|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thách thức bảo vệ thị phần của Vinamilk

11:11 | 13/06/2023
Chia sẻ
Năm 2023, tiếp tục là năm thách thức đối với Vinamilk khi mảng nội địa suy giảm. Nỗ lực gia tăng tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu sẽ không đủ bù đắp cho thị trường trong nước.

Biên lợi nhuận chịu áp lực từ hàng tồn kho chi phí cao

Theo SSI Research, tỷ suất lợi nhuận gộp quý I của Vinamilk ở mức 38,8%, thấp nhất kể từ năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận của công ty gặp nhiều thách thức đến từ việc tồn kho sữa nguyên liệu nhập khẩu với chi phí cao và áp lực lạm phát đối với sữa nguyên liệu, bao bì, nguyên liệu nhập khẩu.

Năm ngoái, công ty đã tích lũy lượng lớn nguyên liệu đầu vào ở mức giá gần đỉnh, trong khi doanh thu yếu hơn dự kiến trong các quý gần đây khiến công ty phải sử dụng hàng tồn kho chi phí cao kéo dài. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng giá sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm sẽ có tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận gộp từ khoảng quý II và quý III. 

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), biên lợi nhuận gộp cả năm 2023 của công ty sẽ tích cực hơn cùng kỳ nhờ vào hàng tồn kho giá thấp nhập ở quý I sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh của hai quý tiếp theo và giá bán bình quân đã tăng từ cuối năm ngoái. 

(Nguồn: SSI Research).

Tình hình hàng tồn kho của Vinamilk qua các quý. (Nguồn: VCBS).

Thách thức bảo vệ thị phần

Bên cạnh đó, doanh thu thuần hợp nhất quý I đi ngang so với cùng kỳ đạt 13.918 tỷ đồng. Trong đó, thị trường xuất khẩu (chiếm 9% tổng doanh thu) lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ sau 4 quý liên tiếp sụt giảm.

Tuy nhiên, thị trường trong nước (chiếm 83% tổng doanh thu) doanh thu giảm 1,4% còn khoảng 11.500 tỷ đồng. Dù doanh thu nội địa còn yếu, song đã có dấu hiệu cải thiện ở kênh khách hàng đặc biệt và hệ thống của hàng Giấc Mơ Sữa Việt. Công ty đã mở 6 cửa hàng mới trong quý đầu năm, đồng thời mở rộng kênh Horeca và trường học.

Ban lãnh đạo cho biết giá bán đã tăng trung bình 2-3% so với cùng kỳ, như vậy, sản lượng tiêu thụ nội địa của quý I giảm khoảng 4%. SSI Research nhận định điều này cho thấy Vinamilk sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc bảo vệ thị phần trong nước bởi theo Nielsen, lượng tiêu thụ nội địa của toàn ngành tăng 3%. 

Còn VCBS đánh giá sự cạnh tranh ngành sữa ngày càng tăng và Vinamilk đang dần mất thị phần trong năm qua. Việc phải đổi mới và cải thiện cũng như mở rộng phạm vi phân phối và nhận diện thương hiệu sẽ tăng chi phí marketing và quảng cáo. 

Quý I, công ty có chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) là 23,9% cao hơn mức 21,7% ở cùng kỳ. Song, điều này phụ hợp với bối cảnh công ty phải chi nhiều hơn cho việc trưng bày sản phẩm, khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng và nhân viên để duy trì thị phần và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. 

VCBS nhận định trong ngắn hạn, Vinamilk thể hiện phục hồi yếu và bị mất thị phần so với ngành trong khi biên lợi nhuận biến động phụ thuộc nhiều vào giá sữa bột, nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2023, tiếp tục là năm thách thức đối với công ty khi mảng nội địa suy giảm. Nỗ lực gia tăng tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu sẽ không đủ bù đắp cho thị trường trong nước.

Các mảng đầu tư mới sẽ tạo động lực tăng trưởng từ năm 2025

Trong khi đó về trung hạn, SSI Research nhận định, Vinamilk đang hợp tác với 6 công ty dinh dưỡng quốc tế để phát triển các sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh, mang đến triển vọng sáng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công ty vẫn chưa tập trung vào sản phẩm cao cấp do sức mua của người tiêu dùng hiện tại vẫn còn yếu. Trong khi đó, TH Milk tập trung vào phân khúc cao cấp và đã tăng nhiều thị phần nhất trong số các doanh nghiệp sản xuất trong nước những năm gần đây.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra vừa qua, lãnh đạo Vinamilk đã thông tin về các dự án của mình gồm mở rộng nhà máy sữa Hưng Yên mức đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng, công suất 400 triệu lít/năm (dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025); mở rộng nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu, tổng đầu tư 2.000 tỷ đồng, công suất 500 tấn sữa/ngày (dự kiến hoàn thành năm 2024).

Dự án tổ hợp chăn nuôi – chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo đã dự kiến hoàn thành vào năm 2024 với 2 phân khu chính là trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con/năm và Nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30.000 con/năm (tương đương 10.000 tấn sản phẩm/năm).

Trang trại Lao Jargo cũng đã đi vào hoạt động và hiện có 1.000 con bò đi vào vắt sữa. Trong năm 2023, công ty sẽ bổ sung thêm 7.000 con, nâng tổng quy mô lên 8.000 con với năng suất đạt 100 tấn sữa tươi/ngày. Công ty cũng không có ý định thực hiện M&A trong vòng 1 đến 2 năm tới.

Tuy nhiên, theo VCBS, phải đến 2025 các mảng đầu tư mới mới bắt đầu đóng góp nhiều và tạo động lực tăng trưởng cho Vinamilk.

Đơn vị này cũng đưa ra dự báo về triển vọng của từng nhóm sản phẩm của ngành về dài hạn. Theo đó, sản phẩm sữa chua có nhiều công ty tham gia thị trường, nhưng Vinamilk vẫn có khả năng giữ vị trí dẫn đầu nhờ liên tục đầu tư.

Với kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng nên sản phẩm này sẽ thu hút nhiều công ty đầu tư hơn. Euromonitor dự phóng giai đoạn 2022-2027, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm của sữa chua đạt 6,4% cho sữa chua nguyên chất và 8,5% cho sữa chua uống.

Sản phẩm sữa nước cũng đang thu hút thêm đầu tư từ các công ty trong nước. Sữa hoàn nguyên vẫn phổ biến nhất, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang thúc đẩy chuyển hướng sang nhu cầu sữa tươi. Sữa nước được kỳ vọng tăng trưởng kép hằng năm 6,6% trong giai đoạn 2022-2027.

Về sữa bột, VCBS dự báo thị phần Vinamilk bị suy giảm do sữa bột trẻ em giảm tăng trưởng và cạnh tranh khốc liệt với đối thủ nội địa, sữa nhập. Việc hợp tác với 6 tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu sẽ giúp Vinamilk cải tiến sản phẩm và thay đổi hình cái nhìn của người tiêu dùng về sữa bột công thức cho trẻ em. Sữa bột công thức trẻ em được dự phóng tăng trưởng với kép hằng năm 3,8% trong giai đoạn 2022-2027.

Đăng Nguyên