Tencent và Alibaba sẽ tấn công thị trường Việt Nam?
Các công ty lớn của Trung Quốc hiện không chỉ tập trung hoạt động trong nước, mà họ cũng đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng tại các thị trường cận biên, nhà đầu tư lão luyện chuyên về các thị trường mới nổi là Mark Mobius nói với CNBC.
"Các công ty Trung Quốc như Tencent hay Alibaba đang bắt đầu di chuyển ra nước ngoài và họ bắt đầu vận dụng những kiến thức chuyên môn mà họ đã thu thập được ở Trung Quốc để áp dụng sang các nước khác", ông Mobius đã phát biểu bên lề Hội nghị của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tại Nhật Bản.
Alibaba - công ty thương mại điện tử số 1 Trung Quốc. |
Ông Mobius cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu vào châu Á, với các thị trường mục tiêu đầu tư tiềm năng bao gồm Việt Nam và Myanmar.
"Đây là sân nhà của họ, họ hiểu châu Á, họ sẵn sàng đi vào những nước này, dù sẽ có nhiều rủi ro lúc đầu nhưng đó là nơi có cơ hội để phát triển", ông Mobius nói.
Ông cũng lưu ý rằng tăng trưởng của một số công ty Trung Quốc tại các thị trường mới nổi ở châu Á sẽ có thể đến từ M&A: "Dĩ nhiên các nước này cũng có một số công ty internet nội địa, và tất nhiên các công ty này cũng sẽ tự thân phát triển. Nhưng họ cũng có thể hợp nhất với các công ty Trung Quốc và chúng tôi đã thấy một số thương vụ như thế diễn ra".
Tencent là 1 trong 10 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới. |
Mobius cũng cho biết ông cũng quan tâm đến thị trường Trung Quốc, lưu ý rằng các công ty internet của nước này như Tencent và Alibaba đã tăng trưởng với “tốc độ đáng kinh ngạc”.
Mark Mobius, nhà đầu tư 81 tuổi này hiện là người đứng đầu của The Templeton Emerging Markets Group – nhánh đầu tư vào các thị trường biên và thị trường mới nổi của Franklin Templeton Investments.
Mark Mobius đã hàng chục năm kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam. |
Mark Mobius đã hàng chục năm kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam cùng với hàng chục tỷ USD tài sản đang quản lý. Ông đã đầu tư vào cổ phiếu của các công ty Việt Nam như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Hòa Phát, Dược Hậu Giang,...
Tencent, do Ma Huateng sáng lập, là công ty Trung Quốc đầu tiên được “ngồi chung mâm” với các tên tuổi lớn như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) hay Microsoft, Amazon, Berkshire Hathaway…. khi trở thành 1 trong 10 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.
Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của Tencent là WeChat, ứng dụng nhắn tin trên điện thoại di động tích hợp với hàng loạt tiện ích. Hiện tại, WeChat có 805 triệu người dùng. Ngoài việc nhắn tin, người ta có thể cùng chơi game, thanh toán hoá đơn hay thậm chí là mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán bằng ứng dụng này.
Trong khi đó, Alibaba của tỷ phú Jack Ma là công ty thương mại điện tử số 1 tại Trung Quốc, có giá trị 264 tỷ USD và 450 triệu khách hàng. Jack Ma có kế hoạch đưa Alibaba trở thành một đế chế toàn cầu.