Tập đoàn Trung Quốc rót vốn vào start-up phát triển taxi bay
Công ty Lilium thử nghiệm thành công máy bay điện hai chỗ ngồi vào tháng 4-2017. Ảnh: Lilium |
Bloomberg đưa tin ông Remo Gerber, Giám đốc tài chính của công ty Lilium cho biết công ty sử dụng số tiền này để phát triển một máy bay mẫu có thể cất cánh thẳng đứng, vận hành bằng động cơ điện, chở năm người và bay với tốc độ 300km/giờ.
Mục tiêu của Lilium là sản xuất những chiếc máy bay phục vụ nhu cầu đi lại trong đô thị với mức cước tương đương với mức cước của taxi hay tàu điện ngầm.
Cách đây năm tháng, Lilium đã bay thử nghiệm thành công một máy bay điện, cất cánh thẳng đứng, có thể chở hai hành khách. Chiếc máy bay này sử dụng 36 động cơ phản lực được gắn trên cánh máy bay.
Ông Gerber cho biết cải thiện phương thức con người đi lại và thúc đẩy chi tiêu phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu vực bao gồm châu Á là các lý do khiến Tencent đầu tư vào Lilium. Các nhà đầu tư khác tham gia góp vốn cho Lilium lần này còn có tập đoàn LGT, quỹ đầu tư Obvious Ventures của Ev Williams, người đồng sáng lập mạng xã hội Twitter và công ty đầu tư công nghệ Atomico (Anh).
Ông Gerber nói: “Chúng tôi tin rằng công nghệ taxi bay của chúng tôi có thể nhanh chóng được áp dụng ở các khu vực đô thị . Tất cả những gì bạn cần là một bãi đáp máy bay. Chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác có thể điều hành dịch vụ taxi bay với chi phí tương tự như hình thức vận chuyển bằng tàu lửa hoặc taxi”.
Ông Gerber dự tính trong vài năm tới, Lilium sẽ có thể sản xuất taxi bay hàng loạt. Nhiều dự án taxi bay khác đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Chẳng hạn hãng xe Daimler đã đầu tư vào công ty khởi nghiệp Volocopter (Đức) để phát triển một loại trực thăng nhiều cánh quạt, vận hành bằng động cơ điện. Hãng máy bay Airbus cũng đã rót vốn cho dự án Vahana để phát triển một loại máy bay điện không người lái, có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Dù đang ở giai đoạn thử nghiệm, các công nghệ taxi bay cần được cấp phép từ các cơ quan quản lý trước khi được đưa vào khai thác thương mại.