|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tesla sắp có 'đối thủ nặng ký' trên thị trường xe điện hạng sang

07:37 | 20/02/2023
Chia sẻ
Gã khổng lồ ngành xe điện Trung Quốc là BYD đã ra mắt thương hiệu xe điện đầu tiên cho phân khúc hạng sang, qua đó đe dọa sự thống trị của gã khổng lồ Tesla do tỷ phú Elon Musk điều hành đối với phân khúc này.

Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đang mở rộng hoạt động ra ngoài, đồng thời đặt mục tiêu doanh số bán hàng cho năm 2023 vượt qua đối thủ khổng lồ Tesla của Mỹ, theo Asia Nikkei. Hoạt động tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm Nhật Bản và các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Âu, BYD có kế hoạch bán gần 2 triệu xe điện trong năm nay.

"Giấc mơ của chúng tôi sẽ trở thành hiện thực nhờ những nỗ lực nghiên cứu và phát triển trong hơn 20 năm. Chúng tôi sẽ thay đổi cấu trúc công nghiệp toàn cầu đối với ô tô hạng sang", Wang Chuanfu, người sáng lập và chủ tịch của BYD, cho biết tại buổi ra mắt trực tuyến thương hiệu xe sang Yangwang vào ngày 5/1.

BYD ra mắt thương hiệu xe sang Yangwan. (Ảnh: Asia Nikkei).

Việc cung cấp một chiếc xe điện hạng sang là mục tiêu của BYD trong nhiều năm sau khi  lần đầu tiên gia nhập thị trường ô tô vào năm 2003. BYD chuẩn bị ra mắt mẫu SUV địa hình Yangwang U8 và siêu xe U9 vào năm 2023 với mức giá khởi điểm dự kiến từ 800.000 nhân dân tệ (116.878 USD) đến 1,5 triệu nhân dân tệ.

Các mẫu xe Yangwang có thể điều khiển riêng biệt từng bánh trong số 4 bánh để các phương tiện có thể dừng lại an toàn ngay cả khi một lốp bị xẹp. Ngoài ra, mẫu U8 cũng có các chức năng khẩn cấp như khả năng nổi và di chuyển khi ở dưới nước.

BYD sẽ tham gia vào phân khúc xe điện hạng sang một phần do vị trí bấp bênh của nó tại thị trường Trung Quốc. Công ty đã phát triển nhờ doanh số bán hàng mạnh mẽ của các mẫu xe giá rẻ và trung bình với giá từ 100.000 đến 300.000 nhân dân tệ, chẳng hạn như Song, Qin, Dolphin và Han.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh với các thương hiệu xe điện khác trong phạm vi giá này đang tăng lên. Tesla trước đó đã phải giảm giá mạnh các mẫu xe vào tháng 1, đưa mức giá thấp nhất của mẫu Model 3 từ 265.900 nhân dân tệ xuống còn 229.000 nhân dân tệ. Tesla hiện đang cạnh tranh trực tiếp với BYD trên thị trường xe điện giá trung bình.

Những hãng xe khác như Volkswagen của Đức và Honda Motor của Nhật Bản cũng đang củng cố hoạt động kinh doanh xe điện của họ tại Trung Quốc, qua đó đe dọa trực tiếp tới sự thống trị của BYD tại quê nhà.

Mẫu xe điện bình dân Han của BYD. (Ảnh: Asia Nikkei).

BYD sẽ ra mắt các mẫu xe Yangwang để mở đường cho việc thâm nhập vào phân khúc xe điện hạng sang. “Sáng kiến này mở rộng con đường của BYD vào phân khúc hạng sang trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường đại chúng, nơi công ty có thể sớm đạt đến đỉnh cao”, Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo phát hành vào ngày 5/1.

Dòng xe điện hiện tại của BYD, chủ yếu bao gồm các mẫu xe giá rẻ và trung bình, khiến lợi nhuận của công ty bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lợi nhuận từ hoạt động trên doanh số bán hàng trong mảng kinh doanh ô tô của BYD trong những năm gần đây là dưới 5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 25% của Tesla.

Xe điện và xe hybrid cắm điện (PHV) ít sinh lãi hơn xe chạy bằng xăng vì chi phí pin quá đắt. Việc BVD gặp khó trong việc tăng lợi nhuận đã đẩy công ty này thâm nhập vào các phân khúc thị trường khác. Thương hiệu Yangwang được hy vọng không chỉ tăng lợi nhuận mà còn nâng cao hình ảnh của công ty.

Những vấn đề khác cũng bắt đầu phát sinh. Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc đã ngừng trợ cấp cho người mua đối với xe điện và xe hybrid cắm điện từ cuối năm 2022. Ưu đãi này từng được cung cấp cho người mua từ các nhà sản xuất đáp ứng các tiêu chí khác nhau. BYD được hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản trợ cấp này, nhận được 5,8 tỷ nhân dân tệ trong năm tài chính tính đến tháng 12/2021, tăng 2,5 lần so với năm trước đó.

BYD đã tăng giá bán vào tháng 1 để cải thiện lợi nhuận, với lý do rằng chính phủ đã chấm dứt các khoản trợ cấp và tăng chi phí vật liệu cho pin - một sự tương phản rõ rệt với Tesla, công ty đã giảm giá bán sản phẩm.

Vào tháng 1, BYD đã ghi nhận doanh số bán ô tô mới tăng 59% so với một năm trước đó bất chấp những tác động bất lợi từ sự lây lan của dịch COVID-19 tại Trung Quốc và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, doanh số bán hàng vào năm 2022 đã chậm lại so với mức tăng gấp 2,5 lần của năm trước và hậu quả từ việc tăng giá có thể gây ảnh hưởng nặng nề.

Nhà sáng lập Wang Chuanfu của BYD (Trái) và tỷ phú Warren Buffett. (Ảnh: Asia Nikkei).

BYD đã và đang mở rộng doanh số bán hàng ở nước ngoài với dự đoán thị trường nội địa sẽ chậm lại. Ngoài việc quảng bá xe buýt điện ở nước ngoài, công ty đang tăng cường tiếp thị xe chở khách chạy bằng điện ở Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Dù vậy, người tiêu dùng nước ngoài có thể vẫn ngần ngại mua xe điện Trung Quốc, một rào cản có thể xảy ra đối với BYD trong tương lai. "Châu Âu hiện là mục tiêu chính cho xuất khẩu xe điện từ Trung Quốc", Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức cho biết trong một báo cáo phát hành vào tháng 3/2022.

Viện này chỉ ra rằng các phương tiện do Trung Quốc sản xuất khiến việc làm, đầu tư và đổi mới của châu Âu bị đe dọa và "EU cần theo dõi cẩn thận tình hình trong và ngoài nước, đồng thời cân nhắc việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại của riêng mình”.

Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức cho biết khi châu Âu trở thành thị trường chính của xe điện Trung Quốc, việc làm, đầu tư và đổi mới công nghệ của khu vực trên lục địa này sẽ gặp rủi ro, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét các biện pháp đối phó trong thương mại. BYD sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu bị Mỹ hạn chế xuất khẩu như trường hợp của Huawei Technologies.

Ngoài ra, trong khi Bắc Mỹ là thị trường hàng đầu của Tesla, Toyota, Volkswagen và các hãng khác, BYD lại tập trung vào châu Âu và châu Á, và điều này có thể khiến BYD không thu được lợi ích từ quy mô kinh tế, qua đó đạt được mục tiêu giảm chi phí sản xuất trong trung và dài hạn.

Anh Nguyễn