|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thách thức chờ đợi Hy Lạp trong thời kỳ hậu cứu trợ [Phần 2]

07:50 | 30/08/2018
Chia sẻ
Những khoản cho vay khó đòi là "một trong những di sản lâu dài của cuộc khủng hoảng", và chúng đang đe dọa làm chệch hướng bất kỳ triển vọng tăng trưởng nào của nền kinh tế Hy Lạp.
thach thuc cho doi hy lap trong thoi ky hau cuu tro phan 2 Thách thức chờ đợi Hy Lạp trong thời kỳ hậu cứu trợ [Phần 1]
thach thuc cho doi hy lap trong thoi ky hau cuu tro phan 2
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Ảnh: THX/TTXVN

Các chuyên gia, chẳng hạn như Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu Panhellenic Christina Sakellaridis đã tỏ ra hoài nghi về xuất khẩu xăng dầu: "Xăng dầu là một mặt hàng, và giá cả của nó hay biến động. Chúng tôi không thể gây ảnh hưởng đến giá cả của chúng... Nếu giá dầu tăng đáng kể, thì khi đó chi phí sản xuất trong nước ở Hy Lạp - và trong chừng mực nào đó là khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Hy Lạp trên thị trường quốc tế - sẽ bị ảnh hưởng".

Do đó, Hy Lạp sẽ được khuyến khích để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu của mình. "Gần đây, hàng xuất khẩu dựa vào công nghệ mới đang gia tăng, cũng như các sản phẩm được kết hợp bí quyết kỹ thuật cao và đổi mới, và đây là một điều rất đáng khích lệ đối với chúng ta", Sakellaridis nói.

Konstantinos Bitsios, Phó Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp Hy Lạp, cho rằng Hy Lạp thực sự là một nhà sản xuất hàng hóa công nghiệp quan trọng. Nước này là một trong những quốc gia có số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhiều nhất trong EU. Tuy nhiên, tình trạng thiếu khá nhiều những công ty lớn hơn đang gây cản trở khiến Hy Lạp không thể "cạnh tranh hiệu quả trên các thị trường quốc tế".

Điều này dẫn đến cảnh báo thứ ba: Các doanh nghiệp SME thường không thể tham gia vào hoạt động xuất khẩu một cách dễ dàng như các công ty lớn. Ông Bitsios nhấn mạnh: "Năng suất của các công ty ở quy mô rất nhỏ chỉ đứng ở mức khoảng 50% so với mức trung bình của EU, trong khi mức độ tham gia vào các chuỗi giá trị quốc tế cũng thấp".

Trước hết, tình hình tài chính Hy Lạp hiện đang khó khăn. Trong cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp hầu như không có bất kỳ sự tiếp cận tài chính nào. Đồng thời, các ngân hàng đã cung cấp nhiều khoản cho vay mà không hề có khả năng thu hồi.

Số lượng các khoản cho vay khó đòi đã tăng gấp mười lần, từ 11 tỷ euro trong năm 2008 lên 110 tỷ euro vào lúc đỉnh điểm. Hiện nay, con số này đứng ở mức 94 tỷ euro. Bởi vậy, các ngân hàng hiện vẫn không thể cho vay nhiều và các công ty Hy Lạp, đặc biệt là các SME, đang phải vật lộn để mở rộng sản xuất và tìm kiếm nguồn tài trợ nhằm gia tăng hơn nữa hoạt động xuất khẩu.

Ông Bitsios gọi những khoản cho vay khó đòi là "một trong những di sản lâu dài của cuộc khủng hoảng", đồng thời cảnh báo chúng "đang đe dọa làm chệch hướng bất kỳ triển vọng tăng trưởng nào". Điều không hề ngạc nhiên là, mặc dù xuất khẩu của Hy Lạp đang gia tăng, nhưng nó vẫn còn tương đối thấp nếu tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP khi so sánh với các quốc gia EU khác.

Hy Lạp gần như ở mức dưới cùng của thang điểm, chỉ trên Anh và Cộng hòa Cyprus, hai nước đều có định hướng chiến lược thiên về xuất khẩu dịch vụ hơn là hàng hóa.

Hy Lạp lâu nay luôn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, buộc nhà nước phải liên tục vay vốn từ các thị trường tài chính để bù đắp cho cán cân thương mại âm của họ. Các ngành dịch vụ như du lịch và vận tải, trong một chừng mực nào đó, đã làm giảm bớt tình trạng thâm hụt lớn trong thương mại hàng hóa. Thâm hụt thương mại hiện đang được thu hẹp, chủ yếu là nhờ nhu cầu trong nước đối với hàng nhập khẩu giảm, và một phần cũng là vì kim ngạch xuất khẩu đang liên tục tăng.

Xét tổng thể, mặc dù Hy Lạp có khả năng trở thành nước xuất khẩu vững chắc, nhưng những yếu kém về cấu trúc - khả năng chi phí lao động gia tăng, hàng xuất khẩu chưa được đa dạng hóa, tình trạng thiếu các doanh nghiệp lớn đi kèm với việc thiếu các lựa chọn tài chính phù hợp, và sự thiếu vắng một chiến lược xuất khẩu quốc gia – có thể khiến mục tiêu đẩy mạnh đà phục hồi của Hy Lạp trở nên khá mong manh./.

Xem thêm

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.