Tập đoàn SCG vay 3,2 tỷ USD từ 6 ngân hàng tài trợ tổ hợp hóa dầu Long Sơn
Lợi nhuận từ mảng hóa chất của SCG giảm mạnh
Tập đoàn Siam của Thái Lan (SCG) vừa báo kết quả doanh thu quý II đạt 120,44 tỷ Baht (3,6 tỷ USD), tăng trưởng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận gộp trên 21%. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt 15,2 tỷ Baht (455 triệu USD), giảm gần 6%. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí mảng hóa chất tăng lên, đồng thời đồng tiền của Thái Lan cũng tăng giá trị. Trong quý II, hóa chất là nhân tố chính đem đến sự tăng trưởng so với giai đoạn đầu năm.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của SCG |
Tổng kết 6 tháng đầu năm, doanh số của SCG đạt gần 239 tỷ Baht (7,16 tỷ USD), tăng trưởng 6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận giai đoạn này giảm mạnh 19% chỉ còn 24,8 tỷ Baht (743 triệu USD). Cơ cấu doanh thu theo khu vực, 58% đến từ thị trường Thái Lan, 24% từ các nước còn lại thuộc ASEAN và 18% thu từ thị trường khác.
Cơ cấu doanh thu theo khu vực của SCG |
Về cơ cấu, tỷ trọng doanh thu cả ba mảng hóa chất, xi măng và bao bì không đổi so với cùng kỳ, trong đó hóa chất khoảng 46%; xi măng 36% còn lại là nhựa bao bì.
Lợi nhuận từ hóa chất giảm mạnh từ 22,25 tỷ Baht (666 triệu USD) xuống còn 16,3 tỷ Baht (488 triệu USD), tương đương giảm 27%, cùng với đó tỷ trọng đóng góp lợi nhuận từ 72% cũng giảm chỉ còn 65%.
Đánh giá lợi thế thương mại Nhựa Bình Minh 86 triệu USD
Đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, thời điểm giữa tháng 3/2018, SCG rót 2.330 tỷ đồng thực hiện mua thêm 30% cổ phiếu của CTCP Nhựa Bình Minh từ đấu giá, nâng sở hữu tại công ty này lên trên 50%. Kể từ đó đến nay tiếp tục năng sở hữu lên 54% vốn điều lệ.
Phía SCG cho biết, việc thâu tóm lại Nhựa Bình Minh sẽ giúp Tập đoàn mở rộng hoạt động kinh doanh nhựa PVC tại Việt Nam, hoàn thiện thêm chuỗi giá trị Vinyl, đây chính là độ lực để công ty Thái Lan thực hiện thương vụ này. Trong quá trình đánh giá lại, SCG định lợi thế thương mại của Nhựa Bình Minh là 2,86 tỷ Baht (86 triệu USD).
Theo kết quả hợp nhất, 6 tháng đầu năm Nhựa Bình Minh đóng góp 1,72 tỷ Baht doanh thu (51,5 triệu USD) và 195 triệu Baht (5,8 triệu USD) lợi nhuận về cho SCG. Chi phí thực hiện thương vụ mua lại Nhựa Bình Minh vào khoảng 14 triệu Baht (0,42 triệu USD).
Vay 3,2 tỷ USD đầu tư Lọc dầu Long Sơn
Dự án lọc dầu 5,4 tỷ USD sắp được đánh thức |
Cùng với Nhựa Bình Minh, trong 6 tháng đầu năm SCG cũng thực hiện việc nâng sở hữu tại dự án Lọc hóa dầu Long Sơn từ 71% lên 100%. Đáng chú ý vào ngày 3/8, một công ty con hoạt động trong lĩnh vực hóa chất của SCG đã ký kết hợp đồng vay nợ đối với 6 ngân hàng tại Thái Lan và quốc tế nhằm tài trợ xây dựng tổ hợp hóa dầu Long Sơn (tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD). Hạn mức vay là 3,2 tỷ USD, tài trợ trong thời gian 14 năm.
Cơ cấu cổ đông của Lọc dầu Long Sơn hiện bao gồm 82% vốn cổ phần nắm giữ bởi Công ty TNHH Hóa chất Vina SCG và 18% bởi Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan, cả hai đều là công ty con sở hữu 100% bởi Tập đoàn SCG.
Theo kế hoạch, các hoạt động kỹ thuật, mua sắm, xây dựng (EPC) cho dự án Long Sơn sẽ được thực hiện vào quý III/2018, hoạt động thương mại nhắm mục tiêu vào năm 2023.