Taseco Air thua lỗ, loạt công ty chứng khoán cắt margin khi giá cổ phiếu AST lao dốc mạnh
Nhiều CTCK cắt margin, cổ phiếu AST của Taseco Air lao dốc mạnh
Sau khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo và loại khỏi danh sách cho vay ký quỹ, nhiều công ty chứng khoán thông báo về việc cắt margin với cổ phiếu AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air).
Việc cắt margin với cổ phiếu AST diễn ra tại nhiều công ty chứng khoán như VietinBank Securities, Bảo Việt, Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội. Trước đó, nhiều công ty cho vay ký quỹ với cổ phiếu AST với tỷ lệ cao lên đến 40%, 50%.
Khi các công ty chứng khoán này đồng loạt cắt margin, khiến nhà đầu tư giảm sức mua của tài khoản. Trong trường hợp vay ký quỹ với mã AST, nhà đầu tư bắt buộc phải bán ra cổ phiếu này để trả tiền vay cho các công ty chứng khoán. Hoạt động bán ra mạnh mẽ đã tạo sức ép lên giá cổ phiếu AST của Taseco Air.
Cụ thể, trong hơn một tháng trở lại đây, cổ phiếu AST của Taseco Air lao dốc từ vùng 65.000 đồng/cp vào đầu tháng 3 xuống còn 47.000 đồng/cp tại giá đóng cửa ngày 28/5. Đà giảm sâu của cổ phiếu AST khiến nhà đầu tư thu lỗ gần 28% bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng giá mạnh.
Trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường tăng giá mạnh và liên tục thiếp lập mức đỉnh lịch sử mới như ngân hàng, thép, chứng khoán, cổ phiếu AST hiện đang tiến về vùng đáy được thiết lập khi thị trường bị bán tháo vào tháng 3 và tháng 7 năm ngoái.
Taseco Air nói gì khi cổ phiếu AST bị đưa vào diện cảnh báo
Trước thông tin cổ phiếu AST bị HOSE đưa vào diện cảnh báo với các nhà đầu tư, Taseco Air đã có những giải trình liên quan đến tình trạng này. Trong năm 2020, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất là hơn 49 tỷ đồng.
Nguyên nhân Taseco Air kinh doanh thua lỗ và dịch bệnh COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và ngành kinh doanh du lịch, dịch vụ hàng không và phi hàng không nói riêng. Trong năm 2020, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến các hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trong tháng 4/2020, toàn bộ các điểm kinh doanh của công ty trên toàn hệ thống đóng cửa từ ngày 1/4 đến 27/4. Tháng 5 và 6, các điểm kinh doanh tại nhà ga quốc tế tiếp tục đóng cửa theo quy định về tạm dừng các đường bay quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay đón công dân Việt Nam từ nước ngoài về tránh dịch. Tại nhà ga quốc nội bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 28/4. Tuy nhiên, lượng khách vẫn chưa phục hồi, nhu cầu tiêu dùng chưa cao, dẫn đến doanh thu dịch vụ sụt giảm nghiêm trọng.
Trong tháng 7 và 8 năm ngoái, các điểm kinh doanh tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nãng và Khách sạn À La Carte đóng cửa và mở trở lại trong quý IV/2020. Song, sản lượng hành khách cũng như nhu cầu dịch vụ còn hạn chế. Tháng 8 - 12/2020, Khách sạn À La Carte đóng cửa hoạt động nhằm chống dịch.
Sang năm 2021, Taseco Air đặt kế hoạch doanh thu 317 tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện 2020. Công ty lên kế hoạch lỗ 83,87 tỷ đồng năm nay.
Trong quý đầu năm, kết quả kinh doanh của công ty không mấy khởi sắc. Cụ thể, doanh thu hợp nhất quý I của Taseco Air đạt 58,3 tỷ đồng, giảm 70,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng giảm so với cùng kỳ, nhưng công ty vẫn báo lỗ trước truế gần 38 tỷ đồng.