|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thách thức đối với ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc

07:15 | 14/07/2023
Chia sẻ
Ngành công nghiệp ô tô, lĩnh vực xuất khẩu chính của Hàn Quốc đang đứng trước mối nguy lớn.

Nhà máy lắp ráp ô tô Hyundai và Kia Motor tại Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap).

Trong bối cảnh các nước lớn có động thái xây dựng lại chuỗi cung ứng xe điện nội địa và khi sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất ngày càng gay gắt, một báo cáo phân tích của học giả đã chỉ ra rằng ngành công nghiệp ô tô, lĩnh vực xuất khẩu chính của Hàn Quốc đang đứng trước mối nguy lớn.

Báo cáo cho thấy mặc dù Hàn Quốc đang dẫn đầu trên thị trường xuất khẩu xe điện tại Mỹ nhưng điều này không thể khiến các nhà sản xuất trong nước yên tâm. Cùng với đó, Hàn Quốc cần có các biện pháp nhanh chóng để mở rộng bán hàng sang các thị trường mới nổi song song với việc cần có chính sách hỗ trợ và điện khí hóa phương tiện cơ giới thương mại.

Báo cáo có tiêu đề “Những thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu ô tô và thách thức trong tương lai” do ông Song Myeong-gu - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET) công bố. Báo cáo cho biết sự gia tăng gần đây trong xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc phần lớn là nhờ việc tăng doanh số bán các loại xe thân thiện với môi trường.

Tính đến năm 2017, trong tổng kim ngạch 38,8 tỷ USD xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc, ô tô động cơ đốt trong chiếm 35,2 tỷ USD, tương đương hơn 90%. Nếu tính chung cả xe lai (hybrid), xe chuyển đổi giữa hybrid và xe điện cộng lại thì kim ngạch xuất khẩu các loại xe này mới chỉ chiếm 9,3%.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó, tỷ trọng xe thân thiện với môi trường đã tăng đều đặn, chiếm tới 31,1% tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc trong năm 2022 và trong quý I năm nay tỷ lệ này đã tăng vọt lên 37,1%. Điều này có nghĩa là cứ gần 4 trong số 10 chiếc xe xuất khẩu của Hàn Quốc là thân thiện với môi trường.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm trong 5 năm qua, xe động cơ đốt trong hầu như không thay đổi chỉ ở mức 0,2%, trong khi xe thân thiện với môi trường đều tăng trưởng ở mức hai con số. Đặc biệt, nếu xét riêng kim ngạch xuất khẩu xe điện tăng hơn 80% mỗi năm.

Giới phân tích chỉ ra rằng kết quả trên có được là nhờ sự công nhận về khả năng cạnh tranh của xe điện Hàn Quốc tại Mỹ, thị trường nhập khẩu xe thân thiện môi trường lớn nhất của Hàn Quốc. Số liệu thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu ô tô thân thiện môi trường trong quý I/2023 của Hàn Quốc sang Mỹ đứng số 1 với 2,13 tỷ USD, tiếp theo là ô tô của Nhật Bản với 1,88 tỷ USD, Đức đạt 1,54 tỷ USD, Canada đạt 1,2 tỷ USD và Anh đạt 430 triệu USD.

Hàn Quốc từng xếp thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu ô tô thân thiện môi trường sang thị trường Mỹ vào năm 2020, sau đó vươn lên vị trí thứ hai năm 2021 và vượt lên dẫn đầu trong năm 2022 và tiếp tục duy trì thứ hạng này trong quý I/2023. Báo cáo phân tích dẫn kết quả khảo sát thị trường cho thấy sự hài lòng của người tiêu dùng Mỹ với ô tô Hàn Quốc đã tăng đáng kể so với năm 2019.

Tuy nhiên, phân tích cũng phản ánh rằng, mặc dù thương mại ô tô với Mỹ đang diễn ra suôn sẻ song điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ tiếp tục thuận lợi. Báo cáo đánh giá rằng chiến lược tổ chức lại chuỗi cung ứng của các nước lớn và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường xe điện là những nguy cơ đối với ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc. Những yếu tố trên có thể dẫn đến sự thay đổi trong hoạt động sản xuất xe điện, và điều này sẽ tác động đáng kể đến xuất khẩu xe điện của Hàn Quốc.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường ô tô thân thiện với môi trường toàn cầu, Hàn Quốc cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường quan hệ đối tác công tư với chính phủ các nước cũng như giới doanh nghiệp; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất ô tô thành phẩm và nhà sản xuất pin. Giới phân tích nhận định rằng Hàn Quốc nên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất nguyên liệu pin của Australia và Indonesia.

Để duy trì khả năng cạnh tranh về trung hạn và dài hạn, Hàn Quốc cần triển khai chính sách điện khí hóa trong lĩnh vực xe thương mại. Để tăng tính cạnh tranh của xe điện, đặc biệt là xe thương mại, vốn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số ô tô lưu thông nhưng lại có lượng khí thải lớn, việc chuyển đổi sang điện khí hóa được coi là biện pháp cấp thiết nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon.

Hàn Quốc cũng cần kêu gọi sự hợp lực đầu tư của khu vực tư nhân trong thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm để đảm bảo khả năng cạnh tranh bền vững của một trong lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.

Khánh Vân