|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh thu Vinamilk tăng trưởng trở lại, lãi ròng gần 1.900 quý I

10:57 | 29/04/2023
Chia sẻ
Lợi nhuận ròng của Vinamilk giảm 18% so với cùng kỳ xuống còn 1.857 tỷ đồng quý I. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp Vinamilk ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho thấy doanh thu thuần hợp nhất của CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM) đạt 13.918 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 0,3% so với cùng kì năm 2022, hoàn thành 22% kế hoạch năm và chấm dứt xu hướng giảm từ quý II/2022. Theo khu vực địa lý, doanh thu thuần nội địa đạt 11.491 tỷ đồng và doanh thu thuần các thị trường nước ngoài đạt 2.428 tỷ đồng.

 

Ở thị trường nội địa, công ty mẹ ghi nhận doanh thu thuần 9.979 tỷ đồng dưới tác động của sức tiêu dùng yếu khi các yếu tố vĩ mô không thuận lợi. Dù vậy, hoạt động kinh doanh tiếp tục ghi nhận điểm sáng tích cực ở kênh khách hàng đặc biệt và hệ thống cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt với tăng trưởng so với cùng kỳ đạt lần lượt 50% và 12%.

Động lực tăng trưởng cho kênh khách hàng đặc biệt đến từ nỗ lực mở rộng tập khách hàng HORECA và trường học, trong khi đó hệ thống cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt đã tận dụng hiệu quả độ phủ của 652 cửa hàng trên cả nước (tăng 6 cửa hàng so với cuối năm 2022) để gia tăng độ nhận diện thương hiệu và nhu cầu của người tiêu dùng với sản phẩm của Vinamilk.

Thị trường nước ngoài ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thuần 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu thuần xuất khẩu chấm dứt đà giảm với mức tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ, đạt 1.225 tỷ đồng trong quý I. Đầu năm 2023,Vinamilk đã ký kết thành công nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn với tổng giá trị lên đến 100 triệu USD, chủ yếu phục vụ nhu cầu sữa bột trẻ em tại thị trường Trung Đông.

Bên cạnh đó, sự phát triển của liên doanh Del Monte Vinamilk ở thị trường Philippines đã góp phần tích cực vào sự phục hồi của mảng xuất khẩu.

Doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 1.203 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ nhờ phong độ ổn định của Driftwood tại Mỹ và AngkorMilk tại Campuchia với mức tăng trưởng doanh thu đạt lần lượt là 7% và 11% so với năm ngoái.

Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk đạt 1.906 tỷ đồng quý I, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 22% mục tiêu cả năm. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 18% còn 1.857 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp Vinamilk ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart.

Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đạt 38,8%, giảm so với mức 40,5% cùng kỳ. Biên lãi thuần trong kỳ là 13,7%, suy giảm so với mức 16,5% quý I/2022. Ngoài giá nguyên vật liệu chính vẫn ở mức cao, các chí phí sản xuất khác cũng bị ảnh hưởng do lạm phát. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hợp nhất là 3.331 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 23,9% trên doanh thu thuần.

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart.

Công ty cho biết đã tăng cường đầu tư vào trưng bày sản phẩm, khuyến mại, hỗ trợ bán hàng và nhân sự chất lượng cao để giữ vững vị thế cạnh tranh và khuyến khích nhu cầu tiêu dùng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 25/4, CEO Mai Kiều Liên chia sẻ giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm nhưng giảm cho tới tháng 4 vừa qua, trên sàn đấu giá quốc tế, giá sữa bột tăng rất mạnh trở lại. Thực sự, giá nguyên vật liệu phụ thuộc tình hình của thế giới. Vấn đề là Vinamilk làm sao nắm bắt để chốt được vào thời điểm tốt nhất.

Về giá sữa tươi nguyên liệu đối với bà con nông dân, năm nay Vinamilk đã tăng lên 7% do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng rất cao. Với những ảnh hưởng đó, Vinamilk sẽ cố gắng giảm chi phí, tăng doanh thu thì biên lợi nhuận sẽ tốt hơn. CEO nhận định để đạt được biên lợi nhuận như trước COVID-19 thì phải một năm nữa.

Trong bối cảnh lạm phát, Vinamilk dự kiến chỉ tăng từ 3-5% giá bán tuỳ mặt hàng vì hiện nay sức mua yếu. 

 Nguồn: Vinamilk.

Về tình hình tài chính, cuối quý I, quy mô tài sản của Vinamilk đạt 49.265 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản tiền và tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 18.827 tỷ đồng. Với nguồn tiền dồi dào gửi ngân hàng đã giúp Vinamilk thu về 336 tỷ lãi tiền gửi trong ba tháng.

Áp dụng nghiệp vụ đem gửi ngân hàng với lãi cao và đi vay với lãi suất thấp, tại ngày 31/3, Vinamilk vay tổng cộng 6.950 tỷ, chủ yếu là vay ngắn hạn. Tổng chi phí lãi vay quý I chỉ hơn 82 tỷ, ở mức rấp thấp so với lãi tiền gửi công ty thu về.

 Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023.

Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản ở mức 14%, tối ưu hơn so với mức 10% vào cuối năm trước để tận dụng đòn bẩy hiệu quả trong hoạt động vận hành, luân chuyển vốn.

Vốn chủ sở hữu của Vinamilk đạt 34.510 tỷ cuối kỳ, bao gồm 5.444 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 4.840 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Hoàng Kiều