo dài giữa các công ty. Công ty đã đồng ý đặt ra các mục tiêu mới, lớn hơn cũng như thiết lập kế hoạch tìm người kế vị cho ông Dorsey. Thực tế, Twitter vẫn phát triển trong đại dịch và Dorsey có thể giữ vai trò của mình, nhưng cuối cùng ông đã chọn Agrawal làm người kế vị.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Agrawal và Twitter có áp dụng cách tiếp cận tương tự với Elon Musk hay không. Trước khi trở thành CEO, Agrawal từng là giám đốc công nghệ của công ty. Ông gia nhập Twitter từ năm 2011 với vai trò là một kỹ sư.
Khi Twitter thông báo Agrawal sẽ đảm nhận vai trò CEO, tỷ phú Elon Musk ngay lập tức đăng một meme lên tài khoản của mình, cho thấy một sự chào đón không mấy tích cực mà ông dành cho tân CEO Twitter.
Hình ảnh được chỉnh sửa cho thấy Agrawal trong vai nhà độc tài người Nga Joseph Stalin và Dorsey là một nhà lãnh đạo Liên Xô khác. Bằng cách ví Agrawal và Dorsey với những nhân vật nổi tiếng trước đây, Elon Musk dường như nhấn mạnh niềm tin của mình rằng công ty đang kiểm soát tự do ngôn luận.
Không rõ Elon Musk hy vọng chính xác điều gì hoặc mong đợi Twitter sẽ làm gì khác đi. Khi số cổ phần mà Elon Musk mua lại được tiết lộ, ông đã biến bản thân thành một nhà đầu tư thụ động, nhưng vẫn đủ để giúp ông có một ghế trong hội đồng quản trị, hoặc buộc Agrawal phải ưu tiên các sáng kiến thân thiện với mình. CEO Tesla cũng có thể tạo ra vai trò giống những gì Elliot từng làm.
Brian Fitzgerald, một nhà phân tích của Wells Fargo cho biết: “Với Elon Musk và tính cách của ông ấy, chúng tôi có thể mong đợi đây chỉ là bước khởi đầu và giá cổ phiếu Twitter sẽ tăng lên từ đây. Tôi đã nghe được những lời biện hộ vô căn cứ rằng Elon Musk đã hoàn thành mục tiêu của mình khi mua lại Twitter: Gây áp lực lên ban quản lý công ty”.
Tân CEO phải tìm ra những gì Elon Musk mong muốn
Tài khoản Twitter của Elon Musk tạo ra nhiều tranh cãi và vấn đề. Nổi bật nhất, Elon Musk và Tesla đã phải đồng ý với một số giới hạn xung quanh việc sử dụng Twitter vào năm 2018.
Hiện CEO Tesla đang tìm cách chấm dứt những hạn chết đó, mặc dù tính cách của ông không hề thay đổi. Ví dụ, vào tháng 11/2021, Elon Musk đã đăng một cuộc thăm dò lên Twitter để hỏi những người theo dõi về việc có nên bán 10% cổ phần Tesla hay không. Dòng tweet đặt ra câu hỏi về việc liệu Musk có tuân theo thỏa thuận của mình với SEC hay không và liệu cuộc thăm dò có thực sự là một chiêu trò PR hay không bởi thực tế ông đã lên kế hoạch bán cổ phiếu từ trước.
Twitter vẫn là một mục tiêu hấp dẫn. Văn hóa công ty từ lâu được coi là vượt trội so với thành công tài chính của họ, và Twitter đã phải vật lộn để mở rộng doanh thu cũng như giữ giá cổ phiếu ngang bằng với Facebook và Snap. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng Twitter sẽ khó đạt được các mục tiêu đề ra trước khi Jack Dorsey rời đi.
Hơn nữa, trái với những công ty khác, cấu trúc của Twitter khiến công ty dễ chịu áp lực từ bên ngoài. Cả Facebook và Snap đều có các lớp chia sẻ kép với quyền biểu quyết và quyền kiểm soát tối cao nằm trong tay các CEO, Mark Zuckerberg và Evan Spiegel.
Trong khi đó, Twitter không có kiểu bảo vệ đó. Công ty chỉ có cổ phần phổ thông, có nghĩa là, Agrawal sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm ra chính xác những gì Elon Musk mong muốn.