|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Temasek - Quỹ đầu tư mà ông Trương Gia Bình vừa trở thành cố vấn: Vào Việt Nam từ 2007, là cổ đông của GHN, AhaMove, VNG

08:31 | 21/08/2023
Chia sẻ
Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị danh mục đầu tư của Temasek là 403 tỷ SGD, mức cao nhất trong vòng 20 năm. Ngoài ra, tổng giá trị danh mục đầu tư của Temasek cũng có xu hướng tăng dần trong vài năm qua.

Mới đây, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT và ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Unigroup, đã trở thành cố vấn khu vực Đông Nam Á cho Temasek. Temasek là một Tập đoàn đầu tư của Chính phủ Singapore và do Bộ Tài chính Singapore sở hữu 100% vốn. Theo trang chủ Temasek, công ty được thành lập từ năm 1974, có trụ sở chính tại quốc đảo này.

Hiện tại, công ty có 13 văn phòng trên 9 quốc gia. Công ty đang quản lý danh mục đầu tư có giá trị khoảng 382 tỷ SGD (đô la Singapore, xấp xỉ 287 tỷ USD) tính đến ngày 31/3, chủ yếu tại Singapore và phần còn lại của châu Á.

Trước đó, tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị danh mục đầu tư của Temasek là 403 tỷ SGD, mức cao nhất trong vòng 20 năm. Ngoài ra, tổng giá trị danh mục đầu tư của Temasek cũng có xu hướng tăng dần trong vài năm qua.

 

Theo trang chủ Temasek, tổng tài sản ở Singapore chiếm 28% danh mục đầu tư của doanh nghiệp tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023. Tiếp sau đó lần lượt là Trung Quốc (22%), Mỹ (21%), châu Á (ngoại trừ Singapore và Trung Quốc – 13%), châu Âu – Trung Á – châu Phi (12%) và Australia – New Zealand (4%).

Tuy nhiên, Mỹ mới là nơi mà Temasek đầu tư vào các doanh nghiệp giai đoạn đầu lớn nhất. Theo trang chủ Temasek, công ty phân bổ khoảng 42% nguồn vốn đầu tư cho các startup giai đoạn đầu ở Mỹ, tiếp theo lần lượt là Trung Quốc (25%), châu Âu – Trung Á – châu Phi (14%), Singapore (11%), châu Á (ngoại trừ Singapore và Trung Quốc – 7%) và Australia – New Zealand (1%).

Danh mục đầu tư của Temasek bao gồm một loạt các lĩnh vực bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông, truyền thông và công nghệ, vận tải và công nghiệp, khoa học đời sống và kinh doanh nông nghiệp, tiêu dùng và bất động sản, năng lượng và tài nguyên, cũng như các quỹ đa lĩnh vực.

Trông số các lĩnh vực, Temasek dồn lực nhiều nhất cho ngành truyền thông & công nghệ (52%). Một số lĩnh vực khác cũng thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn từ phía Temasek có thể kể tới như khoa học đời sống & nông nghiệp (23%), giao thông & công nghiệp (8%), tài chính (7%) hay bất động sản & tiêu dùng (7%).

Chủ tịch của Temasek hiện tại là ông Lim Boon Heng. Ông Lim Boon Heng đã giữ chức vụ này kể từ tháng 8/2013. Bên cạnh vị trí Chủ tịch Temasek, ông Lim Boon Heng còn giữ các chức vụ cấp cao tại một số đơn vị khác như NTUC Enterprise Co-operative Limited, NTUC Health Co-operative Ltd, Philanthropy Asia Alliance Ltd,…

Giám đốc Temasek hiện tại là ông Bobby Chin Yc. Ông giữ vị trí này từ tháng 6/2014. Bên cạnh đó, ông Bobby Chin Yc cũng từng là cựu Đối tác quản lý của KPMG Singapore.

Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2023, Temasek đạt doanh thu 167,4 tỷ SGD, ghi nhận khoản lỗ ròng 7,3 tỷ SGD. Đây cũng là năm tài chính có kết quả tệ nhất của Temasek kể từ năm 2016.

Theo thông tin từ Pitchbook, công ty có tổng cộng 1.338 chuyên gia hoạt động trên quy mô toàn cầu.

Kết quả kinh doanh Temasek giai đoạn 2016 - 2023. (Nguồn: Temasek - Anh Nguyễn tổng hợp).

Tỷ trọng giá trị danh mục đầu tư và vốn đầu tư giai đoạn đầu của Temasek theo từng khu vực. (Nguồn: Temasek - Anh Nguyễn tổng hợp).

Đứng sau hàng loạt thương vụ rót vốn vào Việt Nam

Temasek bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2007 với thương vụ mua 10% cổ phần CTCP Thủy hải sản Minh Phú.

Ngoài ra, thương vụ nổi bật khác của Temasek tại Việt Nam là việc công ty này cùng với công ty quản lý quỹ đầu tư KKR (Mỹ) chi ra 15.100 tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD để mua thỏa thuận hơn 200 triệu cổ phiếu (6% vốn điều lệ) của Vinhomes vào giữa năm 2020. Trong đó, riêng Temasek đã bỏ ra tới khoảng 200 triệu USD. Giao dịch được KKR thực hiện qua Quỹ Asian Fund III.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2019, Temasek đã đầu tư vào Scommerce - công ty mẹ của CTCP Dịch vụ Giao Hàng Nhanh (GHN) và CTCP vụ Tức Thời (AhaMove). Giá trị thương vụ không được công bố chính thức, nhưng được đồn đoán ở mức khoảng 100 triệu USD.

Giao Hàng Nhanh và AhaMove từng gọi vốn thành công từ Temasek. (Ảnh: Giao Hàng Nhanh).

Ngoài ra, Seletar Investments, công ty trực thuộc Temasek, cũng từng chi ra khoảng 661 tỷ đồng để mua toàn bộ 355.820 cổ phiếu quỹ của VNG với mức giá 1,86 triệu đồng/cổ phiểu trong năm 2019.

Các công ty con của Temasek cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) - đối tác của Temasek - cũng là những nhà đầu tư tích cực vào thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam.

Chẳng hạn, công ty con Pavilion Capital thuộc sở hữu hoàn toàn của Temasek đã hỗ trợ quỹ đầu tư mạo hiểm của Touchstone Partners 50 triệu USSD trong giai đoạn đầu nhằm thúc đẩy đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam.

“Quan hệ đối tác của chúng tôi với các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng tạo điều kiện để chúng tôi có những nắm bắt ban đầu về đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh. Ví dụ điển hình có thể kể đến là Jungle Ventures, Golden Gate Ventures, Openspace Ventures đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp như Tiki, KiotViet và Appota”, Ông Eddy Jetjirawat, một lãnh đạo của Temasek chia sẻ với báo Công Thương.

Đầu tháng 8, trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam cũng như Giám đốc điều hành Quỹ Temasek (Quỹ Temasek là tổ chức từ thiện phi lợi nhuận lớn, thuộc Temasek Holdings) Ng Boon Heong, phía Quỹ Temasek cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng và có nhiều cơ hội. Do đó, phía Temasek xác định tầm nhìn chiến lược và mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Anh Nguyễn